Xã hội

“Độc chiêu” xin tiền cận Tết

Cận Tết Nguyên đán, rất nhiều đối tượng lang thang cơ nhỡ lại quay về địa bàn TPHCM hoạt động. Ngụy trang dưới những vỏ bọc như bán vé số, đi chữa bệnh… không ít người hành nghề “ăn mày lòng thương thiên hạ” nhằm kiếm tiền tiêu Tết.

Cận Tết Nguyên đán, rất nhiều đối tượng lang thang cơ nhỡ lại quay về địa bàn TPHCM hoạt động. Ngụy trang dưới những vỏ bọc như bán vé số, đi chữa bệnh… không ít người hành nghề “ăn mày lòng thương thiên hạ” nhằm kiếm tiền tiêu Tết.

Quyết tâm gom người lang thang, cơ nhỡ, người ăn xin về các trung tâm bảo trợ xã hội của TPHCM dường như đang vấp phải những rào cản vô hình từ chính người dân. Mặc dù chủ trương của UBND thành phố kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin, nhưng với không ít người, điều này vẫn khó mà thực hiện được.

Chị Nguyễn Thị Thảo, nhân viên bán mỹ phẩm tại quận 5 cho biết: “Đề nghị không cho người ăn xin là đúng, nhưng mỗi khi thấy người ăn xin co ro lúc đêm mưa hay lúc trưa nắng, tôi không kiềm lòng được. Dù biết nhiều khi tiền mình cho chưa chắc họ sẽ được hưởng nhưng nếu không cho thì thấy… cắn rứt lương tâm”.
 

Lợi dụng trẻ em để xin tiền người đi đường. Ảnh: Tuấn Vương

Còn anh Nguyễn Trọng Khôi, chủ tiệm bán phụ tùng xe máy trên đường Trần Phú (quận 5), cũng tâm tư: “Ngồi bán hàng một ngày, tôi kiếm được 200.000 – 300.000 đồng. Mỗi khi thấy người già ăn xin, bán vé số lang thang, tôi cũng móc tiền đưa cho họ. Chuyện chăn dắt này nọ tôi không quan tâm, chỉ mong số tiền của mình cho họ sẽ giúp họ có một ổ bánh mì, một hộp cơm”.

Theo ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) thì đến nay, Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố đã quản lý hơn 200 người ăn xin từ các quận, huyện trên địa bàn. Sở LĐ-TB&XH cũng đã thiết lập đường dây nóng (08.3553.3258 và 08.3829.2491) để tiếp nhận tin báo, xử lý thông tin về người lang thang, ăn xin. Thành phố cũng sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin về người lang thang, ăn xin để đưa về các trung tâm xã hội chăm sóc hoặc tổ chức hồi gia.

Thế nhưng, sau gần 1 tháng thực hiện chủ trương trên, tình trạng ăn xin trá hình bắt đầu quay trở lại, hoạt động ngày càng tinh vi, kín đáo hơn để đối phó với các cơ quan chức năng. Tại công viên Tao Đàn (quận 1), có một người bán vé số lớn tuổi tên là Nguyễn Thị Bé, quê Thừa Thiên Huế khi vừa tiếp xúc với PV Báo GĐ&XH đã kể khổ, xin tiền: “Cô khó khăn lắm. Ở quê tha phương vô đây bán vé số kiếm cơm ăn. Thuê nhà tháng 600.000 - 700.000 đồng, tiền đâu mà đóng tiền nhà, ở bờ ở bụi người ta bắt thì sao, khổ lắm. Khó khăn lắm, ngoài quê bão lụt, lạnh lẽo. Giờ vô đây sống một thân một mình chứ không biết nhờ vả ai hết. Ai thương thì cho 5.000 - 10.000 đồng uống nước”.

Ở địa điểm khác gần Bến xe Miền Đông, phải quan sát rất kỹ để chắc rằng không có ai đang giám sát, một cậu bé vừa bán tăm bông vừa... xin tiền. Chúng tôi hỏi thì cậu bé vừa lấm lét nhìn sang phía bên kia đường, vừa trả lời như là đọc thuộc lòng: “Nhật Minh. Quê ở Nghệ An. Em ở với 5 người bạn. Bố mẹ em làm ruộng. Em bỏ học lâu rồi, từ lớp 5”.

Giả điên, giả bệnh kiếm tiền

Trần Thị Hoàng Yến, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM kể: “Em bắt xe buýt đi thì có một người cầm cái phim X-quang nói là quê ở Vũng Tàu lên chữa bệnh mà không có tiền đi xe buýt về. Lúc đó thấy tội nên em cũng cho tiền. Nhưng mấy hôm sau trên một tuyến xe buýt khác, em gặp lại cũng người đó đến xin tiền và nói bị nhiễm... HIV, nhưng trên tay là phim chụp phổi. Em biết mình bị lừa nên không cho nữa”.

Còn bà Ngô Thị Ngọc Nga, một người dân ở quận Phú Nhuận cũng gặp phải tình trạng tương tự: “Không những tôi cho tiền mà còn về lấy quần áo, mền cho nữa vì sợ mùa đông họ lạnh. Nhưng sau một thời gian, vô tình đi về khuya, tôi thấy có anh thanh niên chạy chiếc xe Air Blade tới, chở người ăn xin đi, tỉnh bơ như không có gì”.

Một số trường hợp còn giả bán vé số bị ế hoặc bị mất để ăn mày lòng thương của người khác. Bà Hoàng Thị Thương, ở quận 1 kể: “Có người giả vờ bán vé số nhưng bị mất hết để người ta thương xót cho tiền. Nhưng tình cờ sau này cũng lại gặp chính người đó, làm những hành động như vậy thì mới biết đó là giả mạo. Ban đầu không biết thì mình cho tiền, nhưng khi biết sự thật rồi thì mình phải nói cho mọi người biết”.

Đặc biệt hơn, sau một thời gian triển khai đưa người ăn xin vào các  trung tâm hỗ trợ xã hội, đường phố TPHCM lại xuất hiện tình trạng ăn xin biến tướng kiểu giả tàn tật, giả đau ốm, giả khất thực và cả... giả điên. Với những trường hợp này, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội cho rằng: “Chúng ta phải nhắc nhở các đối tượng này vì đây là một hình thức giả danh để ăn xin”.

Chủ trương tránh hình ảnh phản cảm trước du khách trong và ngoài nước của TPHCM khi đưa những người ăn xin vào các trung tâm hỗ trợ xã hội, dẹp nạn ăn xin đường phố là đúng. Tuy nhiên, sau gần một tháng thực hiện, những biến tướng ăn xin vẫn đầy rẫy trên đường, trên phố thì liệu chủ trương này có khả thi? Còn nữa, liệu có căn bản và bền vững khi bản thân những người thi hành chủ trương này không nắm được đâu là ăn xin “tự do”, đâu là ăn xin có “nghiệp đoàn”, có “chăn dắt” của một ông bà chủ nào đó để có thể áp dụng các biện pháp mang tính chế tài luật pháp? Khi đưa ra chủ trương này, TPHCM có thật sự nắm được lý do vì sao người ta lại phải đi ăn xin để có cách giải quyết từ “gốc”, chứ không phải từ “ngọn” như hiện tại?

Ngoài ra, đã có thống kê nào về số lượng người ăn xin ở TPHCM, gồm người ăn xin lâu năm, định cư ở thành phố và người ăn xin trôi nổi ở các vùng miền khác theo kiểu thời vụ? Và khi chưa có thống kê số lượng, độ tuổi, sức khỏe, gia cảnh người ăn xin thì làm sao có thể chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, nhân sự quản lý có chuyên môn, gồm các nhà xã hội học, tâm lý học, đội ngũ y bác sĩ, các giáo viên dạy nghề, dạy chữ…  để tập trung họ vào những trung tâm hỗ trợ xã hội? Khi dồn họ vào một nơi mà cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nhân sự quản lý chưa thật sự chắc chắn, sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề phức tạp khác.
 
Theo Quốc Định (Giadinh.net.vn)