Xã hội

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Ngập scandal!

Đội vốn, công trình rùa bò, tai nạn chết người... là những gì dư luận trong nước nghĩ ngay đến khi nhắc tới dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...

Đội vốn, công trình rùa bò, tai nạn chết người... là những gì dư luận trong nước nghĩ ngay đến khi nhắc tới dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...

Là công trình trọng điểm quốc gia với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng thời gian qua, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã không ít lần dư luận phải "phát sốt phát rét", nổi giận "đùng đùng" vì những sự thông tin tiêu cực liên quan đến dự án này, từ đội vốn lên gần 100%, thi công chậm trễ, đến hàng loạt những tai nạn đe dọa an toàn của người dân thủ đô, thậm chí đã xảy ra tai nạn chết người...

"Ngồi trên đống lửa" vì... đội vốn gần 100%

Thời điểm tháng 4/2014, dư luận trong nước "choáng váng" khi tiếp nhận thông tin dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn lên gần 100%.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, dự toán ban đầu của dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là 8.770 tỉ đồng (tương đương 550 triệu USD). Tuy nhiên, tổng thầu Trung Quốc đã xin tăng tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (tăng 318 triệu USD so với tổng vốn ban đầu).

Lý do tăng số vốn khổng lồ trên được Bộ Giao thông Vận tải trình bày có 9 nguyên nhân, theo đó, quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài và tăng chi phí lớn.

Sau sự việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông, UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư...
 

Thi công 'chậm như rùa'

Chậm trễ trong thi công và giải phóng mắt bằng là một trong những nguyên nhân khiến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tiến độ thực hiện dự án theo phê duyệt ban đầu là phải hoàn thành vào tháng 11/2013, tuy nhiên thực tế tháng 10/2011 dự án mới khởi công nên dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại lại phải lùi lại vào ngày 31/12/2015.

Tuy nhiên, sau khi đề xuất tăng vốn đầu tư với số tiền khủng, dự án này vẫn thi công rất lẹt đẹt, đã rất nhiều lần lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng đốc thúc nhưng công trình này vẫn "ca bài ca" chậm và chậm.

Cuối tháng 4/2015, Ban quản lý dự án Đường sắt đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về dự án này, theo đó, đến thời điểm gửi văn bản, công tác hoàn thiện thiết kế, dự toán của dự án vẫn rất chậm trễ. Còn khoảng 42/45 danh mục hồ sơ chỉ dẫn kỹ thuật, 87/369 hồ sơ thiết kế kỹ thuật, 75/124 hồ sơ dự toán chưa được Tổng thầu chỉnh sửa, hoàn thiện hoặc trình nộp để tiến hành thẩm tra, phê duyệt và xác định giá trị hợp đồng EPC. Đây cũng nguyên nhân lớn khiến cho dự án bị chậm trễ về tiến độ.

Ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết: “Tiến độ dự án tiếp tục chậm trễ nghiêm trọng và các cam kết của Tổng thầu đều không thực hiện xong, đặc biệt là một số hạng mục thuộc đường găng tiến độ của dự án như: hạng mục 7 nhà ga đang thi công kết cấu phần trên do chậm trễ trong việc lập phương án chỉnh sửa hệ đà giáo thi công sau khi xảy ra sự cố; công tác đúc và lao lắp dầm chậm trễ trong việc lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà thầy phụ; xử lý nền đất yếu khu Depot chậm, vướng mắc với thầu phụ...”.

Theo tin tức tại cuộc họp của Ban Quản lý dự án Đường sắt kiểm điểm tiến độ 12 nhà ga và công tác lao dầm dọc Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày 21/4, cả 12 dự án nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đều đang bị chậm tiến độ...

Những cái chết 'từ trên trời'

Sau vụ ồn ào "đội" vốn đến cuối năm 2014, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại liên tục gặp phải sự cố mất an toàn. Ngày 6/11, một tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình này khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Theo đó, sáng ngày 6/11, khi công nhân vận chuyển thép xây dựng lên phía trên để thi công thì nhiều thanh sắt đã rơi xuống dòng người đang di chuyển khiến 3 nạn nhân trên gặp nạn. Nạn nhân tử vong là thượng úy Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi), công tác tại Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Sau khi tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã đình chỉ thi công toàn bộ dự án nhằm rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông.

Nhà thầu cũng "hứa" “kiên quyết không để xảy ra sự cố tương tự trong thi công dự án”. Thế nhưng, sau khi được thi công trở lại chưa lâu, đến ngày 28/12/2014, trên công trường thi công lại tiếp tục để xảy ra tai nạn khi giàn giáo trên công trường đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn đối diện với Bến xe Hà Đông cũ bất ngờ bị sập xuống 1 xe taxi đang lưu thông bên dưới khiến 1 người bị thương, xe ô tô hư hỏng nặng. Sau sự cố này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra quyết định đình chỉ công tác với Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án, ngoài ra, hàng loạt cá nhân, đơn vị cũng bị đình chỉ do liên đới trách nhiệm trong sự cố.

Tuy nhiên, tình hình đảm bảo an toàn cho công trình này sau những sự cố nghiêm trọng trên vẫn không được đảm bảo. Báo cáo hồi cuối tháng 4 của Ban quản lý dự án Đường sắt gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ: "Trên công trường thi công tiếp tục để xảy ra tình trạng mất an toàn do công tác kiểm tra kiểm soát của Tổng thầu còn lơ là thiếu trách nhiệm. Lực lượng kiểm soát thi công mỏng, năng lực yếu kém, phó mặc cho các nhà thầu phụ tự thực hiện. Ban quản lý dự án Đường sắt đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở và ban hành văn bản cảnh cáo nhưng đến nay tình hình chưa được cải thiện...".

Mới gần đây, ngày 12/5/2015, tại công trường thi công đoạn gần số nhà 341 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội lại tiếp tục xảy ra sự cố. Một thanh sắt dài hơn 1m bất ngờ rơi trúng xe Honda Civic đang lưu thông trên đường, khiến cửa trước, bên trái của xe ô tô bị méo, xước sơn...

Bộ trưởng Thăng tuyên bố muốn thay nhà thầu

Sáng hôm nay 9/6, trao đổi với báo chí về các thông tin liên quan tới dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết: "Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Do đó, rất mong mọi người chia sẻ".

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ "muốn thay nhà thầu Trung Quốc". Thời điểm đầu tháng 1/2015, sau 2 tai nạn liên tiếp xảy ra tại công trình này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu và nhấn mạnh, "sẽ thay" nếu Tổng thầu không đủ năng lực và không đảm bảo an toàn. Theo đó, tại cuộc làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc ngày 4/1/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo tổng thầu vì để mất an toàn thi công, xảy ra tai nạn chết người ngày 6/11 và sự cố sập giàn giáo ngày 28/12.

Theo Bộ trưởng Thăng, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam. Việc ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn từ dự án gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Dù Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không chịu thực hiện.

Bộ trưởng Thăng nói: “Điều tối thiểu tôi yêu cầu khi đổ bêtông thì tạm ngăn đường mà các ông làm ăn như vậy. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra vậy thôi. Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam."

"Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực. Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

'Phải mua' 13 đoàn tàu của Trung Quốc!

Thông tin mới đây cho biết, Bộ Giao thông Vận tải dự định mua 13 đoàn tàu đường sắt đô thị của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nghe thông tin này, dư luận tỏ ra bất ngờ và tức giận vì những gì nhà thầu Trung Quốc đã làm với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thời gian qua họ đã "mắt thấy, tai nghe". Thậm chí, ngày 9/6, chia sẻ với báo chí về lý do mua đoàn tàu của Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, ông đã nhận được nhiều tin nhắn đe dọa vì thông tin mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc.

“Vì việc mua đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mà tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn, trong đó có tin nhắn đe dọa, có tin nhắn đề nghị, có tin nhắn khuyên giải là đừng mua đoàn tàu của Trung Quốc. Thậm chí có người còn đặt câu hỏi với tôi hay là có vấn đề gì với Trung Quốc?” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Ngay cả khi Bộ trưởng Thăng giải thích, đây là các “điều kiện” trong Hiệp định đã được ký giữa hai Chính phủ, là việc rất khó khăn nên không thể muốn thay đổi là có thể thay đổi được, tuy nhiên, chắc chắn điều đó cũng chưa đủ để dư luận trong nước "nguôi ngoai" sau hàng loạt những sự cố tiêu cực mang tên nhà thầu Trung Quốc và dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
 

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao cho Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư và do nhà thầu Cty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Dự án được khởi công từ ngày 10/10/2011 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014 để đưa vào khai thác sử dụng từ quý II/2015. Tuy nhiên, sau hàng loạt lý do dẫn đến sự chậm trễ, dự án được chuyển sang cuối năm 2015 mới xong và đưa vào chạy thử dịp đầu năm 2016.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 13,5 km, được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1,435 m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
 
>> Mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc, Bộ trưởng Thăng bị… đe dọa
>> Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Sẽ mua 10 tàu của Trung Quốc?
>> Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: "Đóng cửa" ga La Thành
>> Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông “xê dịch” thời gian về đích
>> Thay Tổng Giám đốc, yêu cầu Tổng thầu đường sắt trở lại Việt Nam
>> Năm 2016 sẽ chạy thử tuyến đường sắt trên cao Hà Nội
 
Theo Hà An (Nguoiduatin.vn)