Xã hội

Đường ống nghi dạt từ Trung Quốc: Không biết họ làm gì

Do đường ống nằm dưới đáy biển lâu ngày, mục nát và nhiều chỗ bị hỏng nên chỉ có thể bán dưới hình thức đồ phế liệu.

Do đường ống nằm dưới đáy biển lâu ngày, mục nát và nhiều chỗ bị hỏng nên chỉ có thể bán dưới hình thức đồ phế liệu.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 7/10, ông Trần Quang Vệ, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết: "Đây là đồ vật ngư dân vớt được ngoài biển, nên cơ quan chuyên môn chỉ có thể về thẩm định xem đây là gì, sử dụng vào việc gì thì hợp lý chứ không có quyền truy thu hoặc chỉ đạo cách xử lý.

Với đường ống sản xuất ra thì cũng chỉ sử dụng vào việc dẫn một loại vật liệu nào đó, dẫn dầu, hút cát, dẫn nước thải".

Trước thông tin, sau khi biết tin ngư dân vớt được đường ống lạ, đã có một số người từ địa phương khác tìm đến xin mua lại của các ngư dân. Ban đầu họ đưa ra giá 70 triệu đồng, rồi trả đến 100 triệu đồng, theo ông Vệ, không hề có chuyện này.

Duong ong nghi dat tu Trung Quoc: Khong biet ho lam gi
Đường ống "lạ" ngư dân xã Quỳnh Long vớt được

Bởi vì đường ống cũng nằm lâu năm dưới biển nên bị hỏng, mục rất nhiều, khó mà sử dụng, hiện tại chỉ có thể bán đồ phế liệu.

Trong khi đó, một ngư dân ở xã Quỳnh Thuận giáp xã Quỳnh Long cho biết thêm: "Thực ra đường ống mà do ngư dân vớt ngoài biển về thì cũng khó có căn cứ biết được mục đích sử dụng, chỉ có nhà chuyên môn chuyên sản xuất ống mới biết sản xuất ra cho ai, làm gì.

Nhưng với đường ống này, thì chủ yếu để hút cát, có bán cũng không ai mua, chỉ có ngoài Thái Bình, Nam Định mua về mà hút cát sông Hồng còn được.

Thực ra đây là dòng ống cao su tổng hợp nên nếu hút cát thì thành ống hút cát, còn xả thải thì sẽ thành ống xả thải. Nhưng thực tế ngư dân khu vực miền Trung cũng chưa bao giờ dùng và sử dụng loại ống này".

Cũng trao đổi với Đất Việt, ông Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng cho hay, cơ quan công an đang xuống hiện trường kiểm tra, kiểm soát tình hình cụ thể báo cáo cho huyện, đến nay chưa có kết quả cụ thể.

Trước đó, ông Dũng từng cho biết: "Có thể đường ống trên trôi dạt từ Trung Quốc sang, khi đến vùng biển này thì ngư dân mới phát hiện ra".

Về việc xử lý đường ống trên, ông Dũng nói rõ: "Về nguyên tắc chung, không liên quan dấu hiệu tội phạm, không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống dân cư, nên ngư dân xử lý ra sao đó là quyền của họ.

Vấn đề chỉ là mình muốn điều tra, kiểm tra thông tin liên quan thì có quyền đề nghị gia đình ngư dân giữ lại một thời gian để xem xét".

Ngày 2/10, trong lúc đánh bắt cá ở vùng biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tiếp giáp với vùng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) ngư dân Hoàng Văn Lượng (42 tuổi, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) phát hiện một đoạn đường ống lạ, bằng nhựa cứng.

Quan sát bằng mắt thường, vật thể này giống đường ống bằng cao su tổng hợp, màu đen, có các sọc xanh. Đường kính ống ước khoảng gần 50cm và dài hơn 100m. Tại một số vị trí trên đường ống, có các khuy giữ giống như để giữ ống kép.

Theo Sơn Ca (Đất Việt)