Xã hội

EVN HCMC thay đổi ngày ghi điện, người dân “kêu” mất oan tiền triệu

Nhiều hộ dân tại TP.HCM phản ánh, tiền điện trong tháng 3, tháng 4 vừa qua đã tăng đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi ngày giờ ghi chỉ số công tơ điện của Điện lực TP.HCM đã góp phần khiến tăng tiền điện.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), kể từ tháng 3.2018 sẽ thực hiện thay đổi ngày giờ ghi chỉ số công tơ tại một số khu vực của thành phố như quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, Thủ Đức…trước khi thay đổi toàn thành phố.

Chị Thanh Trang (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, hàng tháng gia đình chị chỉ đóng dao động từ 800.000 – 1 triệu đồng tiền điện. Tháng 3.2018, thời tiết nắng nóng nên số tiền điện tăng lên 1,2 triệu đồng nhưng đến tháng 4 thì hóa đơn tiền điện của gia đình chị tăng lên mức 2 triệu đồng, một mức tăng mà chị cho là có phần bất thường.

Theo tìm hiểu, EVN HCMC đã thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện tại khu vực này từ ngày 6 sang ngày 20 hàng tháng. Việc tăng thêm 14 ngày sử dụng điện trước khi ghi chỉ số công tơ khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao nên nhiều hộ dân cho rằng, họ bị tính giá điện ở các bậc thang 5, 6 (là bậc thang có mức giá cao) tăng lên nhiều. Từ đó, hóa đơn tiền điện tăng cao theo.

EVN HCMC thay đổi ngày ghi điện, người dân “kêu” mất oan tiền triệu
Hóa đơn tiền điện tăng cao của một hộ dân ở quận Thủ Đức (TP.HCM).

Cũng rơi vào trường hợp tương tự, anh Ngô S., một hộ dân tại phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM) bức xúc khi hóa đơn tiền điện của gia đình anh tháng vừa rồi đã lên mức 2,5 triệu đồng. Bình thường, gia đình anh chỉ trả cao nhất là 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng.

Nguyên nhân là phía công ty điện lực đã đổi thời gian ghi điện, từ ngày 6 hàng tháng, qua ngày 21 hàng tháng. Ông S. cho rằng, với “chiêu” thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ này, dù sử dụng điện rất tiết kiệm, người dân vẫn phải trả thành 1,5 tháng và chắc chắn sẽ bị vượt ngưỡng, bị tính giá vượt khung.

Rất nhiều hộ dân khác cũng phản ánh hóa đơn tiền điện đã tăng vọt trong tháng vừa qua. Thế nhưng, do không để ý hoặc chủ quan cho rằng, tháng nắng nóng, lượng điện năng tiêu thụ tăng cao nên đã “nhắm mắt” đóng tiền.

“Chưa kể có lúc mình báo chỉ số điện qua điện thoại, phía điện lực ghi nhầm làm tháng đó chỉ có 15kW, tháng sau cộng với việc dời thời gian ghi điện, tôi đã phải đóng gấp 4-5 lần thông thường!”, một cư dân khác bức xúc.

Về nguyên nhân hóa đơn tiền điện gia tăng, mới đây, đại diện EVN HCMC cho rằng, do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên lượng điện tiêu thụ cũng tăng theo. Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ không ảnh hưởng đến mức giá bán điện của EVN. Phía doanh nghiệp này cũng bác bỏ khả năng nhân viên ghi nhầm số điện.

EVN HCMC thay đổi ngày ghi điện, người dân “kêu” mất oan tiền triệu - 1
Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ đã ảnh hướng đến hóa đơn tiền điện của người dân.

Cụ thể, trong thông báo phản hồi sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của một số khách hàng về hóa đơn điện tháng 3, 4.2018 - thời gian cao điểm nắng nóng trên toàn thành phố, EVN HCMC cho rằng, sản lượng điện tiêu thụ bình quân trong các tháng 3, 4.2018 là 71,9 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với sản lượng bình quân cùng kỳ năm 2017. Một số ngày cao điểm, như ngày 17.4, sản lượng tiêu thụ còn vượt 79 triệu kWh.

Trong đó, riêng nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt bình quân trong tháng 3, 4.2018 tăng hơn 10% so với các tháng trước, đặc biệt một số hộ còn tăng hơn 30%. Theo quy định hiện hành, giá điện sinh hoạt bán lẻ hiện nay được tính theo bậc thang, gồm 6 bậc. Từ kWh 401 trở lên, mức giá là 2.701 đồng/kWh (chưa VAT). Do đó, trong đợt nắng nóng vừa qua, những gia đình có sử dụng điều hòa nhiệt độ sẽ thấy rõ nhất sự tác động khi trả tiền điện.

EVN HCMC khẳng định, giả thiết nhân viên ghi nhầm số điện khó xảy ra vì Tổng công ty kiểm tra rất chặt chẽ và khi khách hàng có thắc mắc sẽ tiến hành xử lý ngay, không để xảy ra sai sót.

Đối với các loại điện kế mà EVN HCMC đang sử dụng để đo đếm chỉ số điện tiêu thụ của khách hàng đều được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng theo đúng Luật đo lường và Luật điện lực.

Bên cạnh đó, EVN HCMC cũng khuyến nghị người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu. Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

“Ngoài ra, người dân cũng cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát, tổn hao điện”, đại diện EVN HCMC khuyến cáo.

EVNHCMC dừng kế hoạch chuyển phiên ghi chỉ số công tơ trong thời điểm nắng nóng

EVN HCMC đã yêu cầu tất cả các công ty điện lực trực thuộc dừng kế hoạch chuyển phiên ghi chỉ số công tơ trong thời điểm mùa khô, nắng nóng (nếu có). 

Tổng công ty cũng gửi lời xin lỗi khách hàng trên địa bàn quản lý của Công ty Điện lực Thủ Đức. Vừa qua, một số khu dân cư ở đây đã được thực hiện sắp xếp lại phiên ghi chỉ số công tơ. EVN HCMC khẳng định, công tác này chỉ nhằm nâng cao chất lượng, năng suất ghi điện và hạn chế sai sót trong công tác ghi chỉ số.

Theo Thuận Hải (Dân Việt)