Xã hội

Địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

68 con heo của hai gia đình tại hai xã ở tỉnh Hậu Giang được tiêu hủy sau khi phát hiện dịch bệnh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang ngày 13/5 cho biết trên địa bàn đã xảy ra hai ổ dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng đang tập trung xử lý, phòng chống lây lan.

Theo đó, 68 con heo của hai hộ dân ở xã Nhơn Nghĩa A và Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) được phát hiện dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tất cả heo nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.

Địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Ảnh minh họa

Ngành thú y tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng triển khai chống dịch, lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật trong bán kính 3 km tại hai ổ dịch. 

Hậu Giang là địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Toàn tỉnh có trên 15.000 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, với tổng đàn khoảng 160.000 con.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).

Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện hồi đầu tháng hai tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra hơn 20 tỉnh thành, nhiều tỉnh đã công bố dịch. Đến nay, trên 1,2 triệu con đã bị tiêu hủy (chiếm hơn 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Theo Cửu Long (VnExpress.net)