Xã hội

“Đừng bắt trẻ học bằng sự ép buộc chán chường!”

Góp ý vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) vừa được Bộ GDĐT công bố, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ảnh) cho rằng, chương trình mới còn rất nặng nề, trong khi vấn đề sống còn là năng lực tự bảo vệ, chăm sóc bản thân lại bị coi nhẹ.

Góp ý vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) vừa được Bộ GDĐT công bố, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ảnh) cho rằng, chương trình mới còn rất nặng nề, trong khi vấn đề sống còn là năng lực tự bảo vệ, chăm sóc bản thân lại bị coi nhẹ.

Bà nhận xét gì về những điểm mới, tích cực từ dự thảo chương trình GDPTTT vừa được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến?

- Chương trình này được kỳ vọng sẽ là chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà. Là người làm trong ngành giáo dục tiểu học gần 20 năm, tôi cũng kỳ vọng rất nhiều vào chương trình lần này. Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc chương trình là sự thay đổi thấy rõ so với chương trình hiện nay, khi tác giả đã quan tâm nhiều hơn đến năng lực, phẩm chất, đạo đức và đưa nhiều môn học mới, mục tiêu mới cho các môn học. Ở cấp trung học phổ thông, các môn học nghề nghiệp đã xuất hiện nhiều hơn, phục vụ mục đích định hướng nghề nghiệp cho trẻ. Tuy nhiên, chương trình vẫn còn nhiều vấn đề khiến tôi băn khoăn.

“dung bat tre hoc bang su ep buoc chan chuong!” hinh anh 1

 Trong chương trình giáo dục mới, tổng thời lượng chương trình ở lớp 1, 2, 3 là 1.147 tiết, ở lớp 4, 5 là 1.184 tiết, vẫn quá cao so với mục tiêu giảm tải. ảnh: Tư liệu

Vậy còn những điểm gì trong chương trình này theo bà cần phải điều chỉnh?

- Chương trình có nhiều điểm chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Thứ nhất, chương trình được xây dựng thống nhất ở mọi miền, mọi tỉnh thành của đất nước. Đây là chương trình bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Tuy nhiên, đặc thù đất nước ta trải dài trên gần 20 vĩ độ, với các vùng núi, cao nguyên, đồng bằng, miền biển có nhiều nét địa phương rất riêng. Việc xây dựng một chương trình thống nhất chắc chắn sẽ gây ra những nét chênh so với nhu cầu dân cư từng vùng miền.

Ví dụ: Ở khu vực miền núi, vùng cao, học sinh sẽ cần học nghề sản xuất nông nghiệp. Với các môn học như tin học ứng dụng, khoa học máy tính, thiết kế và công nghệ, tính hiệu quả trong giáo dục sẽ không cao. Vì thế, nên chăng chúng ta cần xây dựng một mô hình giáo dục có các nhánh dành riêng cho những vùng dân cư có nét đặc trưng như khu vực vùng cao, khu vực vùng biển…

Trong mục “Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực”, các tác giả đã nêu ra một số năng lực cần có của người thanh viên Việt Nam sau khi tiếp nhận chương trình giáo dục mới như: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo… Tuy nhiên, mục sống còn, quan trọng nhất thì chưa thấy được đặt ra ở đây dưới dạng năng lực nào. Theo tôi, năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân là quan trọng hàng đầu, cần phải bổ sung để đảm bảo sự an toàn và lành mạnh cho các học sinh. Mục này nên đặt ra thành một mục riêng vì tính chất quan trọng của nó thay vì ghép với năng lực tự chủ. Khi đó, tầm quan trọng của năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân sẽ bị coi nhẹ.

Nhiều người cho rằng, với chương trình mới này, áp lực học tập của học sinh không những không được giảm tải mà còn tăng lên. Bà nghĩ sao về điều này?

- Về thời lượng học tập, chúng ta kêu gọi giảm tải cho học sinh, nhưng số lượng tiết học ở chương trình vẫn quá cao so với các nước trên thế giới. Tổng thời lượng chương trình mới ở lớp 1, 2, 3 là 1.147 tiết, ở lớp 4, 5 là 1.184 tiết. So với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Phần Lan... học sinh Việt Nam vẫn phải học nhiều hơn từ 100-200 tiết học. Với thời lượng nhiều như vậy, liệu trẻ có bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh vẫn còn rất nặng nề và tình trạng dạy thêm học thêm, học nâng cao vẫn phổ biến khắp cả nước?

Cơ sở vật chất, đặc biệt là giáo viên được coi là điều kiện tiên quyết cho thành công của đề án, theo bà, hiện 2 yếu tố này Việt Nam có đủ để đáp ứng?

- Theo tôi nghĩ, hai yếu tố này không có nhiều ảnh hưởng lắm đến hiệu quả giáo dục. Điều quan trọng chính là ở quan niệm và phương pháp giáo dục của các thày, cô giáo và sự bố trí thời gian, phân phối hoạt động học tập của các học sinh. Bản thân tôi đã từng đứng lớp của tất cả các cấp học từ mầm non đến đại học. Tôi nhận thấy, khi dạy trẻ bằng tâm lý học, thuyết phục và thảo luận với trẻ, trẻ rất hợp tác chứ không có chút khó khăn gì. Tuy nhiên, hiện giờ ngôi trường không có tiếng quát mắng trẻ dường như không hề tồn tại trên đất nước Việt Nam. Khi đó, tính hiệu quả giáo dục không thể cao vì trẻ học bằng sự ép buộc chán chường chứ không phải bằng niềm vui thích.

Còn thiếu bộ môn mang tính riêng biệt

Về các môn học mới, bổ sung, sửa đổi có đáp ứng được mục tiêu hình thành nhân cách con người lý tưởng mà chương trình hướng tới không, thưa bà?

- Mục tiêu của chương trình nhấn mạnh việc hình thành và phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, có phẩm chất tốt đẹp. Tuy nhiên, thời lượng môn học giáo dục lối sống, giáo dục công dân ở cấp tiểu học và THCS ít hơn hẳn so với các môn học khác. Ở cấp THPT, môn pháp luật là bộ môn rất quan trọng, được đặt chung với môn kinh tế. Điều đó sẽ khiến chúng ta nhầm tưởng rằng đây là môn học giáo dục nghề nghiệp hơn là một bộ môn đào tạo con người sống và làm việc theo pháp luật.

Hiện nay thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do biến đổi khí hậu và các thảm họa môi trường. Tuy nhiên, chương trình không có bộ môn riêng biệt về các nội dung này.  Các kiến thức quan trọng về môi trường và phát triển bền vững chỉ được đề cập đến trong các môn cuộc sống quanh ta, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội ở cấp tiểu học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở THCS. Với thời lượng ít ỏi, rõ ràng chúng ta không thể kỳ vọng nội dung này sẽ được dạy đầy đủ cho học sinh.

Ở cấp THPT, các môn nghề đã xuất hiện trong chương trình. Tuy nhiên, các môn giáo dục nghề lại tập trung vào tin học, máy tính, công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp có rất nhiều tiềm năng phát triển. Rõ ràng, với những môn thiên về máy tính, hiệu quả sử dụng kiến thức các môn học này cho nghề nghiệp tương lai của một bộ phận lớn thanh niên sau này không cao.

Kỳ vọng của bà về chương trình tổng thể sẽ làm thay đổi diện mạo giáo dục, diện mạo học sinh trong tương lai như thế nào?

- Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào những điều cao xa. Điều tôi ước mong chỉ là học sinh Việt Nam an toàn, tử tế và hữu ích.

Xin cảm ơn bà!

Ở khu vực miền núi, vùng cao, học sinh sẽ cần học nghề sản xuất nông nghiệp. Với các môn học như tin học ứng dụng, khoa học máy tính, thiết kế và công nghệ, tính hiệu quả trong giáo dục sẽ không cao. Vì thế, nên chăng chúng ta cần xây dựng một mô hình giáo dục có các nhánh dành riêng cho những vùng dân cư có nét đặc trưng như khu vực vùng cao, khu vực vùng biển…”.

TS Vũ Thu Hương

Theo Tùng Anh (Dân Việt)