Xã hội

Dê hộ nghèo “cấp nhầm” cho cháu ruột bí thư huyện

Vụ việc 12 con dê hỗ trợ người nghèo bỗng dưng “chui” vào trang trại của Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành (Thanh Hoá) đã gây bức xúc lớn trong dư luận mấy ngày qua.

Vụ việc 12 con dê hỗ trợ người nghèo bỗng dưng “chui” vào trang trại của Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành (Thanh Hoá) đã gây bức xúc lớn trong dư luận mấy ngày qua. Theo điều tra của Báo Lao Động, những người được “cấp nhầm” đều là cháu ruột của ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành.


Sự việc “cấp nhầm” 12 con dê đã rõ. Đáng lẽ cấp cho các hộ nghèo, lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện và lãnh đạo xã Thành Yên, Thạch Thành, Thanh Hoá đã hợp thức hoá hồ sơ, đưa thẳng 12 con dê này vào trang trại của lãnh đạo huyện. Sai phạm đã được các bên liên quan xác nhận. Theo đó, ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành cho hay, có biết việc 12 con dê được đưa vào trang trại của mình nhưng nghĩ đó là dê của một dự án khác; ông Phạm Bích Ngọc - Trưởng trạm Khuyến nông huyện - xác nhận “việc làm đó là sai rồi!”; ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã - cũng đã xác nhận như vậy.
 

Chị Bùi Thị Ngân - một hộ nghèo ở xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) - phấn khởi với 4 con dê mới được cấp lại. Ảnh: XUÂN HÙNG

Tuy nhiên, cách lý giải thì mỗi người một kiểu. Ông Đỗ Minh Quý cho là bị nhầm với dự án của Bộ KHCN và sở dĩ có chuyện cấp nhầm đó là do anh Ngọc muốn dự án nhanh hoàn thành để làm mẫu. Tuy nhiên, ông Phạm Bích Ngọc cho rằng ông không chỉ đạo phân bổ dê vào trang trại như mục đích ông Bí thư Huyện uỷ nói trên. Ông Ngọc nói: “Dự án mới ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, tiền mới được cấp về một phần, chưa có con dê, con bò nào được cấp về”. Ông Phạm Bích Ngọc cho rằng việc bình chọn hộ nhận dê là do UBND xã Thành Yên.

“Sai là do xã Thành Yên xác định đối tượng nhầm”. Trước đó, trao đổi với PV, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã lại cho rằng, sai đối tượng như thế là do anh Ngọc chỉ đạo.

Vậy nhưng, cũng như ông Gương, ông Phạm Bích Ngọc cho rằng, sợ dê cấp cho hộ nghèo, họ chưa có kỹ thuật cũng như chuồng trại tốt nên “ý đồ là cứ đưa vào trang trại nuôi cho tốt, để cho phát triển rồi sau lấy cái đó chuyển lại cho 3 hộ nghèo đã có danh sách rồi” - lời ông Ngọc. Cũng theo ông Ngọc, sau khi có thông tin phản ánh, huyện, xã đã lấy dê từ trang trại trả lại cho 3 hộ nghèo.

Cháu ruột Bí thư Huyện uỷ là “hộ nghèo”
 
Ngày 13.1, cả 3 hộ nghèo đã có danh sách mới được nhận dê. Anh Đinh Văn Cảnh (thôn Đồng Thành 2) xác nhận, ngày 13.1, anh được Phó Chủ tịch UBND xã gọi về nhận 4 con dê cái. Thực tế tại chuồng, 4 con dê này vẫn còn được đeo số từ 091 - 094.
 

Trang trại của Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành. Ảnh: XUÂN HÙNG

Anh Cảnh nói: “Được dê, gia đình tôi rất phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp ngành. Gia đình tôi không có đủ tiền để mua cùng lúc 4 con dê như thế”. Chị Bùi Thị Ngân - vợ anh Cảnh - cho hay, chị sẽ cố gắng chăm sóc cho 4 con dê này thật tốt. “Hy vọng gia đình tôi sẽ thoát nghèo, các con có đủ cái ăn từ 4 con dê này” - chị Ngân cho hay.

Theo điều tra của Lao Động, 3 hộ được “nhận nhầm” dê đều ở trong trang trại của Bí thư Huyện uỷ. Trong đó, hai người là cháu ruột của ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành. Theo đó, anh Đỗ Quang Phê là con anh trai ông Quý, anh Đỗ Văn Thi là con em trai ông Quý.

Anh Nguyễn Văn Quý - cán bộ địa chính xã Thành Yên - thường xuyên ở lại trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý. Cả 3 người ký nhận 12 con dê nêu trên đều không phải hộ nghèo và đặc biệt, theo xác nhận của Công an xã Thành Yên, cả 3 anh này đều không có hộ khẩu ở Thành Yên, không phải người Thành Yên.

Ông Phạm Bích Ngọc - Trưởng trạm Khuyến nông huyện - cho hay, hôm trao nhận dê, ông có biết anh Phê, anh Thi nhận dê, biết họ không phải hộ nghèo, nhưng cũng không rõ họ có phải người Thành Yên không. Khi PV vào trang trại xin làm việc với 3 hộ “nhận nhầm” dê của người nghèo, nhưng đều không được gặp. Người trông coi trang trại tỏ vẻ rất cảnh giác với các nhà báo.
 
Dự án thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015” được ký kết giữa Văn phòng Nông thôn miền núi thuộc Bộ KHCN với UBND huyện Thạch Thành có tổng giá trị 5 tỉ đồng, trong đó vốn sự nghiệp KHCN trung ương 2,4 tỉ đồng; vốn sự nghiệp KHCN tỉnh Thanh Hoá 593 triệu đồng; vốn ngân sách huyện 200 triệu đồng; huy động trong dân 1,8 tỉ đồng.
 
Thời gian thực hiện dự án là 21 tháng, từ tháng 4.2014 đến tháng 12.2015. Theo ông Phạm Bích Ngọc - Trưởng trạm Khuyến nông huyện, Chủ nhiệm dự án - dự kiến sẽ dùng phát triển chăn nuôi, chủ yếu là dê và bò. Đến nay dự án mới ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, tiền mới chuyển về hơn 400 triệu đồng và chưa cung cấp bất kỳ con giống nào cho nhân dân 6 xã thuộc dự án.
 
>> 12 con dê đi nhầm vào nhà Bí thư huyện ủy
Theo Xuân Hùng (Lao Động)