Xã hội

Diễn biến mới nhất vụ CSGT "giơ chân" cản người vi phạm

Theo kết quả xác minh của PC67 Hà Nội, chiến sỹ CSGT Đội 3 không đạp người vi phạm…Đại tá Đào Vịnh Thắng nêu ra những ý kiến để xử lý tình huống tương tự.

Theo kết quả xác minh của PC67 Hà Nội, chiến sỹ CSGT Đội 3 không đạp người vi phạm…Đại tá Đào Vịnh Thắng nêu ra những ý kiến để xử lý tình huống tương tự.

Chiều 22/7, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67 - Công an TP Hà Nội), thông tin về kết quả xác minh vụ việc “CSGT giơ chân cản người vi phạm” xảy ra trên phố Xã Đàn vừa qua gây xôn xao dư luận.

CSGT Hà Nội đạp người vi phạm giao thông ngã xuống đường

Trường Phòng PC67 Hà Nội cho biết, ngay sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải clip phản ánh, PC67 Hà Nội đã lập tổ công tác cử cán bộ đi kiểm tra, xác minh thông tin.

Qua kết quả xác minh, thu thập clip và xuống hiện trường xác định, người chiến sĩ trong clip Trung uý Hoàng Anh (đội CSGT số 3). Tuy nhiên, qua xác minh khẳng định không có chuyện chiến sĩ CSGT “đạp” người vi phạm giao thông.

Diễn biến mới nhất vụ CSGT ‘giơ chân’ cản người vi phạm - Ảnh 1

Không có chuyện CSGT đạp người vi phạm.

Theo đó, ngày 18/7, Tổ công tác của Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ trên phố Xã Đàn, Q.Đống Đa phát hiện một số người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, khi khám xét phát hiện tàng trữ ma tuý nên bắt giữ và bàn giao cho Công an phường Nam Đồng.

Ngay sau đó, Tổ công tác phát hiện nam thanh niên điều khiển xe máy mang BKS: 88K1 – 226 46 chở theo một cô gái phía không đội mũ bảo hiểm nên ra hiệu lệnh dừng xe. Người điều khiển xe là anh Nguyễn Văn Tuấn (SN: 1996, trú tại Hiệp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc) quay đầu xe bỏ chạy vào đường ngược chiều với tốc độ cao.

Nhận thấy hành vi bỏ chạy có nhiều dấu hiệu khả nghi liên quan tới các đối tượng tàng trữ ma tuý trước đó, đồng thời gây nguy hiểm cho người đi đường nên trung uý Hoàng Anh ra ngăn chặn. Tuy nhiên, đối tượng không dừng lại mà vẫn phóng tốc độ cao, lạng lách ngược chiều buộc chiến sỹ Hoàng Anh phòng vệ theo phản ứng tự nhiên. Trong lúc phòng vệ, đồng chí Hoàng Anh có “giơ chân” nhưng không trúng người vi phạm.

Đại tá Thắng cho rằng, đây là phản ứng hoàn toàn chính đáng: “Khi cán bộ xuống làm hiện trường, người dân khu vực đều ủng hộ và cho rằng đây là hành động dũng cảm, cần thiết của chiến sỹ Hoàng Anh trong giờ cao điểm đã tránh được tình huống nguy hiểm với người dân đang lưu thông”.

Không đình chỉ cán bộ

Trả lời câu hỏi chiến sĩ Hoàng Anh đã đi làm bình thường hay chưa, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho hay, Trung uý Hoàng Anh vẫn làm việc bình thường ở đội khi xảy ra vụ việc, nhưng trong lúc xác minh tạm thời không được giao việc ngoài đường mà làm công việc hành chính.

Cũng theo người đứng đầu P67 (Hà Nội), người điều khiển xe máy đã vi phạm 5 lỗi: không đội mũ bảo hiểm, đi người chiều, lạng lách đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh, không xuất trình giấy tờ. Người này cũng đã viết bản tường trình thừa nhận các vi phạm kể trên.

Cần xử nghiêm và có biện pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông trong cuộc trao đổi với PV báo Người đưa tin cho rằng, người điều khiển xe máy ở trường hợp trên đã vi phạm lỗi cơ bản của luật giao thông.

Giáo sư Chương lên án mạnh mẽ và cho rằng đây là hành vi thiếu ý thức. Đồng thời kiến nghị cần phải có biện pháp xử lý mạnh đối với trường hợp này như: tăng mức xử phạt, bêu tên người vi phạm.

Trước ý kiến này, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng ý kiến của giáo sư Chương hoàn toàn đúng. Đại tá Thắng nhấn mạnh cần nêu cao các biện pháp tuyên truyền, công khai danh tính người vi phạm trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với cơ quan, tổ chức, địa phương để giáo dục người dân, cảnh báo người vi phạm.

“Cũng nên đưa luật giao thông đường bộ như một môn học bắt buộc vào giảng dạy trong nhà trường để giáo dục ý thức tham gia giao thông từ nhỏ. Đồng thời tăng cường bảo vệ người thực thi nhiệm vụ và cần phải có chế tài mạnh như: tịch thu bằng lái vĩnh viễn, tạm giữ phương tiện..”, Đại tá Đào Vịnh Thắng nêu.

Theo người đứng đầu P67 Hà Nội, CSGT thường xuyên đối diện với nguy hiểm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, trong đó có nhiều trường hợp bắt nguồn từ việc người tham gia giao thông cố tình vi phạm. Có thể thấy, thời gian qua trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, nhiều chiến sĩ đã bị thương, thậm chí hy sinh cả tính mạng khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, còn muôn vàn khó khăn mà các chiến sĩ CSGT phải đối mặt như: thời tiết nắng nóng, giá lạnh, ô nhiễm môi trường.

“Những ngày lạnh người dân được mặc áo ấm ngồi trong nhà, ngày nóng được ngồi điều hòa, ngày lễ, ngày tết nhiều người được nghỉ nhưng các chiến sỹ vẫn phải đứng đường làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông… Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ dù có phải hy sinh đến tính mạng. Sau vụ việc này, chúng tôi đã họp các đơn vị để rút kinh nghiệm, đồng thời phấn đấu mỗi chiến sĩ mỗi ngày một việc tốt”, Đại tá Thắng nhấn mạnh.

Đại tá Thắng cho hay, khi kiểm tra, phát hiện người vi phạm giao thông cố tình chống đối, đe dọa, lăng mạ người thực thi nhiệm vụ thì CSGT phải sử dụng các thiết bị nghiệp vụ ghi lại đặc điểm phương tiện, người điều khiển, thông báo cho tất cả các tổ công tác để ngăn chặn.

Nếu chống đối, lăng mạ thì giải thích, thuyết phục, đưa vào Công an sở tại để điều tra, xử lý. Tùy mức độ vi phạm, CSGT sẽ quyết định ngăn chặn cho phù hợp, khi ngăn chặn phải đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông và bản thân. Nếu gặp tình huống gây nguy hiểm cho người dân thì dù có phải hy sinh cũng phải đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Nhất Nam (Nguoiduatin.vn)