Xã hội

'Dinh thự Vua Mèo thì con cháu Vua Mèo được đứng tên'

Liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho dinh thự họ Vương ở Hà Giang, chuyên gia pháp lý cho rằng, dinh thự này của Vua Mèo thì con cháu Vua Mèo được đứng tên.

Liên quan tới kiến nghị của ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình/Vương Chí Thành) về việc trả lại quyền sử dụng đất trước đó, bộ VH,TT&DL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc cấp sổ đỏ theo đúng quy định pháp luật đối với khu dinh thự họ Vương (dinh thự Vua Mèo).

'Dinh thự Vua Mèo thì con cháu Vua Mèo được đứng tên'
Một góc của dinh thự Vua Mèo

Một câu hỏi được đặt ra vậy sổ đỏ này được cấp cho ai? Do ai quản lý? Câu hỏi tưởng chừng gây tranh cãi, nhưng dưới góc độ pháp lý thì câu chuyện này lại trở nên hết sức bình thường như việc thừa hưởng di sản thừa kế của cha ông để lại.

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú - đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Việc sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương đã cấp cho phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn là việc làm đúng đắn. Cần thiết phải thu hồi lại sổ đỏ một cách nhanh chóng, khẩn trương".

Cũng theo luật sư Tú, khi thu hồi lại sổ đỏ thì việc cấp cho ai không còn là vấn đề lớn. “Thực tế, con cháu Vua Mèo đã ở trên mảnh đất này hàng trăm năm, di tích cả nước biết, chứng cứ rõ ràng, trước khi chúng ta tiếp quản thì nhà là của con cháu Vua Mèo đang ở, đương nhiên cấp cho gia đình nhà họ”, luật sư Tú nói.

'Dinh thự Vua Mèo thì con cháu Vua Mèo được đứng tên' - 1
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Về bản chất pháp lý, luật sư Tú cho rằng, dinh thự này cũng như nhà của cha ông chúng ta để lại theo di sản thừa kế, con cháu sẽ được hưởng di sản thừa kế này.

“Con cháu của Vua Mèo đã tới đời thứ tư, gia đình này có rất nhiều người nên họ sẽ phải họp lại là đứng tên dòng họ hay đứng tên cá nhân một ai đó. Sau khi gia đình họ thống nhất được việc đó, chúng ta phải tôn trọng quyền tự quyết của họ và cho người đó đứng tên, chúng ta chẳng có quyền gì để can thiệp. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi cấp sổ đỏ dinh thự này cho ai”, luật sư Tú nêu quan điểm.

Tiếp đến, về vấn đề “ai quản lý?”. Theo luật sư Trương Anh Tú: "Di sản vẫn là tài sản, nó chỉ có thêm yếu tố về văn hóa, lịch sử. Lúc này Nhà nước có thêm quyền là quản lý di sản văn hóa. Ngược lại có thêm nghĩa vụ là quản lý, trông coi, tư vấn cho dòng họ người ta, thậm chí phải bỏ tiền ra để tôn tạo, sửa chữa".

Là một chuyên gia pháp lý, luật sư Tú nhấn mạnh: “Nhà của ông bà chúng ta thì chúng ta quản lý, nhà của ông bà họ thì họ quản lý. Không phải là di sản đã được đặt tên mà tước đi quyền quản lý của con cháu Vua Mèo”.

Theo Tư Viễn (Nguoiduatin.vn)