Xã hội

Đâu là sự thật thông tin 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than?

PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, cho rằng con số 4.300 người chết yểu ở Việt Nam mỗi năm do nhiệt điện than là suy diễn, thiếu cơ sở khoa học.

Ngày 13-12, tại hội thảo Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện tại và trong giai đoạn phát triển tới năm 2030, tầm nhìn năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, ông Hưng đánh giá trong thời qua, một số địa phương và người dân chưa được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về vai trò, công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than, do đó đã xảy ra nhiều lo lắng và hoài nghi về công tác môi trường của nhiệt điện than.

Đâu là sự thật thông tin 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới

"Cần có đánh giá đầy đủ, chính xác về nhiệt điện than và môi trường. Từ đó, đề ra các biện pháp bảo đảm vận hành, xây dựng các nhà máy nhiệt điện, cung cấp đầy đủ điện cho đất nước và đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường" - ông Hưng nhấn mạnh.

Trưởng ban Khoa học công nghệ - Môi trường thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tân Bình cũng cho rằng các nhà máy nhiệt điện than nhiều năm nay đã cung cấp điện đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế nhưng không được mấy người nhắc đến, thậm chí bị coi là "tội đồ" khiến nhiều người trong ngành tâm tư.

Theo ông Bình, các nhà máy nhiệt điện của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Trong đó, phải kể đến một số nhà máy đã ứng dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), công nghệ giảm thải carbon ra môi trường, tiêu biểu như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng.

"Các nhà máy điện đầu tư từ những giai đoạn trước, cũng như đang được đầu tư bổ sung hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị, giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu suất các tổ máy"- ông Bình cho hay.

Đâu là sự thật thông tin 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than? - 1
Ông Trương Duy Nghĩa phản biện lại thông tin 4.300 người chết yểu ở Việt Nam do nhiệt điện than

Tại hội thảo, PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, cũng chỉ ra thực tế thời gian qua, nhiều luồng phê phán nhiệt điện than do đốt than nhiều dẫn đến nguồn phát thải lớn, thải ra nhiều tro xỉ và khí độc hại như SO2, Nox...

Ông Nghĩa cũng dẫn chứng nghiên cứu của Đại học Havard (Mỹ) công bố mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than, tới 2030, khi nhiệt điện than đạt 300 tỉ kWh thì số người chết yểu sẽ là 17.500 người.

"Thông tin này khiến cộng đồng dân cư khiếp sợ nhiệt điện than. Tuy nhiên, đây là chỉ sự suy diễn không có cơ sở khoa học" - ông Nghĩa nhấn mạnh. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới có nhiệt điện than lớn hơn Việt Nam, như với Úc có nhiệt điện than gấp 22 lần, Đức gấp 15 lần, Hàn Quốc gấp 12 lần và đặc biệt Trung Quốc gấp 185 lần.

Theo đại diện EVN, các nhà máy điện than chiếm 35,06% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó EVN quản lý 12 nhà máy nhiệt điện than của EVN có tổng công suất đặt là 9.585MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống.

Các nhà máy nhiệt điện than của EVN sử dụng các loại than Antraxit nội địa hoặc than Bitum, subbtitum nhập khẩu. 

Theo Minh Chiến (Dân Việt)