Xã hội

Đề Sử dài, thí sinh hào hứng với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc

Sáng nay, các thí sinh bước vào môn thi Lịch Sử. Tại một số điểm thi, hết 2/3 giờ làm bài đã có khá đông thí sinh về sớm, đa số các thí sinh than đề khó nhưng khá hào hứng với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc...

Sáng nay, các thí sinh bước vào môn thi Lịch Sử. Tại một số điểm thi, hết 2/3 giờ làm bài đã có khá đông thí sinh về sớm, đa số các thí sinh than đề khó nhưng khá hào hứng với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc...

Sáng ngày 4/7, hơn 4.800 thí sinh tại Đắk Lắk bước vào môn thi Lịch sử. Theo ghi nhận của PV tại một số điểm thi, khi trống mới báo hiệu hết 2/3 giờ làm bài đã có khá đông thí sinh về sớm, đa số các thí sinh than đề khó nhưng khá hào hứng với câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử năm nay.

Ghi nhận của PV, tại điểm thi trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột) các thí sinh đa số đều thích thú với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, các thí sinh cũng cho rằng đề thi năm nay tương đối khó và không dễ để lấy điểm cao.

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi Lịch sử
Thí sinh trao đổi bài sau môn thi Lịch sử

Thí sinh Nguyễn Duy Nam - trường Văn hóa 3, cho biết: trong 4 câu hỏi của đề thi, 3 câu tương đối khó, riêng câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc là câu em làm được nhất. “Câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc là một câu hỏi mở và mỗi học sinh chúng em đều có thể tự nói lên những suy nghĩ của mình với vấn đề đoàn kết của toàn dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay”, em Nam cho hay.

Tương tự thí sinh Nguyễn Thị Kim Cúc - THPT Phú Xuân nhận xét, đề thi môn Sử năm nay tương đối khó so với mọi năm nên để đạt điểm khá trở lên cũng rất khó. “Các câu hỏi tương đối dài, em cũng làm được hết các câu tuy nhiên không chắc lắm với câu trả lời của mình. Cũng hi vọng đạt được kết quả cao một chút nhưng em cũng rất lo”, em Cúc nói.

Các thí sinh nhận định đề Sử khá khó dù có câu hỏi mở
Các thí sinh nhận định đề Sử khá khó dù có câu hỏi mở
Riêng thí sinh Ne Ry Bya (ngụ xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), lại cho rằng đề thi năm nay rất khó, chỉ có mỗi câu 4 là được em làm nhiều nhất. “Dù chưa hết thời gian nhưng do em không làm thêm được nữa nên em ra về sớm, câu 4 em làm tương đối nhiều còn các câu còn lại em cũng làm nhưng phần trăm chắc chắn đúng khống nhiều”, thí sinh Ne Ry chia sẻ.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, tại Đắk Lắk có 2 cụm thi với 24.139 thí sinh. Trong đó, cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì có 7.306 thí sinh và cụm thi do trường ĐH Tây Nguyên chủ trì với 16.833 thí sinh.

Tại Hà Nội:

Ghi nhận tại điểm trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội), thí sinh Nguyễn Tiến Anh, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Hai Bà Trưng cho biết câu 1 em làm không tốt vì em không ngờ đề ra vào phần này, còn câu 2 mang tính suy luận thì em làm tốt. Tiến Anh dự đoán em được khoảng 7 điểm.

 
 
Thí sinh tan thi môn Lịch sử tại điểm trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội). (Ảnh: Mai Châm)
Thí sinh tan thi môn Lịch sử tại điểm trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội). (Ảnh: Mai Châm)
 
Sóc Trăng: Thí sinh phấn khởi vì đề thi Lịch sử vừa tầm và thú vị

Đúng 9 giờ 35 phút, thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi ở điểm thi trường THPT Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) là em Trương Hoàng Việt (học sinh trường này). Vừa ra khỏi cổng, Việt phấn khởi cho biết: "Đề thi môn Lịch sử có 4 câu, trong đó câu 1 là lịch sử thế giới, các câu còn lại là lịch sử Việt Nam. Nói chung đề không bất ngờ, nhất là với câu về chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 thì hầu như bạn nào cũng làm được cả. Còn câu ấn tượng nhất là nói về chính sách đại đoàn kết dân tộc. Bài của em chắc chắn không dưới 7 điểm".

Ở điểm thi tại trường CĐSP Sóc Trăng, thí sinh Nguyễn Quốc Toàn (trường THCS&THPT Lai Hòa-TX Vĩnh Châu) rất vui vì "Đề không khó, lại mang tính thời sự, tính giáo dục cao đối với học sinh. Em thích nhất là câu bàn về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Câu này em làm rất hứng thú. Bài chắc chắn đạt từ 8 điểm trở lên".

Còn thí sinh Trịnh Hoàng Tuấn (THPT Trần Văn Bảy) chia sẻ: "Mấy hôm trước môn nào cũng khó nên sáng nay vào phòng thi, nhiều bạn rất lo vì sợ đề khó nhưng khi nhận đề thì thấy khá dễ. Câu em thích nhất là câu số 1 hỏi về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ thế giới vì dễ và câu bàn về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta. Bài làm của em cũng chắc chắn đạt từ 7 trở lên".

Nhìn chung, thí sinh rời phòng thi phấn khởi vì làm được bài. Thời tiết trong suốt những buổi thi vừa qua ở Sóc Trăng rất đẹp, không mưa như những ngày kế cận khi kỳ thi bắt đầu.

Hà Nam: Thí sinh than thở vì đề Lịch sử dài và khó

Theo ghi nhận của PV tại địa điểm thi trường đại học Công nghiệp Hà Nội (cơ sở Hà Nam) ngay từ buổi sáng có rất ít thí sinh tham gia dự thi môn Sử so với những môn thi trước.

Sau khi kết thúc khoảng 2/3 thời gian thi đã có những thí sinh đầu tiên ra về, nhiều thí sinh cho biết môn thi Lịch năm nay có rất ít thí sinh tham gia thi bởi chương trình học khá nặng, lại có rất nhiều những mốc thời gian, số liệu, kiến thức… cần phải ghi nhớ.

Có rất ít thí sinh tham gia dự thi môn Lịch sử, khác xa so với những môn thi trước (Ảnh: Việt Linh)
Có rất ít thí sinh tham gia dự thi môn Lịch sử, khác xa so với những môn thi trước (Ảnh: Việt Linh)

Em Đinh Hữu Cương, học sinh trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) cho biết: “Để đạt điểm cao trong môn Lịch sử là rất khó. Bài thi năm nay chỉ có phần tự luận với 4 câu hỏi, 2 câu đầu thì khá dễ nói về lịch sử thế giới trong lĩnh vực phát triển công nghệ. Hai câu cuối nói về lịch sử trong nước với chủ đề về “Chiến dịch Đông xuân và về Chiến dịch Điện Biên Phủ”, đòi hỏi thí sinh phải ghi nhớ các dấu mốc lịch sử thật chính xác.

Em Đinh Hữu Cương và em Nguyễn Văn Thanh cho hay đề Lịch sử năm nay khó và dài (Ảnh: Việt Linh)
Em Đinh Hữu Cương và em Nguyễn Văn Thanh cho hay đề Lịch sử năm nay khó và dài (Ảnh: Việt Linh)
 
Em Nguyễn Văn Thanh, học sinh THPT Lý Nhân cũng cho biết: “Đề thi năm nay là đề mở và không bám sát với chương trình học ở trường, câu cuối cùng có hai ý hỏi về chủ trương của Đảng, đại đoàn kết dân tộc và thanh niên phải làm gì để xây dựng chính sách Đại đoàn kết dân tộc. Em thấy đề năm nay khá dài xong em vẫn cố gắng làm được hết nhưng không biết là có đúng hay không”.

Huế: Thí sinh ra sớm trước 1 tiếng và than đề khó, bất ngờ

Nhiều thí sinh tại Huế chỉ mới hơn 2/3 thời gian thi đã nộp bài ra về. Theo ghi nhận chung thì đề Sử khó, bất ngờ và có tính vận dụng kiến thức ngoài cao.

Tại hội đồng Đại học Sư phạm Huế B, thí sinh Bạch Trương Quốc Hữu (THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) cho biết dù em thi lấy điểm xét tuyển vào đại học khối C nhưng đề Sử năm nay khó có điểm so với đề Địa. Hữu làm chừng được 6-7 điểm.

“Theo em câu 1 về nguồn gốc và đặc điểm cuộc cách mạng khoa học công nghệ làm cho em và nhiều thí sinh ít nghĩ tới là đề có câu này, nó hơi khó làm. Tiếp theo là câu 4 về kiến thức bên ngoài nói về chủ trương của Đảng và nhà nước về khối đại đoàn kết dân tộc, tuy bản thân tự suy nghĩ để làm nhưng cũng hơi khó có 2 điểm tối đa đối với câu 4” - Hữu nói.

Khoảng hơn 9h30 nhiều thí sinh tại hội đồng Đại học Sư phạm Huế B đã nộp bài ra về
Khoảng hơn 9h30' nhiều thí sinh tại hội đồng Đại học Sư phạm Huế B đã nộp bài ra về
 
Thí sinh Trần Thị Nhã Hương (THPT Thuận An, huyện Phú Vang) trao đổi đề Sử khó, dài và bất ngờ, có tính vận dụng kiến thức xã hội ngoài khá cao. Đặc biệt câu 2 về tác động cuộc tiến công Thu Đông 1954, nội dung này làm cho Hương lúng túng vì không phải phần ôn thi trọng tâm của em. Theo Hương, bài làm của em khả năng được từ 4-5 điểm.

Qua trao đổi chung, nhiều thí sinh tại Huế cho biết tuy đề dài 180 phút nhưng quá 2/3 thời gian đã làm xong tuy không yên tâm và khá lo lắng, vì với kiểu đề khó như trên, các em đã vận dụng hết khả năng để làm những gì có thể.

Cụm thi Vinh (số 35): Đề Sử khá dễ, thí sinh ra trước 1 tiếng

Được đánh giá khó "ăn điểm" ở môn Sử, song đề thi năm nay, nhiều thí sinh cụm thi Vinh cho biết, bài làm tốt và ra sớm 1 tiếng đồng hồ.

Đúng 10h, hàng chục thí sinh Cụm thi Vinh đã ra sớm sau khi hoàn thành bài thi môn Lịch Sử. Có mặt tại địa điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, hầu hết khi được hỏi, các em đều chia sẻ đề Sử năm nay khá dễ và làm hoàn thành sớm hơn dự kiến.

Các thí sinh điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vui vẻ sau khi kết thúc môn Sử (Ảnh: Nguyễn Duy)
Các thí sinh điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vui vẻ sau khi kết thúc môn Sử (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
"Đề Sử năm nay không khó lắm. Hầu hết các bạn ở địa điểm thi cùng em đều làm bài chỉ mất 2 giờ đồng hồ là ngồi chơi. Với môn Sử em cũng được 7-8 điểm...", thí sinh Trần Thị Bích Khánh, trường THPT Lễ Viết Thuật chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số thí sinh cũng chỉ làm bài đạt 50%. Thí sinh đến từ huyện miền núi Quế Phong em Hà Thị Hậu, dự thi vào Trường Trung cấp An ninh chia sẻ: "Em làm bài khoảng 50% cho bài thi môn Sử năm nay thôi anh à".

Em Hà Thị Hậu, dự thi vào Trường Trung cấp An ninh chia sẻ (Ảnh: Nguyễn Duy)
Em Hà Thị Hậu, dự thi vào Trường Trung cấp An ninh chia sẻ (Ảnh: Nguyễn Duy)

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An Cụm thi số 26 - Cụm thi để xét tốt nghiệp THPT (do Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì) có 12.479 thí sinh đăng ký dự thi, bố trí 26 điểm thi, gồm 528 phòng thi và hơn 2.000 cán bộ chỉ đạo thi, coi thi, bảo vệ thi, phục vụ thi.

Tại cụm thi này, số thí sinh đăng ký môn Lịch Sử chỉ có 75 em và ít nhất là tiếng Pháp có 59 thí sinh.

Cụ thể: THPT Hermann Gmeiner; THPT Tương Dương, THPT Kỳ Sơn, THPT Cửa Lò, THPT Con Cuông, THPT Thái Lão, THPT Nam Đàn 1, THPT Đô Lương 2 và 3, THPT Anh Sơn 1, THPT Nguyễn Cảnh Chân, THPT Nghi Lộc 2, THPT Quỳnh Lưu 1, THPT Diễn Châu 2, THPT Phan Đăng Lưu, THPT Thái Hoà, THPT Yên Thành 2 và THPT Quỳ Châu.

Các trường có số thí sinh đăng ký dự thi môn Sử cao nhất là: THPT Quế Phong, huyện biên giới Quế Phong và THPT Quỳ Hợp 1 mỗi trường có 21 thí sinh đăng ký dự thi môn này; trường có số thí sinh đăng ký môn Sử về "Nhì" là Trường THPT 1/5 (huyện Nghĩa Đàn) với 19 thí sinh đăng ký dự thi; Còn lại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (5 thí sinh), THPT Hoàng Mai (1 thí sinh), THPT Tân Kỳ (2 thí sinh) và Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (4 thí sinh).

Thanh Hóa: Thí sinh thích thú với đề Lịch sử mở

Thí sinh tại Thanh Hóa năm nay thích thú với đề thi môn Lịch sử vì có câu đề mở liên quan đến tính đại đoàn kết dân tộc. Nhiều thí sinh ở đây cũng nhận định đề vừa sức.

Ghi nhận của PV Dân trí tại một số điểm thi trên địa bàn TP Thanh Hóa, mặc dù còn 30 phút mới hết thời gian nhưng đã có rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi vì đã hoàn thành xong bài. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi năm nay không quá khó, vừa sức cho thí sinh và có câu đề mở để học sinh khá lấy điểm cao.

Nhiều thí sinh hoàn thành xong bài trước thời gian
Nhiều thí sinh hoàn thành xong bài trước thời gian
 
Thí sinh Lê Tuấn Anh, học sinh trường THPT Đào Duy Từ cho biết: "Đề Lịch sử năm nay vừa tầm cho thí sinh. Thí sinh không chuyên cũng có thể lấy được điểm 6-7. Chúng em cũng không bất ngờ với dạng đề này. Em rất hứng thú với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc. Để làm được đề này, mỗi học sinh phải biết tư duy mới lấy được điểm tối đa".
 
Thí sinh tại Thanh Hóa hoàn thành xong môn thi Lịch sử
Thí sinh tại Thanh Hóa hoàn thành xong môn thi Lịch sử
 
Thí sinh Lê Thị Chiên, học sinh trường THPT Lương Đắc Bằng cũng nhận định đề Lịch sử năm nay chủ yếu là kiến thức cơ bản. Nếu các bạn nắm chắc kiến thức cơ bản thì không khó để lấy điểm 6-7. Đề bài cũng có câu hỏi đề mở rất hay. Em nghĩ sẽ rất nhiều thí sinh thích dạng đề này".

Bình Định: Đề Sử mở nhưng vẫn yêu cầu thí sinh phải thuộc bài

Tại cụm thi tỉnh Bình Định, hết 2/3 thời gian làm bài thi nhiều thí sinh đã nộp bài ra về. Theo đánh giá chung thì đề Lịch sử ra theo hướng mở nhưng vẫn yêu cầu thí sinh phải học thuộc bài khá nhiều nên khó có điểm tuyệt đối. Nhiều thí sinh lại cho rằng đề Lịch sử ra khá thú vị đòi hỏi thí sinh vừa nắm vững kiến thức trong chương trình học phổ thông vừa phải vận dụng kiến thức xã hội vào làm bài thi. Trong đó, nhiều thí sinh lại tâm đắc với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Lịch sử thí sinh ra gần hết với tâm trạng khá hài lòng (ảnh Doãn Công)
Hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Lịch sử thí sinh ra gần hết với tâm trạng khá hài lòng (ảnh Doãn Công)

Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung (học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Hoài Nhơn) cho biết: “Trong 4 câu hỏi thì chỉ câu 1 là yêu cầu học thuộc bài, còn 3 câu hỏi sau thì đề ra theo hướng mở đòi hỏi không chỉ có kiến thức sách giáo khoa mà phải có kiến thức xã hội tốt mới diễn đạt tốt trong bài thi. Đặc biệt, câu 4 rất thú vị bởi nói về tính đoàn kết dân tộc ở thế hệ trẻ Việt Nam nên từ suy nghĩ, hiểu biết và cảm nhận của mỗi thí sinh mà vận dụng vào bài thi”.

Cùng nhận xét thí sinh Đặng Lệ Quyên (TP Quy Nhơn), dù môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp nhưng Quyên làm bài thi cũng rất tốt. “Theo em đề Lịch sử khá hay theo hướng mở nhưng vẫn đảm bảo kiến thức ôn luyện trong chương trình phổ thông. Môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp nên em không dành thời gian nhiều cho ôn luyện sâu nhưng với đề này em làm trên 5-6 điểm”.

Quảng Bình: Thí sinh thích thú với câu hỏi về đoàn kết dân tộc

Sáng nay hơn 2.000 thí sinh tại Quảng Bình bước vào bài thi môn Lịch sử với thời gian làm bài 180 phút, sau 2/3 thời gian, nhiều sĩ tử đã hoàn thành bài thi.

Nhiều thí sinh dự thi môn Lịch sử nhận định đề thi năm nay không quá khó, các câu hỏi mang tính suy luận cũng như dựa thực tế để nêu quan điểm của thí sinh.

 Nhiều thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Lịch sử sớm. (Ảnh: Tiến Thành)
Nhiều thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Lịch sử sớm. (Ảnh: Tiến Thành)
 

Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Liên tại điểm thi Trường Đại học Quảng Bình chia sẻ: “Em thấy đề thi không quá khó, những nội dung đề ra nằm trong kiến thức em đã được học, tuy nhiên đề năm nay yêu cầu thí sinh suy luận cũng như nêu ra những quan điểm cá nhân, em rất thích câu hỏi thứ 4 về nội dung thanh niên Việt Nam cần làm gì để thực hiện đoàn kết dân tộc, em nghĩ mình sẽ được trên 7 điểm”.

Cũng có cùng quan điểm với Liên, thí sinh Hoàng Văn Đại cho biết đề năm nay không khó, không khô cứng, mang giáo dục cao đối với học sinh, "em xét tuyển vào khối C nên môn Lịch sử em đã ôn tập rất kỹ và làm bài khá tốt, em thích nhất là câu hỏi suy nghĩ về chính sách “Đại đoàn kết dân tộc” của Đảng, cũng như qua đó nêu quan điểm thanh niên Việt Nam cần làm gì để thực hiện đoàn kết dân tộc”.

Ở môn Lịch sử Quảng Bình có tất cả 2.014 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó ở cụm thi địa phương có 102 thí sinh và cụm thi Đại học, Cao đẳng là 1.912 thí sinh.

Nghệ An: Thí sinh cụm địa phương hào hứng với câu hỏi về đại đoàn kết dân tộc

Thí sinh đánh giá đề không khó, câu hỏi gợi mở, nhất là phần thi tự luận, gây được hứng thú cho học sinh khi làm bài.

Thí sinh hồ hởi sau môn thi Lịch sử vì đề không quá khó.
Thí sinh hồ hởi sau môn thi Lịch sử vì đề không quá khó.
 
Tại cụm thi Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì có 26 điểm thi nhưng chỉ có 73 thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch Sử ). Có tới 19 điểm thi không có thí sinh nào đăng kí thi môn Lịch sử. Phần lớn thí sinh đăng kí môn Lịch sử là môn thi tự chọn đều ở các huyện miền núi như Quế Phong (21 em), Quỳ Hợp (21 em), Nghĩa Đàn (19 em), Tân Kỳ (2 em). Các huyện đồng bằng như Diễn Châu (có 5 em, thi tại điểm trường THPT Nguyễn Xuân Ôn), Nghi Lộc (có 4 em, thi tại điểm trường THPT Nguyễn Duy Trinh) và thị xã Hoàng Mai (1 em, thi tại điểm trường THPT Hoàng Mai).

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc) hơn 10h, cả 4 thí sinh dự thi tại đây đã hoàn thành xong bài thi Lịch sử. Em Đặng Thị Trâm hồ hởi: “Đề thi Lịch sử không quá khó, chỉ cần ôn luyện kỹ là làm tốt. Em làm được cả 4 câu nhưng câu về lịch sử thế giới không chắc chắn lắm. Riêng về câu nghị luận, nêu suy nghĩ của mình về tính đại đoàn kết dân tộc thì em thấy rất hay. Em tự tin về bài làm câu này nhất”. Trâm tự chấm cho mình 6 điểm môn Lịch sử.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Thạch (áo trắng) cho rằng câu hỏi tự luận gây được hứng thú cho học sinh khi đề cập đến trách nhiệm của tuổi trẻ đối với vấn đề đại đoàn kết dân tộc.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Thạch (áo trắng) cho rằng câu hỏi tự luận gây được hứng thú cho học sinh khi đề cập đến trách nhiệm của tuổi trẻ đối với vấn đề đại đoàn kết dân tộc.
 
Em Nguyễn Ngọc Thạch thì cho hay, riêng về phần lịch sử thế giới em “lệch tủ” nên bài làm không được như mong muốn. Tuy nhiên, Lịch sử vốn là niềm đam mê của Thạch (điểm tổng kết môn học này của Thạch là 8,2 điểm) nên em hoàn thành tốt bài thi của mình.

“Đề không khó, câu hỏi gợi mở, nhất là phần thi tự luận, gây được hứng thú cho học sinh khi làm bài. Với câu hỏi tự luận này, thí sinh phải biết tổng hợp kiến thức trong chương trình ôn luyện, kết hợp với hiểu biết thực tiễn để bài làm sâu sắc hơn. Em nghĩ, thời điểm nào thì đại đoàn kết dân tộc là vấn đề sống còn của dân tộc và chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ phải luôn vun đắp tình đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc để bảo vệ và xây dựng đất nước”.

Nhận xét về đề thi, cô giáo Hứa Hoa Mai (giáo viên Lịch sử, Trường THPT Lê Viết Thuật, TP. Vinh) cho biết: “Đề thi Lịch sử năm nay bám kiến thức trong sách giáo khoa, trải rộng kiến thức trong suốt chương trình bởi vậy đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức. Bên cạnh đó, đề đi theo hướng phân tích khái quát, không yêu cầu học sinh thuộc quá nhiều, có tính liên hệ thực tiễn, phát huy được ý kiến cá nhân. Tôi cũng đánh giá đây là một đề hay, phân loại được học sinh. Tuy nhiên muốn điểm cao, thí sinh phải có khả năng phân tích sự kiện, khái quát và phải có cách viết, cách trình bày, lập luận khoa học”.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, có 1 thí sinh vắng mặt tại điểm thi Trường THPT 1/5 (Nghĩa Đàn). Tại tất cả các điểm thi do Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì không có thí sinh hay giám thị nào vi phạm quy chế thi, không có sự cố bất thường nào xảy ra.

Khánh Hòa: Thí sinh đánh giá đề Lịch sử giàu tính thời sự

Nhiều thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Cụm thi số 49 do trường ĐH Nha Trang chủ trì, cho biết, đề thi môn Lịch sử năm nay giàu tính thời sự khi hỏi về chính sách Đại đoàn kết dân tộc và trách nhiệm của thế hệ trẻ để xây dựng, vun đắp chính sách đó trong hoàn cảnh hiện nay.

Thí sinh ra về sau môn Sử trưa 4/7 tại điểm thi ĐH Nha Trang - Ảnh: Viết Hảo
Thí sinh ra về sau môn Sử trưa 4/7 tại điểm thi ĐH Nha Trang - Ảnh: Viết Hảo
 

Thí sinh Vi Hoàng Anh Tú, dự thi tại điểm thi số 1, trường ĐH Nha Trang cho biết, đề Sử năm nay có 4 câu và tương đối vừa sức khi các câu hỏi trải đều cho các giai đoạn lịch sử.

Cụ thể, đề thi có đề cập đến vai trò của Hội cách mạng thanh niên Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc, chiến dịch Điện Biên Phủ…Theo em Tú, đề thi môn Lịch sử nếu ôn luyện chu đáo cũng làm được trên 6 điểm, học sinh khá giỏi cũng đạt trên 8 điểm. “Theo em đề này cũng tương đối vừa sức với thí sinh, em làm đề này đạt khoảng hơn 50% số điểm”, em Tú chia sẻ.

Thí sinh Phạm Thị Son, dự thi tại điểm thi 1, trường ĐH Nha Trang cũng có chung nhận định là đề Sử năm nay cũng phù hợp với chương trình, học sinh trung bình khá có thể đạt 5-6 điểm, học sinh giỏi có thể đạt hơn 7,5 điểm. Theo em Son, câu số 4 là câu hỏi hay nhất và giàu tính thời sự khi đề cập đến chính sách đại đoàn kết dân tộc và trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Đề Sử hỏi về chính sách đại đoàn kết dân tộc, thí sinh ở Khánh Hòa đánh giá đề giàu tính thời sự - Ảnh: Viết Hảo
Đề Sử hỏi về chính sách đại đoàn kết dân tộc, thí sinh ở Khánh Hòa đánh giá đề giàu tính thời sự - Ảnh: Viết Hảo
 
“Đó là một câu hỏi rất thời sự, thúc đẩy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân. Em làm đề này chắc được khoảng 7,5-8 điểm, trong phòng em, các bạn cũng làm được bài”, em Son thổ lộ.

Quảng Nam: Đề thi Sử không dành cho thí sinh học thuộc lòng, học tủ

Đó là nhận định của hầu hết các thí sinh thi môn Lịch Sử sáng nay 4/7 tại cụm thi 41 tỉnh Quảng Nam. Các thí sinh cho rằng, do là đề mở nên các bạn học tủ, học thuộc lòng sẽ khó có điểm cao. Ghi nhận tại hội đồng thi ĐH Quảng Nam, khi đã đủ 2/3 thời gian, các thí sinh nộp bài thi ra về rất đông.

Thí sinh Lê Quốc Cường (hội đồng thi ĐH Quảng Nam) nhận định: “Đề Sử rất hay với những vấn đề mở nên các bạn có kiến thức xã hội sẽ làm tốt; còn những bạn học tủ và thuộc lòng sẽ khó có điểm cao. Em tự tin mình làm bài đạt trên 50%”.

Rất đông thí sinh tại cụm thi 41 ĐH Quảng Nam ra về khi hết 2/3 thời gian làm bài
Rất đông thí sinh tại cụm thi 41 ĐH Quảng Nam ra về khi hết 2/3 thời gian làm bài
 
Tại cụm thi TP Hội An, thí sinh Ngô Quỳnh Như (điểm thi Trường CĐ Kỹ thuật) cho biết: “Em nhận thấy đề thi môn sử cũng khá vừa sức với thí sinh, chỉ cần học bài cẩn thận thì sẽ làm được. Trong các câu hỏi em thích nhất là câu hỏi mở cuối cùng chia làm 2 câu nhỏ: một là đoàn kết là sức mạnh của nhà nước, hai là thế hệ trẻ ngày nay nên làm gì để góp phần cho sự phát triển của đất nước”.

 
Các thí sinh tại cụm thi Hội An rất thích thú với câu hỏi mở của đề thi Lịch Sử (Ảnh: C.Bính-N.Linh)
Các thí sinh tại cụm thi Hội An rất thích thú với câu hỏi mở của đề thi Lịch Sử (Ảnh: C.Bính-N.Linh)
 
Còn thí sinh Nguyễn Thị Lan (điểm thi Trường CĐ Điện lực) cho biết: “Đề thi sử năm nay cũng khá vừa sức với thí sinh, bám sát với chương trình học của thầy cô trên lớp. Em cũng rất ấn tượng với câu hỏi mở về thế hệ trẻ bây giờ nên làm gì để đóng góp cho sự phát triển đất nước, chúng em có cơ hội nói lên chính kiến và góp ý của mình cho đất nước".

Theo Nhóm PV (Dân Trí)