Xã hội

Đừng biến Hoàng thành Thăng Long thành… chợ

Sau khi một số hoạt động diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long bị dư luận kêu ca, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản cho rằng: 'Các hoạt động đưa vào tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long cần phải được chọn lọc'.

 
Sau khi một số hoạt động diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long bị dư luận kêu ca, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản cho rằng: 'Các hoạt động đưa vào tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long cần phải được chọn lọc'.
 
Nghệ nhân Trần Nam Tước đã không thể bật đèn để khách có thể nhìn thấy chiếc đèn gốm phát sáng như thế nào. Ở gian trưng bày của làng Bát Tràng tại Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội - VN diễn ra từ ngày 29.9 - 2.10 tại Hoàng thành Thăng Long, quạt không có, mái che cũng mỏng tang, nên nóng quá khách không chịu dừng chân. “Các vị mới đi một lúc mà đã kêu nóng. Tôi còn ở đây cả chục ngày thì sao”, ông Tước nói. Ông đã ra đây để dựng khu trưng bày đồ gốm trước đó cả tuần. Ông cũng cho biết tất cả, từ hiện vật đến cách trưng bày đều do ông tự đảm nhiệm. Nhiều nghệ nhân khác khi đến liên hoan này cũng đều bị nóng và phải tự “bơi” như ông Tước. Ở khu vực trung tâm, nơi có khối nhà dành chỗ cho nghệ nhân biểu diễn nghề, tương tác với công chúng, nắng cũng xiên vào nóng sực.
 
Các gian hàng hoặc chịu nắng nóng hoặc căng bạt che nắng trông rất nhếch nhác

Liên hoan du lịch làng nghề, nhìn tổng thể như một cái chợ bán hàng kém hấp dẫn và nhếch nhác. Làng Chàng Sơn có một gian bán quạt. Làng Đa Sỹ cũng chỉ có một gian nhỏ do một gia đình ngồi bán. Gian hàng của lụa Vạn Phúc lớn hơn, có thêm việc trình diễn ươm tơ dệt lụa nhưng mặt hàng ít ỏi. “Tôi muốn mua lụa, nhưng ít mẫu quá. Còn đồ may sẵn thì kiểu dáng nghèo nàn”, bà Thu Hường - một khách thăm gian hàng nói. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong buổi họp báo về liên hoan đã thừa nhận việc thiết kế gian hàng đúng là một điểm yếu của các làng nghề không chỉ ở Hà Nội.

Cũng trong buổi họp báo, ban tổ chức cho biết sẽ giới thiệu tinh hoa ẩm thực nhưng các món ở đây đều làng nhàng. Quầy bánh mì, như ý của ông Hồng - giới thiệu một món nổi tiếng - cũng không có vị đáng nhớ. Năm ngoái, ban tổ chức còn có nghệ nhân Hà Nội tới biểu diễn kỹ thuật nấu nướng nhưng năm nay thì không.
 
Khu vực giới thiệu doanh nghiệp du lịch cũng nắng chói chang. Các khách sạn 5 sao cũng tham gia gian hàng. Song thiết kế của các gian hàng này, thực sự không thể nói là một hiện diện thương hiệu 5 sao được. Gian hàng sơ sài và nóng đến mức khách hoàn toàn không muốn lưu lại. Khảo sát các gian hàng, chúng tôi được biết tour du lịch làng nghề gần như các doanh nghiệp du lịch không bán. Vì thế, liên kết du lịch - làng nghề trong liên hoan có lẽ chỉ là một gắn kết lỏng lẻo.
 
Hoàng thành nên tổ chức hoạt động gì?
 
Đây không phải hoạt động đầu tiên Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Hoạt động đầu là Ký ức Hà Nội hồi cuối năm 2015, được giới thiệu sẽ “tái hiện lại một phần không gian phố cổ, làng cổ, cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của người Thăng Long - Hà Nội xưa”. Thế nhưng, “ký ức” được tái hiện sơ sài và có chỗ sai lệch, đến mức cả chuyên gia lẫn người tham dự phải kêu ca.
Trên thực tế, khu vực tổ chức liên hoan này cũng là nơi tổ chức Liên hoan âm nhạc quốc tế thường niên Gió mùa. Ảnh hưởng tốt của liên hoan đã giúp tổng đạo diễn Nguyễn Quốc Trung mời được nhiều nghệ sĩ lớn tới VN. “Chúng tôi thấy liên hoan có ảnh hưởng rất tốt đến hình ảnh văn hóa của Hà Nội”, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT, chia sẻ.
 
Một số hoạt động khác cũng đã được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long như liên hoan phim quốc tế bảo vệ tê giác. Đây được coi là một sân chơi phim ngắn cho các nhà làm phim trẻ VN được nhiều người ủng hộ. Họ đến, xem phim, nghe nhạc, đi dạo trên thảm cỏ rất thư thái. Hay như mới đây, việc tổ chức trung thu cho trẻ em tại hoàng thành cũng được nhiều người đánh giá cao.
 
TS Khuất Tân Hưng, Khoa Di sản kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng di sản rất cần có người đến để phát huy giá trị. Nhưng sử dụng cho hoạt động gì thì phải hết sức cân nhắc. “Bạn hình dung những khu vực sân khấu nhà hát cổ La Mã thì có thể tổ chức hòa nhạc, rất nhẹ nhàng. Đó là sự hòa quyện quá khứ và hiện tại”, ông nói. Cũng theo ông Hưng, hoạt động ở hoàng thành cần tiết chế và chọn hoạt động có tính văn hóa cao. Không được xô bồ và dung tục.
 
Tác giả của cuốn Giai phố cổ, nhà văn Nguyễn Việt Hà nêu ý kiến: “Bằng những gì tôi biết về hoàng thành thì tiêu chí đầu tiên để chọn hoạt động là phải mang đậm chất văn hóa. Hoàng thành chắc chắn là linh địa rồi nên phải cư xử rất cẩn thận. Không thể vì lợi ích nhất thời để mà dung tục hóa hoàng thành được”.
 
Khi được hỏi về việc lựa chọn chương trình để tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, ông Việt Anh, Giám đốc Trung tâm phát huy giá trị di sản Thăng Long Hà Nội, đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long cho biết, các sự kiện tổ chức ở đây đã được sự đồng ý của UBND TP.Hà Nội và các bộ ngành liên quan.
 
Nên cấm khai ấn với quả ấn Sắc mệnh chi bảo
 
Mới đây, trong một hội thảo về Hán Nôm, các nhà nghiên cứu cũng đồng loạt lên tiếng về việc đóng ấn tại nhiều di tích. Theo họ, với không gian như hoàng thành, phải tuyệt đối cấm việc khai ấn với quả ấn Sắc mệnh chi bảo mới tìm thấy. Sau khi phân tích kỹ lưỡng, TS Phạm Văn Tuấn, Viện Hán Nôm, cho rằng: “Khai ấn ở Hoàng thành Thăng Long là vô giá trị và không có tác động tốt với văn hóa xã hội”.

Theo Trinh Nguyễn (Thanh Niên Online)