Xã hội

Dùng cuộc "mây mưa" để... trả công tài xế trẻ

Những ngón tay tham lam của Khánh đang toả sinh lực trên thân thể Thủy Cơ, đúng hơn là đang cào vào tiềm thức của cô, moi lại suy tư tính toán vốn là bản chất của mỗi con người. Thủy Cơ mím môi chịu đựng...

 

Những ngón tay tham lam của Khánh đang toả sinh lực trên thân thể Thủy Cơ, đúng hơn là đang cào vào tiềm thức của cô, moi lại suy tư tính toán vốn là bản chất của mỗi con người. Thủy Cơ mím môi chịu đựng...

- Con thấy ăn ở có tình, mời một tiếng xóm làng tới đầy!

Thủy Cơ đưa mẹ 500 ngàn đồng, bà cười cười:

- Chừng này mẹ sang quán bà Béo là bị chặn lấy nợ mất, còn đâu đãi cơm khách?

- Tiền này mẹ cất mà xài dần, đi chợ để con lo.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thủy Cơ gọi con út, hai chị em dạo chợ xã rồi xách về một giỏ nặng. Đến nhà chưa kịp thở đã thấy mẹ le te ôm một gói to đùng cũng rau, thịt, cá. Thủy Cơ nhăn mặt:

- Mẹ mua thêm làm gì?

- Để dành mai mốt ăn có sao!

- Mẹ tiêu hết tiền con đưa rồi ư?

- Thì… trả nợ hơn 300, còn lại mẹ lấy thêm đồ ăn…

Thủy Cơ quay vào làm bếp. Chợ xã đường xa hư hao, mớ rau, con cá, dầu đèn, kim chỉ… cho gần trăm hộ dân ở xóm này đều trông vào quán bà Béo. Cánh đàn ông trên đường làm ruộng về ghé vào nhâm nhi xị đế. Không ít bà lén chồng con đến đó ăn vụng tô bún, dăm cái bánh tráng cuốn thịt rau. Trẻ con thì mê mấy cây kẹo xanh đỏ và những chai xá xị. Muôn trùng những câu chuyện mách lẻo đều được phun ra ở đây.

Bà Béo hàng ngày ngồi điềm nhiên xỉa trầu trên bộ ván rộng bày ê hề hàng hoá. Chuyện gì bà cũng nghe, nhưng thứ bà lưu tâm là gia đình nào đang làm ăn lên có thể bán thiếu được. Nhà nào nội bộ bất hòa, thu nhập bấp bênh bà sẽ nhẹ nhàng chỉ tấm bảng “Miễn mua thiếu”. Ai đó quá ngặt phải năn nỉ ỉ ôi bà cũng mủi lòng bán thiếu cho chai nước tương, con cá mắm kèm những lời chế giễu.

Thường thì khách đến mua hàng bằng tiền mặt, khách ngồi ăn uống trong quán rất thích nghe những lời chế giễu của bà Béo với con nợ. Nó vừa trầm bổng du dương vừa tục tĩu nghe vui vui. Sâu xa hơn là qua đó họ thấy được giá trị tạm thời của mình. Gọi là tạm thời bởi trước hoặc sau đó họ cũng có thể hoá thành con nợ, thành đối tượng xài xể của bà Béo và tên hề cho công chúng ở quán. Vì vậy bao nhiêu người trong xóm Tre này mơ ước mình có tiền để sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó có ý đồ được thăng hoa giá trị ở quán bà Béo.

Được bà ta vỗ về dụ dỗ mua hàng, nghĩa là nhà đó đang lên họăc đã lên, là đã ở một tầng lớp cao hơn theo cách phân chia của bà chủ quán. Nghĩa là danh dự của nhà đó đã được thổi phồng khắp xóm, khắp ngả, dù tiền đưa vào mua bán với bà Béo là tiền: vay mượn, giật hụi, con gái bán bia ôm hay lấy Tây lấy Tàu ở thành phố mang về! Thủy Cơ từng trải qua thời thơ ấu ở quán bà Béo với những lời xỉ nhục.

Hồi đó trước mỗi bữa ăn, cha mẹ cùng các anh chị thường đẩy cô đi mua thiếu, khi thì miếng đậu hũ, khi chén nước mắm, khi cục đường về làm gia vị cho mấy con cua con cá bắt được dưới ruộng. Cô thấm thía cái thế giới trọng tiền hơn nhân nghĩa đó. Cô rất thông cảm cho mẹ khi rủng rỉnh tí tiền lại te te đến mua hàng và mua danh dự ở quán bà Béo. Mẹ cũng như cô ngày bé, luôn hoài niệm ngây thơ về giá trị con người!

Thủy Cơ vừa mò mẫm trên đường ra giếng nước vừa nghĩ miên man. Một bóng đen lừng lững từ một gốc dừa gần nhà tắm gấp gáp tiến về phía cô. Thủy Cơ nhận ra Khánh với màu áo trắng pha sọc đỏ hiện rõ dưới ánh đèn pin. Khánh cười giả lả khi Thủy Cơ sợ run:

- Cô đi tắm tối vậy?... Cha cô và cô bác chuẩn bị mai đi rước Bà chu đáo qua. Kẹt là cái xe nó…

Thủy Cơ hít một hơi sâu, cô hiểu Khánh muốn gì. Song mùi rượu nồng nặc cùng với thân hình của hắn đã xuyên qua bóng tối áp sát vào cô.

- Em hứa với anh rồi mà…? Thuỷ Cơ vùng vẫy. Hắn doạ:

- Tôi chỉ nhận lệnh đưa cô về nhà, không có lệnh phục vụ cho cha cô đâu!

Thủy Cơ chực hét lên, nghe đến đó xuội lơ… cha cô tận tuỵ cầu Bà để mong được sống lâu bồng bế cháu chắt, chút; Mẹ đêm nào cũng thắp nhang mong trời đất đoái hoài đến cảnh nghèo của mình. Các anh của cô cho ông Địa, ông Thần Tài uống cà phê sữa, hút thuốc thơm để mong ông giúp cho trúng số đề. Các chị luôn khấn bề trên gia hộ ở mỗi kỳ xổ hụi… Song sẽ chẳng có gì thay đổi nếu như không có tuổi trẻ và sắc đẹp của cô làm cầu nối với một ông giám đốc trần tục.

Người trúng số đề có thể quên cúng Thần Tài, ông Địa; kẻ qua được hoạn nạn có thể tạ lễ không tương xứng với sự trì hộ của Chúa, Phật. Nhưng nếu để những người có quyền dù lớn dù nhỏ với mình coi mình như kẻ vong ân thì cuộc đời khó kiếm được nụ cười! Ý muốn khẳng định quyền lực của con người luôn đáng sợ hơn sự đe doạ của thần thánh. Đây là loại chân lý xuất hiện sau thời kì bao cấp và giá trị càng lớn ở giai đoạn hậu đổi mới. Thủy Cơ từng trả giá để hiểu được điều tưởng chừng đơn giản này…

Những ngón tay tham lam của Khánh đang toả sinh lực trên thân thể Thủy Cơ, đúng hơn là đang cào vào tiềm thức của cô, moi lại suy tư tính toán vốn là bản chất của mỗi con người. Thủy Cơ mím môi chịu đựng. Cô bỗng nhớ đến anh ấy, da diết nhớ đến anh ấy - viên sĩ quan cảnh sát trẻ đã che chở cho cô trước các bộ máy thu hình lang sói ngày nào!

Mỗi lần phải trả ơn cho một người đàn ông nào đó, cô thường lại tưởng tượng đến anh. Điều đó đôi lúc làm cho cô nhận được sự thú vị trong những cuộc tình bất đắc dĩ. Cô quyến rũ hơn là vì vậy. Nhiều lần cô muốn đến tìm anh. Song ác thay, điều đó lại đồng nghĩa với việc khơi lại nỗi đau, nỗi nhục lớn nhất mà cô phải chịu đựng, làm nhớ thương trong cô trộn lẫn với khiếp sợ!

Khánh đã toại nguyện và bỏ đi từ lúc nào, một mình Thủy Cơ chôn chân dưới gốc dừa tối om. Giờ này chắc hắn đã ra xe mở máy điều hoà nằm thở khì. Xung quanh vắng lặng, ánh đèn sáng xanh từ nhà bếp leo qua khe hở bung lên không trung những quần sáng mờ nhạt lãng đãng khói. Thủy Cơ mệt rã rời, cô lê vào buồng tắm dội nước lên người.

Nước được múc lên từ con mương nhỏ sau nhà, nước từ mênh mông Châu Thổ của con sông lớn chảy qua nhiều quốc gia, chảy hàng vạn dặm từ quá khứ đến hiện tại hoà vào, lắng đọng dưới đáy lu vo ve tiếng muỗi và lờn nhờn cát cặn. Thuỷ Cơ nghe môi mằn mặn, không hiểu vị mặn của dòng nước mà cô quen ăn, uống, tắm giặt suốt thời ấu thơ hay mặn vì nước mắt…

Trên đường về Khánh im lặng, Thủy Cơ cũng im lặng. Cô đã mang lại uy tín và niềm tự hào cho cha mẹ. Điều đó đền bù lại những gì cô đã chịu đựng. Trời tối dần, Khánh cho xe tấp vào lề giữa một đoạn đường vắng vẻ. “Chắc hẳn lại đòi ơn đây!”, Thủy Cơ căng thẳng chờ đợi. Khánh kéo thắng tay, quay lại nhìn Thuỷ Cơ nhập nhoạng trong bóng tối rồi bất ngờ… khóc rống lên:

- Đêm qua tôi say quá… Vợ tôi vừa đẻ con, mẹ tôi đau cột sống uống thuốc quanh năm, nếu tôi bị đuổi việc thì…u…hu…hu

Thủy Cơ không nhìn hắn. Chắc là hắn không biết cô vừa thở phào:

- Anh tập trung lái xe cho an toàn đi!

- Tôi không thể… nếu cô không hứa bỏ qua cho tôi, hứa không méc giám đốc!

Mời bạn đọc đón xem kỳ tới: "Đời cave"

Theo Nhà văn Lại Văn Long (Công An TPHCM)