Xã hội

"Điểm danh" 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng sắp được xét xử

Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.

Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.

dua-6-vu-an-tham-nhung-kinh-te-nghiem-trong-ra-xet-xu

Phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: N.C

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Thường trực Ban chỉ đạo biểu dương sự nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, VKSND và TAND TP HCM đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, khẩn trương đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn I ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Nhất là, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã khởi tố 3 vụ án hình sự, kiến nghị điều tra làm rõ 10 nhóm hành vi của những người liên quan; đã quyết định tịch thu 6.577 tỷ đồng (đạt 72% số tiền thiệt hại), là số tiền đặc biệt lớn.

Tổng bí thư cũng kết luận, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 

Tổng bí thư lưu ý chú trọng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng; khẩn trương xét xử phúc thẩm các vụ án có kháng cáo, kháng nghị và điều tra, xử lý các kiến nghị của Hội đồng xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

dua-6-vu-an-tham-nhung-kinh-te-nghiem-trong-ra-xet-xu-1

Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N.C

Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017. Cụ thể gồm:

1. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank;

2. Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam;

3. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh;

4. Vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin;

5. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm TAND tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty);

6. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm Trưởng ban và các Phó trưởng ban.

Trưởng ban chỉ đạo: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Các Phó trưởng ban chỉ đạo: Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo.

 
Theo Võ Văn Thành (VnExpress.net)