Xã hội

Gây tai nạn rồi tự sát: "Luật rừng ép người tới đường cùng"

“Hễ động chút là đuổi đánh! Làm như vậy khác gì ép người ta vào đường cùng", là chia sẻ của nhiều độc giả trước hành động đuổi đánh của người dân, khiến lái xe bỏ chạy và tự sát.

 

“Hễ động chút là đuổi đánh! Làm như vậy khác gì ép người ta vào đường cùng", là chia sẻ của nhiều độc giả trước hành động đuổi đánh của người dân, khiến lái xe bỏ chạy và tự sát.

Trước phản ứng dữ dội cùng hành động đuổi đánh của người dân, nhiều độc giả bày tỏ sự đồng cảm, thương xót cho người đàn ông gây tai nạn. Đa phầncho rằng, người này cũng chỉ vì bất cẩn, thiếu tập trung mà đột ngột qua đường nên gây ra sự việc đáng tiếc. Người dân không có quyền đuổi đánh.

“Đâu ra luật đánh người vô tội vạ như vậy?”

“Cũng vì lo lắng trước trách nhiệm vừa gây ra nên anh ta mới phản ứng như vậy, chứ chẳng ai đi cố ý tạt đầu xe tải cả. Những người đuổi đánh là người vô ý thức, chẳng khác gì côn đồ. Làm vậy chỉ khiến người ta hoảng loạn rồi dẫn tới tự sát”, bạn đọc Bruce Lee viết.

Cùng nỗi bức xúc về hành động của người dân, Hoàng Lan bình luận: “Đánh xong thì được gì? Gây tội ác, hại người khác, hại thân mình chứ lợi lộc gì đâu. Chết thêm mạng người nữa thì giải quyết được gì không hay chỉ thêm tội vào thân?”...

Cười Híp Mắt cũng đồng quan điểm: “Làm gì mà đuổi đánh người ta tội quá. Có gì thì chủ đuổi theo bắt lại thôi. Bởi vậy ai không may gây tai nạn toàn phải bỏ chạy, bỏ chạy không phải sợ phải đền bù thiệt hại mà bỏ chạy vì sợ bị đánh”.

Cho rằng tai nạn xảy ra bất ngờ, không phải chuyện mỗi người mong muốn, thành viên Huynh Gấu bày tỏ: "Nghĩ thấy mắc cười! Tai nạn nhưng người ta cũng xin lỗi rồi. Một người lao vào đánh cái cả đám hùa. Người bị hại phải dậy xin mấy người đó. Gần nhất là vụ anh tài leo lên cầu nhảy xuống bỏ lại vợ con chỉ vì lỡ quẹt xe", anh viết.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, người điều khiển xe máy có thể có vấn đề về nhận thức khi tự động chuyển làn trong quá trình lưu thông phương tiện, chạy vào nhà dân dùng kéo tự đâm mình khiến bản thân đau đớn…

Trước những nhận định trên, bạn đọc Nam Anh cũng đưa ra lời phản biện: “Nhiều người không nắm rõ tâm lý của nhân vật chính khi bị dồn ép, vừa sai về luật, vừa bị tấn công hành hung thì dễ loạn trí, không điều khiển được hành vi của mình. Giống vụ tai nạn trên cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc trước kia, tài xế cũng đã nhảy từ giữa cầu xuống nhằm kết thúc cuộc đời vì sợ hãi”.

Gay tai nan roi tu sat: ‘Luat rung ep nguoi toi duong cung' hinh anh 1
Vụ tai nạn hy hữu xảy ra tại Mỹ Hào, Hưng Yên ngày 5/9. Ảnh: Quang Trung.

"Xử lý người sai là việc của pháp luật!"

Trước đó, ngày 5/4, người đàn ông có tên Võ Văn Tính (SN 1969, sống tại Bắc Ninh) từng bị đánh tử vong tại Cầu Sim, Minh Đức, Việt Yên, Bắc Giang vì hành vi trộm chó.

Ngày 10/8, tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cũng xảy ra vụ việc hai nam thanh niên bị người dân đánh bất tỉnh và đốt xe máy khi bị nghi có ý định bắt trộm chó.

Cũng không ít những trường hợp sau khi bị bắt quả tang trộm cướp, đã bị người dân đánh đập dã man và hành xử bằng cách trói buộc nơi công cộng.

Không vội bàn đến lỗi lầm do những người này gây ra, nhưng phản ứng của người dân từ các hành động trên cũng gặp phải không ít phản ứng dữ dội của dư luận.

Bạn đọc Phúc Hưng bình luận: "Sai lầm nhỏ dẫn đến hậu quả lớn. Người dân hành xử vội vã gây hại đến tâm lý nhiều người. Cụ thể trong trường hợp tai nạn trên, người lái xe cũng vì hoảng loạn mới hành động như vậy”.

Bạn Tien Phamtourist cho rằng: “Đôi khi vô ý gây thiệt lại, lại hoảng loạn do thấy tác hại và bị người dân dồn ép. Dù họ sai nhưng việc đuổi đánh cũng là một hành vi tiêu cực. Người đi sai sẽ bị pháp luật nghiêm thị, vậy kẻ dồn ép, đánh người, khiến người ta hoảng sợ, tự tử thì ai xử lý? Chẳng phải đó cũng là tội lớn hay sao”.

Nhiều độc giả luận định, khi gặp tai nạn như vậy, việc người dân nên làm là cứu giúp, đưa người bị nạn đi cấp cứu, gọi điện báo công an và giữ chân người gây nạn chứ đừng lạm quyền xúm lại đánh người.

“Nếu có mặt tại hiện trường, tôi sẽ gọi xe cấp cứu hoặc tìm mọi cách để đưa người bị nạn tới trạm y tế gần nhất. Cứu người là trước tiên. Không nên đánh người gây tai nạn để thoả tức giận nhất thời, nhưng hậu quả thì khôn lường”, bạn đọc Thành Danh đưa ý kiến. 

Thành viên này cũng cho rằng, việc người tạt đầu xe bỏ chạy sẽ có sự can thiệp của pháp luật. "Anh ta biết điều sẽ tự đi trình diện công an, không sẽ bị truy nã. Việc đó là của công an! Người dân đuổi đánh, không những khiến họ bần cùng, mà cũng tự vương thêm tội vào thân", anh cho biết.

Theo Nguyễn Thơm (Zing.vn)