Xã hội

Đề nghị thí điểm 1 đặc khu thay vì làm đồng loạt cả 3

"Chúng ta đang thí điểm nhiều mặt, đề nghị không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, rồi mới làm tiếp", đại biểu Trương Trọng Nghĩa khuyến nghị.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu).

Phát biểu góp ý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế đặc biệt nhằm phát triển đất nước nhưng thực tế nhiều dự án có chủ trương đúng đã thất bại, gây nhiều tổn thất, thậm chí thảm hoạ do khâu tổ chức thực hiện. Ông bày tỏ tán thành với một số điều chỉnh của dự luật, nhất là về đất đai, nhà ở nhưng không tán thành về ưu đãi nhiều hơn tại đặc khu.

Theo đó, việc lập các đặc khu không chỉ lập các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn.

Lợi ích cho ai?

"Chúng ta dành ra nhiều ngàn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư trong khi Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng hạ tầng đường xá, sân bay… Đề án xây dựng 3 đặc khu cần khoản đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào tiếp 3 đặc khu này. Trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước cũng chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách", ông phân tích.

Đề nghị thí điểm 1 đặc khu thay vì làm đồng loạt cả 3
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, toàn bộ bộ máy hành chính di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm nghìn dân khu vực trên đều phục vụ cho nhà đầu tư khu vực này. "Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa tất cả khoản đầu tư này là dành cho ai, đem lại lợi ích gì?", ông đặt câu hỏi.

Ông Nghĩa cho biết nhiều chuyên gia lưu ý đây là những vùng đất lớn, tất cả đất đai hiện giá đã cao ngất ngưởng và có chủ. Cử tri cần câu trả lời chúng ta hy sinh ưu đãi để được lợi ích gì, cho ai; ngoài bài toán kinh tế chúng ta sẽ được, mất gì về văn hoá xã hội an ninh quốc phòng.

"Câu trả lời tất yếu là chúng ta phải được nhiều, nhiều lần so với chi phí bỏ ra, 3 đặc khu phải giúp kinh tế phát triển xanh, sạch hơn, chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc, thành phố văn minh, thịnh vượng...", đại biểu TP.HCM nhận định.

Nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm

Bên cạnh đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng Luật đặc khu đưa ra vượt trội nhưng không được trái Hiến pháp nên cần thêm điều khoản nêu rõ: Lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển.

Đại biểu này đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm bởi không có vòng đời dự án đầu tư nào dài như vậy. Thời hạn này, thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải thu hồi đất.

Ngoài ra, quan điểm đề án cho rằng khi dành nhiều ưu đãi sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền thì chỉ đúng một nửa khi có những quốc gia đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có quốc gia lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác.

Cũng theo ông, dự luật hiện dành nhiều ưu đãi khá dễ dãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, ban soạn thảo cần rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, để đặc khu thu hút nhà đầu tư công nghệ cao lựa chọn đặc khu chứ không chỉ thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casio. Lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm chứ không nên làm đồng loạt.

"Lò nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm củi sau khi 3 đặc khu ra đời. Do đó, chúng ta làm luật rồi mới xem xét nghị quyết lập đặc khu, bộ phận đại biểu chưa kịp xem xét hết. Vì vậy, chúng ta nên thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu như thế cử tri sẽ yên tâm hơn", ông Nghĩa chốt lại.

Bộ trưởng Kế hoạch: Đề nghị Quốc hội sớm thông qua

Cuối phiên thảo luận sáng 23/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đại diện cơ quan soạn thảo phát) khẳng định hiện đã hội tụ đủ các điều kiện tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật và thông qua.

"Chúng tôi xin phép đề nghị với Quốc hội cho phép thông qua trong kỳ họp lần này. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải ban hành sớm để triển khai. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi chứ không chỉ dừng lại ở đây", ông Dũng nói và dẫn chứng Hàn Quốc, Nhật Bản đều nhiều lần sửa. Chúng ta thận trọng nhưng không nên quá cầu toàn.

Về một số băn khoăn của đại biểu, ông Dũng đã lần lượt giải trình cụ thể.

Về quy định thời hạn giao đất 99 năm, cơ quan soạn thảo đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây cũng là một chính sách vượt trội. "Nhưng chúng tôi đồng tình với các đại biểu là phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt và phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm", ông Dũng nói.

Theo ông, thời hạn 99 năm hiện nay đã có nhiều nước làm việc này rồi, như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia, nhiều nước người ta cũng đã làm. Tuy nhiên, ta chỉ để mở nhưng vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục như thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng và minh bạch, thận trọng.

Nói rõ thêm về nhà đầu tư chiến lược, ông Dũng cho biết đây là nhà đầu tư không phải chỉ bỏ vốn các dự án lớn mà phải có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia từ quy hoạch, đề xuất thể chế, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tổ chức thực hiện để phát triển toàn bộ đặc khu đó theo mục tiêu đã định.

"Tuy nhiên chúng ta sẽ rà soát lại chặt chẽ hơn nữa đảm bảo nhà đầu tư chiến lược đích thực được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng", ông Dũng nói...

Theo nghị trình, dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Theo Thắng Quang - Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)