Xã hội

Đề nghị Quốc hội tỏ rõ thái độ về vấn đề biển Đông

"Tôi đã đề nghị Quốc hội cần tỏ rõ thái độ về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên chương trình hiện nay mới chỉ dừng lại ở buổi họp để các ĐBQH nghe báo cáo về tình hình biển Đông.

"Tôi đã đề nghị Quốc hội cần tỏ rõ thái độ về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên chương trình hiện nay mới chỉ dừng lại ở buổi họp để các ĐBQH nghe báo cáo về tình hình biển Đông. Tôi hy vọng sẽ có đại biểu bấm nút đề nghị thảo luận" - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Định nói.

Bên lề kỳ họp sáng 25/5, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, người đưa ra đề nghị Chính phủ phải có báo cáo Quốc hội về vấn đề biển Đông đã trao đổi với PV.

Vì sao ông lại đề nghị phía Chính phủ phải có báo cáo về vấn đề biển Đông ra Quốc hội?

Từ kinh nghiệm kỳ họp năm ngoái, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào biển Đông, thời điểm đó không khí của đất nước rất sôi sục, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với tư cách người đại diện ý chí của dân đã thể hiện ý chí kiên quyết, mạnh mẽ. Lần này cũng thế, cử tri gửi gắm và rất muốn ĐBQH có phản ứng mạnh mẽ về việc này.

 ĐBQH Nguyễn Anh Sơn

Từ thực tế đó, tôi đã đề nghị QH cần tỏ rõ thái độ về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên chương trình hiện nay mới chỉ dừng lại ở buổi họp để các ĐBQH nghe báo cáo về tình hình biển Đông, tôi cũng không biết có ĐBQH nào “bấm nút” đề nghị thảo luận về biển Đông hay không? Tôi cũng hy vọng sẽ có ĐB sẽ bấm nút đề nghị thảo luận.

Vì sao không phải là ông sẽ “bấm nút” đề nghị thảo luận?

Cũng có thể người đó sẽ là tôi. Tại các kỳ họp trước, QH chỉ nghe báo cáo về tình hình biển Đông mà chưa có phần thảo luận của ĐBQH về vấn đề này. Bằng cách nào đó cần phải truyền tải thông tin chính xác đến cử tri, tất nhiên những thông tin gì thuộc về bí mật quốc gia, nhạy cảm về mặt ngoại giao thì có thể không nhắc đến.

Ông có quan ngại cách hành xử của Trung Quốc trên biển Đông hiện nay? Theo ông, QH cần như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Tại sao lại không lo? Ngược lại tôi rất lo ngại các hành xử của Trung Quốc ở biển Đông. Vừa rồi tôi có dịp ra Trường Sa lần thứ 2. Tôi còn lo lắng tới mức, vào một ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ bị đẩy vào thế cực kỳ khó khăn. Khi Trung Quốc đã có cơ sở hậu cần, quân sự như chúng ta thấy thì hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện những dã tâm, kế hoạch chuẩn bị từ rất lâu.

Tôi hình dung hình ảnh những hòn đảo nhỏ bé của chúng ta với những điều kiện thiếu thốn, dù được sự quan tâm đầu tư của Đảng, góp sức của nhân dân… để xây dựng đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn… nhưng so với những gì mà Trung Quốc đang làm ở biển Đông thì quả thực cực kỳ lo lắng...

Ông cảm nhận tâm tư của cư tri ở Trường Sa như thế nào trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông?

Cử tri ở đó cũng rất lo lắng. Rất nhiều cử tri theo dõi trên kênh thông tin chính thức thì đặt vấn đề không biết chúng ta sẽ đối phó ra sao trước những hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Họ rất muốn các ĐBQH và cả QH có thái độ rõ ràng, dứt khoát và mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

Theo ông, liệu chúng ta có nên công khai, công bố hình ảnh mà Việt Nam thu thập được một cách chính thức để có tính xác thực cao không?

Tôi không nắm được thông tin chúng ta có những hình ảnh gì. Nhưng theo tôi, có lẽ chúng ta cũng nên chính thức và mạnh dạn công bố những hình ảnh này nếu có.

Liệu ĐBQH có đủ thông tin thảo luận về tình hình biển Đông nếu chúng ta có một phiên thảo luận riêng về vấn đề này?

Qua những lần tiếp xúc với cử tri thì tôi nhận thấy ngay cả cử tri và cả ĐBQH đều thiếu thông tin. Chính đề nghị của tôi là đề xuất ban đầu để các ĐBQH, dù chưa có thông tin thì cũng sẽ nắm bắt thông tin, tìm hiểu thông tin chính thức. ĐBQH càng có nhiều thông tin càng tốt, tất nhiên đó phải là những thông tin chính thức.

Xin cảm ơn ông!

>> Hà Nội có Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới
>> Hà Nội chấn chỉnh việc tổ chức chào cờ, hát Quốc ca
>> Quốc hội sắp phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo Dũng Nguyễn (Tiền Phong)