Xã hội

Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn 17 năm vẫn nằm trên giấy

Video: Người dân nói về công nghệ làm sạch sông Tô Lịch sau 3 ngày thử nghiệm

Hàng nghìn hộ dân vẫn phải sống cạnh dòng kênh đen ngòm, hôi thối dù dự án cải tạo đã được phê duyệt 17 năm trước.

Ngày 24/5, HĐND TP.HCM đã giám sát tiến độ và hiệu quả các dự án chống ngập ở quận Bình Thạnh.

Trước buổi làm việc với UBND quận Bình Thạnh, đoàn giám sát đã khảo sát rạch Cầu Sơn. Tuyến rạch này bị các hộ dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa khiến cho dòng chảy bị thu hẹp.

Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn 17 năm vẫn nằm trên giấy
Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM kiểm tra rạch Cầu Sơn (phường 26, quận Bình Thạnh). Ảnh: Sỹ Đông.

Khi phí lớn, dự án kéo dài

Ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết các điểm ngập do triều đã được giải quyết cơ bản còn các ngập do mưa thì mới xử lý được 75%. Quận Bình Thạnh có 2 rạch lớn là Xuyên Tâm và Văn Thánh giữ vai trò thoát nước ra sông Sài Gòn nhưng dự án cải tạo 2 tuyến rạch này đều nằm trên giấy.

Nguyên nhân là do quy mô dự án lớn, tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng và khâu giải phóng mặt bằng thường kéo dài.

Cụ thể, rạch Xuyên Tâm gồm tuyến chính dài 6,2 km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và 3 tuyến nhánh dài gần 2 km gồm Cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi.

Dự án cải tạo tuyến rạch này được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2002 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 123 tỷ đồng nhưng vì chi phí bồi thường lớn nên ngân sách thành phố không đủ thực hiện. Đến năm 2010, TP.HCM kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa để chống ngập kết hợp chỉnh trang đô thị. Sau đó, Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm xin được nghiên cứu dự án.

Đến tháng 3/2016, UBND TP phê duyệt đề xuất dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Công ty Hà Nội Ngàn Năm đề xuất tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.100 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng gần 1.100 tỷ đồng. Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, doanh nghiệp này có trách nhiệm bồi thường, tái định cư cho người dân và xây lắp.

Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn 17 năm vẫn nằm trên giấy - 1
Nhà dân xây trên rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp. Ảnh: Sỹ Đông.

Vào tháng 8/2016, trong buổi làm việc với UBND quận Bình Thạnh, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM yêu cầu đến tháng 12/2018 phải hoàn thành dự án rạch Xuyên Tâm. Thế nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu chứ chưa triển khai trên thực địa.

Bồi thường trước, xây lắp sau

Dự án này ảnh hưởng tới hơn 2.000 hộ dân và các tổ chức dọc theo tuyến rạch. Phó chủ tịch quận Bình Thạnh cho biết vừa qua khi kiểm đếm lại ranh dự án, ước tính kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 3.700 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND quận Bình Thạnh đã đề xuất tách việc bồi thường ra thành một dự án riêng và sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện.

Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn 17 năm vẫn nằm trên giấy - 2
Người dân sống dọc rạch Xuyên Tâm vẫn đang ngóng chờ ngày thành phố cải tạo tuyến rạch ô nhiễm này. Ảnh: Hải An.

“Việc tách bồi thường ra thành một dự án sẽ giúp cải thiện môi trường vì không còn tình trạng xả rác từ nhà ven kênh và có quỹ đất kêu gọi đầu tư. Nếu trông chờ vào một nhà đầu tư làm cả bồi thường và xây lắp thì khó lắm”, Phó chủ tịch quận Bình Thạnh phân tích.

Đối với rạch Văn Thánh, ông Phương cho biết dù quy mô nhỏ hơn rạch Xuyên Tâm nhưng cũng khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo. Do tổng mức đầu tư lớn nên UBND TP.HCM đã có chủ trương chấp thuận đầu tư dự án theo hợp đồng BT.

Vừa qua, các dự án theo hợp đồng BT bị ngưng lại nên dự án này vẫn chưa thể triển khai. Do đó, phía UBND quận Bình Thạnh đề nghị tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng và giao quận làm chủ đầu tư.

Theo Sỹ Đông (Tri Thức Trực Tuyến)