Xã hội

Dùng tiền lẻ phản đối thu phí QL5: Kiến nghị lên Thủ tướng

Hiện tượng người dân trả tiền lẻ để phản đối các trạm thu phí BOT từ cầu Bến Thủy (Nghệ An - Hà Tĩnh), đến Cai Lậy (Tiền Giang) nay đã lan ra QL 5 (địa phận Hưng Yên). Tình hình diễn biến phức tạp, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự. 

Hiện tượng người dân trả tiền lẻ để phản đối các trạm thu phí BOT từ cầu Bến Thủy (Nghệ An - Hà Tĩnh), đến Cai Lậy (Tiền Giang) nay đã lan ra QL 5 (địa phận Hưng Yên). Tình hình diễn biến phức tạp, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự. Hiện tại, Bộ GTVT và nhà đầu tư chưa thống nhất được phương án giải quyết và phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều lái xe dùng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm thu phí bất hợp lý trên QL 5 (địa phận Hưng Yên)​. Ảnh: Như Ý.

Phản đối vì thu phí không đúng

Như Tiền Phong đã thông tin, hiện tượng trả tiền lẻ tại trạm thu phí trên QL 5 đoạn qua Văn Lâm - Hưng Yên xảy ra kỳ nghỉ lễ Quốc khánh với trường hợp một người dân ở phố Nối (Mỹ Hào - Hưng Yên). Sau đó, vào chiều 4/9 (vẫn trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh) tình trạng trả tiền lẻ bùng phát với số lượng lớn người và xe tham gia lớn, gây tắc đường trong nhiều giờ liền. Từ một số phương tiện trả tiền lẻ đã gây sự chú ý cho người dân sinh sống quanh trạm dẫn đến tụ tập đông người. Do ách tắc trong thời gian dài, trạm thu phí này buộc phải nâng barie, cho xe qua, không dám thu phí.

Sự việc tiếp tục xảy ra vào đúng giờ cao điểm chiều 5/9. Vào ngày này, đơn vị thu phí (Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) - Chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) tăng cường nhân lực, mặt bằng để đưa các chủ phương tiện trả tiền lẻ ra một khu vực riêng. Tại trạm thu phí cũng có sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng mặc cảnh phục để xử lý các trường hợp gây rối.

Tuy nhiên, cùng lúc này, cách trạm thu phí vài kilômét, nhiều ô tô tải đột ngột dừng lại với lý do hỏng xe khiến cho dòng phương tiện ùn tắc nhiều cây số. Khi lực lượng chức năng giải tỏa được, dòng phương tiện ùn tắc tiến về trạm thu phí để trả tiền lẻ rồi tiếp tục gây ùn tắc. Trạm này tiếp tục phải xả...

Chiều 6/9, phóng viên ghi nhận tình trạng trả tiền lẻ vẫn diễn ra tuy có giảm. Vì tính chất phức tạp của sự việc, nhất là xảy ra trên tuyến có lưu lượng phương tiện vào diện lớn nhất cả nước, trong đó có nhiều xe container nên các lực lượng chức năng phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó.

Các chủ phương tiện tham gia trả tiền lẻ tại trạm này cho biết, họ phản ứng với trạm thu phí vì: Tuyến QL 5 được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, hiện họ đã trả tiền duy tu, bảo trì đường giao thông cho Nhà nước theo đầu phương tiện. Vì vậy, việc thu phí tuyến này để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là phí chồng phí. Ngoài ra, còn có các lý do khác như: Mức phí từ 10.000 đồng/lượt đối với xe cơ sở (dưới 12 chỗ ngồi) đã tăng lên 40.000 đồng/lượt/xe cơ sở là quá cao, chủ đầu tư chưa có chính sách miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm.

Cần nói thêm, bản chất việc thu phí trên QL 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bắt đầu từ năm 2009, và việc đột ngột tăng phí đã diễn ra từ 1/4/2016. Mới đây, khi dư luận nóng lên về những bất cập của BOT, đặc biệt tại điểm nóng Cai Lậy, tình trạng trả tiền lẻ mới lan rộng ra QL 5 như một phản ứng dây chuyền để phản đối trạm thu phí này.

Dùng tiền lẻ phản đối thu phí QL5: Kiến nghị lên Thủ tướng - ảnh 1
 

Đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng

Trao đổi với chúng tôi ngày 6/9, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi thừa nhận thực tế người dân dù không sử dụng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn phải trả khoản chi phí để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ông Chiến cho hay, Vidifi được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) lập ra để thực hiện dự án với mục tiêu thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Hồng và hoàn toàn phi lợi nhuận.

Để thực hiện, Vidifi vay vốn của VDB và thông qua VDB vay thêm của các tổ chức tài chính từ Đức, Pháp, Hàn Quốc. Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi của dự án, ngân sách hỗ trợ dự án 23% tổng mức đầu tư (để xây dựng, giải phóng mặt bằng…). Do chưa có tiền để đối ứng, Chính phủ giao quyền thu phí trên QL 5 cho Vidifi coi như một phương án tạo vốn xây dựng cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.

“Thực ra, chúng tôi đang thu hộ Nhà nước chứ không phải là thu cho nhà đầu tư BOT” - ông Chiến nói. Ông Chiến cho hay, nếu bỏ trạm thu phí trên QL 5, phương tiện sẽ dồn về QL 5, bản thân QL 5 không thể chịu tải và phương án tài chính của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ bị vỡ.

“Dự án vay tiền của các tổ chức quốc tế, họ liên tục giám sát; trong khi phần hỗ trợ giải phóng mặt bằng 4.000 tỷ đồng của Chính phủ vẫn chưa bố trí được. Với việc người dân phản ứng như hiện nay, chúng tôi chịu sức ép rất lớn, buộc phải báo cáo Thủ tướng để tìm cách tháo gỡ” – ông Chiến nói và cho hay đã gửi báo cáo đến Thủ tướng.

Trong văn bản trả lời đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên ngày 14/8 vừa qua về trạm thu phí trên QL 5, Bộ GTVT cho hay, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án quan trọng, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế đặc thù, trong đó cho Vidifi quản lý thu phí 2 trạm trên QL 5. “Việc giảm phí sẽ phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến dự án BOT, có khả năng đổ bể, không thể tiếp tục thực hiện được dự án” – công văn của Bộ GTVT nêu.

Chiều 7/9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, ngoài việc phối hợp với lực lượng công an nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại trạm thu phí QL 5, Tổng cục đang tính toán các phương án điều chỉnh phí tại đây. Phương án được chuẩn bị gồm 2 nội dung: Việc giảm phí tại trạm này đang được xem xét cùng toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc theo chủ trương của Chính phủ và giảm phí đối với chủ phương tiện quanh trạm. Về điểm này, như đã nói, ông Đào Văn Chiến Chủ tịch Vidifi cam kết sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ trong quá trình lên phương án.   

Liên quan vấn đề này, trong thư của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam phúc đáp Chủ tịch Vidifi Đào Văn Chiến (thư ông Chiến nói về lý do phải thu phí trên QL 5), ông Trần Đăng Tuấn cho rằng trong trường hợp này, Vidifi bị “gán” hoặc “cho” thu phí QL 5 chứ không phải tự mình có thể làm. Theo ông Tuấn, BOT là vấn đề nóng hiện nay: “Nếu đặt vấn đề trả phí là người dân chia sẻ gánh nặng với nhà nước thì người dân có thể sẵn lòng, nhưng chỉ khi cơ quan nhà nước làm cho dân tin rằng ngân sách đã sử dụng đúng, không bị thất thoát, không bị phí phạm… ”.

Đề nghị Tổng cục An ninh vào cuộc

Trước tình hình diễn biến phức tạp tại trạm thu phí trên QL 5, ngày 6/9, Vidifi đã có công văn đề nghị Tổng cục An ninh (Bộ Công an) vào cuộc. Đại diện Vidifi cho hay: “Việc người tham gia giao thông trả tiền lẻ qua trạm là hợp pháp. Tuy nhiên, việc dùng tiền lẻ hay để xe giữa đường để gây rối trật tự, an ninh, gây ùn tắc giao thông theo chúng tôi là cần điều tra, làm rõ. Chính vì vậy, chúng tôi mới đề nghị Tổng cục An ninh vào cuộc”.

Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)