Xã hội

Dự báo mưa nắng chung chung, dân tình lúng túng​

Dự báo thời tiết hiện nay vẫn chung chung, chưa đủ độ chi tiết dù công nghệ của Việt Nam không thua kém các nước cùng khu vực. Làm sao đưa thông tin dự báo tương đối chính xác đến người dân?

Dự báo thời tiết hiện nay vẫn chung chung, chưa đủ độ chi tiết dù công nghệ của Việt Nam không thua kém các nước cùng khu vực. Làm sao đưa thông tin dự báo tương đối chính xác đến người dân?

Dòng xe di chuyển khó khăn dưới cơn mưa tại cầu Rạch Chiếc, Q.9 trong cơn mưa sáng 3-10 - Ảnh: Duyên Phan

Nhiều người đặt vấn đề sao các Trung tâm dự báo thời tiết không tạo ra một ứng dụng riêng trên điện thoại di động để người dân truy cập và nắm bắt thông tin nhanh nhất, thay vì phải lên website của Trung tâm dự báo hoặc vào các trang báo, nghe phát thanh, xem truyền hình để xem. 

Cơn mưa kéo dài sáng sớm 3-10 đã gây không ít khó khăn cho người dân thành phố, từ chuyện phải lội nước ngập đến kẹt xe, trễ giờ làm.

Thông tin dự báo trước đó cho biết TP.HCM sẽ mưa vào ngày 1 và 2-10, ngày 3-10 sẽ có mưa nhiều nơi vào buổi chiều.

Lúc 6g50 sáng 3-10, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ phát đi bản tin theo dõi và cảnh báo dông sét, dự báo “trong 30 phút tới, những khối mây dông trên sẽ tiếp tục gây mưa cho các khu vực trên và mở rộng sang các vùng lân cận, có nơi mưa vừa, mưa to”.

Thời điểm đó, nhiều khu vực ở TP.HCM trời đã mưa.

Làm sao để người dân nhận được “tận tay” những thông tin dự báo có tính chính xác cao để có kế hoạch “dự báo” cho riêng mình, tránh những bị động, phiền phức do thời tiết.

Dự báo chưa đáp ứng nhu cầu người dân

Mới đây, ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết hiện tại chỉ mới cung cấp bản tin cảnh báo dông lốc, còn dự báo thời tiết trước từng giờ một vài năm nữa mới triển khai được vì cần rất nhiều thiết bị và nhân lực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Phan Văn Tân - Bộ môn Khí tượng và biến đổi khí hậu, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội - đánh giá độ chính xác và độ phân giải về thời gian trong dự báo thời tiết phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Với điều kiện ở các nước châu Âu, việc dự báo thời tiết theo từng giờ là khả thi. Tuy nhiên, ở VN, việc này gặp phải không ít khó khăn, trở ngại.

Ông Tân đánh giá dù các bản tin thời tiết (nhất là dự báo bão) đã có độ chi tiết, chính xác tương đối nhưng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng thông tin dự báo nói chung và các hiện tượng thiên tai nói riêng ngày càng cao hơn, đòi hỏi độ chi tiết và chính xác cũng phải tăng lên.

“Người dân phần lớn quan tâm trời mưa hay nắng, đặc biệt là mưa lớn, nhất là trong thời gian gần đây, khi những cơn mưa lớn ở cả TP.HCM và Hà Nội tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân. Bài toán dự báo mưa lớn là bài toán khó, không chỉ với VN mà còn là các nước trên thế giới. Theo tôi, các bản tin dự báo thời tiết nói chung, nhất là dự báo mùa, dự báo trong quãng thời gian dài hơn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Người dân chỉ có thể tiếp cận với những bản tin khá chung chung về tình hình thời tiết các buổi tiếp theo trong ngày hoặc đến ngày mai”, GS.TS Phan Văn Tân nói.

Độ chính xác của bản tin dự báo phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó có thời gian trong năm và điều kiện từng vùng.

Dự báo thời tiết phụ thuộc vào điều kiện ban đầu, tức là số liệu mạng lưới quan trắc cung cấp thông tin cho mô hình dự báo.

Theo ông Tân, mạng lưới quan trắc của VN tốt hơn so với Lào, Campuchia nhưng vẫn chưa đủ độ chi tiết. Hơn nữa, VN lại nằm cạnh biển Đông. Ngoài vùng biển, số liệu quan trắc thu được cũng không nhiều.

Hiện nay, việc dự báo chi tiết hơn về mặt không gian nhưng thời gian thì chưa đáp ứng được. Đó là do các mô hình số hiện nay chưa đủ độ chính xác, độ tin cậy để người dự báo viên có thể đưa ra dự báo chi tiết.

Ngành khí tượng có những chiến lược làm dày thêm mạng lưới trạm quan trắc bằng cách trang bị thêm các ra-đa thời tiết, sử dụng ảnh mây vệ tinh có độ phân giải cao để đồng hóa, làm giàu số liệu và đưa vào mô hình dự báo thời tiết.

Ông Tân hy vọng thời gian tới, những thông tin dự báo thời tiết sẽ tốt hơn khi những giải pháp này được triển khai.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Về mặt công nghệ, nếu so với các nước trong khu vực thì điều kiện của VN không thua kém quốc gia nào nhưng không thể sánh với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, Mỹ…

Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực khí tượng-thủy văn nói chung, ngành khí tượng nói riêng.

“Chúng ta đang tăng cường những trạm quan trắc, đó là điều đáng mừng nhưng để biến mạng lưới trạm quan trắc thành những nguyên liệu đầu vào cho những mô hình dự báo chính xác hơn thì phải có một hệ thống đồng hóa, hệ thống máy tính và người vận hành. Chúng ta có thể mua được hệ thống tính toán nhưng nếu thiếu người vận hành thì cũng… thua. Số tiến sĩ đang trực tiếp thực hiện công tác dự báo hiện nay rất ít, “đếm trên đầu ngón tay”. Có những người đi học và chọn ở lại nước ngoài làm việc, chưa về VN với những băn khoăn về mức độ đãi ngộ, môi trường làm việc và những người cộng sự”, GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ.

Cập nhật tin thời tiết qua ứng dụng, mạng xã hội

Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm An ninh mạng ATHENA, để thông tin thời tiết đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời nhất thì ngoài bản tin trên website của các Trung tâm dự báo, trên TV hay đài phát thanh, có thể xây dựng hệ thống nhắn tin SMS và định kỳ hoặc khi có diễn biến bất thường, bất ngờ thì gửi tin nhắn thông báo đến người dân.

Thứ hai, có thể xây dựng ứng dụng cảnh báo thời tiết để người dân tải về điện thoại di động và sử dụng. Cơ quan dự báo thời tiết cập nhật tin thời tiết trên ứng dụng, người dân có thể xem và biết được thời tiết ở bất kỳ địa điểm, thời gian nào, chỉ cần có internet.

Theo ông Thắng, ở các nước, ứng dụng này khá phổ biến, trong khi ở VN lại chưa được chú trọng.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng có thể mở rộng kênh thông tin đến người dân bằng cách tận dụng lợi thế rộng khắp của mạng xã hội Facebok.

“Với khả năng lan truyền mạnh của Facebook thì ngay khi có tin mới, hàng triệu người sẽ được biết và chia sẻ cho nhiều người khác”, ông Thắng nói.

Theo Võ Hương - An Nhiên - Mai Nguyễn (Tuổi Trẻ)