Xã hội

GDP 2018: Quý I rất cao nhưng cả năm có thể giảm dần

Dự báo này được đưa ra trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ vừa được phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sáng nay 21-5.

GDP 2018: Quý I rất cao nhưng cả năm có thể giảm dần
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáng 21-5 - Ảnh: VIỄN SỰ

Mặc dù tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38% - cao nhất trong quý I của nhiều năm gần đây, Chính phủ vẫn thận trọng đánh giá: "Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý".

Đầu năm 2018 tăng cao nhờ quý đầu 2017 tăng thấp

Báo cáo trước Quốc hội, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.

Con số này có được là nhờ sự tăng trưởng của cả 3 khu vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ). Đặc biệt khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước tăng trưởng vượt bậc, khoảng 4,05%, gấp gần 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2017 (2,08%).

Tương tự, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,7%, cao hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ (4,48%). Khu vực dịch vụ cũng tăng 6,7%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2017(6,36%), trong đó các ngành chiếm tỉ trọng lớn như bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, đều có mức tăng ấn tượng.

Tuy vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra: Tăng trưởng GDP quý I năm 2018 đạt cao một mặt do tình hình quý này rất tích cực, mặt khác do tăng trưởng GDP quý I năm 2017 đạt thấp (5,15%).

Năm 2018 là năm thứ 3 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đòi hỏi phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo vì lợi ích của nhân dân, dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Thiếu yếu tố bứt phá

Điều Chính phủ lo lắng là sau khi quý I tăng trưởng cao, các quý còn lại của năm 2018 chưa định hình được những yếu tố để GDP bứt phá rõ ràng như năm 2017. Cụ thể, tháng 5 và tháng 7 năm 2017 có hai đơn vị là Samsung và Formosa vượt lên về xuất khẩu.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra nhiều lĩnh vực sẽ có những khó khăn so với năm 2017, như ngành khai khoáng giảm sản lượng khai thác, đặc biệt là dầu thô (dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017)

Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cũng đánh giá dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng năm 2017.

Thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm cũng có khả năng tác động làm giảm tăng trưởng trong năm 2018.

Do đó, theo Chính phủ, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây đang là kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Xử lý AVG, đất đai ở Đà Nẵng được dư luận đồng tình

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch, quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc AVG, đất đai tại Đà Nẵng…), việc xử lý sau thanh tra được tăng cường.

Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng khi đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn Dầu khí…)
 

Theo Viễn Sự- T.B.Dũng (Tuổi Trẻ)