Xã hội

ĐBQH: Tên Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là phản văn hóa

“Tôi cho rằng tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nghe phản văn hóa. Sự tồn tại của rượu, bia cho đến nay như là một trong những di sản lớn nhất, lâu đời nhất của nhân loại mà chúng ta cần phải có thái độ văn hóa”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói.

ĐBQH: Tên Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là phản văn hóa
Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh Đàm Duy).

Ngày 9.11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đọc tờ trình dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội. Đây là dự án Luật lần đầu tiên được trình ra Quốc hội.

Bày tỏ quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông rất ủng hộ việc Chính phủ có một chương trình gì đó để khắc phục hiện tượng đang có chiều hướng tiêu cực vào đời sống xã hội có liên quan tới rượu, bia. “Nhưng ngay từ đầu tôi không tán thành việc đặt tên cho dự án Luật. Cho dù cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có đưa ra ý kiến cho rằng như vậy ngắn gọn. Nhưng theo tôi vấn đề quan trọng là chính xác, đúng nội hàm”, đại biểu Quốc nói.

Đại biểu Quốc nói thêm, ông không biết trên thế giới có bao nhiêu nước lấy tên gọi cho dự án Luật như Ban soạn thảo đã làm. “Cho dù nhiều nước cũng có luật liên quan đến vấn đề rượu, bia nhưng có lẽ không ai dùng khái niệm tác hại của rượu, bia. Tôi vẫn hay hỏi một số đại biểu, Tết Nguyên đán đến anh có dâng chút rượu lên tổ tiên không, khi khách đến chơi nhà có nâng cốc, nâng ly không, chắn chắc là có, những việc như thế không thể đặt vấn đề là tác hại”, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.

Về tên gọi cho dự án Luật này, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) cho biết: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” như tờ trình của Chính phủ.

Các lý do được đưa ra là tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực;  không chỉ bao hàm phạm vi điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác (Nhà nước, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân).

Một số ý kiến đề nghị lấy tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia; có ý kiến đề nghị lấy tên gọi là “Luật Kiểm soát rượu, bia” để điều chỉnh toàn diện các vấn đề về phòng, chống tác hại của rượu, bia; ý kiến khác đề nghị lấy tên là “Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn” để có tính bao quát, dễ áp dụng và hạn chế việc lợi dụng luật.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần tham khảo một số quốc gia, trước một vấn đề tương tự họ thường đưa ra khái niệm là kiểm soát. Kiểm soát đây là Nhà nước kiểm soát, xã hội kiểm soát và tự mỗi người kiểm soát mình.

“Tôi cho rằng tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nghe phản văn hóa. Sự tồn tại của rượu, bia cho đến nay như là một trong những di sản lớn nhất, lâu đời nhất của nhân loại mà chúng ta cần phải có thái độ văn hóa. Văn hóa liên quan tới rượu, bia của chúng ta hiện nay là văn hóa uống, văn hóa sản xuất”, đại biểu Quốc nêu quan điểm.

Vẫn theo đại biểu Quốc, tất cả những số liệu liên quan tới mặt trái của rượu, bia được Ban soạn thảo đưa ra đã rõ nhưng điều quan trọng nhất là vấn đề thực tế của chúng ta. “Thực tế của chúng ta là gì, hiện nay lượng rượu sản xuất thủ công không kiểm soát được, đấy là gốc của vấn đề. Nhìn ở góc độ kinh tế, nếu đưa ra Luật mà “trói chân”, “trói tay” những người sản xuất rượu, bia trong khi đó không ngăn cản được rượu, bia từ nước ngoài tràn vào kể cả hàng lậu thì không có hiệu quả. Đến việc đơn giản hơn rượu, bia là thuốc lá cho dù hiện nay có Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng không thực hiện được, như vậy nhờn Luật. Chính vì thế khi đưa Luật ra phải lường được hiệu ứng và tính hiệu quả”, đại biểu Quốc nói.

Dự án Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 12.11. Chúng tối sẽ tiếp tục phản ánh các ý kiến của đại biểu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ở mức cao và xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.

Cụ thể, năm 2017, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2017, chi phí của người dân Việt Nam cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.

Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

Theo Lương Kết (Dân Việt)