Xã hội

"Dân bức xúc vì rẽ đường nào cũng dính BOT"

"Chúng ta cứ nói người dân không thích đi đường BOT thì đi đường cũ. Nhưng rẽ ngã, đường nào cũng 'dính' vào BOT nên dân rất bức xúc" - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco nói.

"Chúng ta cứ nói người dân không thích đi đường BOT thì đi đường cũ. Nhưng rẽ ngã, đường nào cũng 'dính' vào BOT nên dân rất bức xúc" - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, quá trình triển khai các dự án BOT đã xuất hiện nhiều trạm thu phí bất hợp lý như trạm tại Quốc lộ 5, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm Bắc đèo Hải Vân, trạm thu phí Long Xuyên - Cần Thơ... Các trạm này khiến hoạt động giao thông bất cập và dư luận xã hội bức xúc.

Cần công khai việc thu phí

Ông Thanh cũng chỉ ra, các trạm thu phí quá gần nhau, manh mún như tuyến Hà Nội - Thái Binh chỉ 100 km mà có tới 4 trạm thu phí. Có một số tuyến đường phí chồng phí. 

"Tình trạng tình phí đường cao hơn cả xăng dầu làm đảo lộn giao thông vận tải. Đi Hà Nội - Thái Bình chưa hết 150.000 đồng tiền xăng nhưng đã mất 150.000 đồng phí" - ông Thanh gay gắt.

Ông Thanh cũng chỉ ra câu chuyện các nhà đầu tư khi tiến thành "thu phí thì tắc mà thả thì tiếc". Điển hình như Pháp Vân – Cầu Giẽ, theo quy định của Bộ GTVT nếu ùn tắc 1 km trở lên để mở cửa cho xe đi qua nhưng không ai giám sát các trạm thu phí vẫn hoạt động gây bức xúc cho nhà vận tải.

Từ những bất cập nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô kiến nghị Bộ GTVT nhanh chóng khắc phục các bất cập và công khai minh bạch các trạm thu phí BOT.

"Cần làm biển thật to công khai tên chủ đầu tư, tổng mức đầu tư được kiểm toán chính xác, lý trình và mức thu phí, lộ trình thu phí, thời hạn thu phí ra sao. Công khai để cho người dân giám sát, người sử dụng đường giám sát. Thời Bộ trưởng Đinh La Thăng tôi đã kiến nghị, đồng chí đã đồng ý nhưng tới giờ chưa thấy triển khai" - ông Nguyễn Văn Thanh nói.

'Dan buc xuc vi re duong nao cung dinh BOT' hinh anh 1

Hành trình từ Hà Nội tới Thái Bình chỉ với 100 km đường nhưng có tới 4 trạm thu phí bủa vây. Ảnh: Cao Vinh.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng áp dụng thu phí không dừng và các đơn vị cần dừng thi phí khi đường xuống cấp, cần phải bảo trì.  "Anh để mặt đường xuống cấp, anh không thể thu phí, không thể bắt dân chịu đường xấu".

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco cho hay, trong bối cảnh hiện tại, đầu tư vào giao thông thu được lợi nhuận rất hạn chế nhưng đôi khi nhà đầu tư bị áp lực từ dư luận xã hội rất lớn, bị đối xử như...tội đồ.

"Tuy nhiên từ vị trí của một người dân tôi thấy rất nên phải rà soát lại các dự án BOT giao thông, tạo điều kiện và lựa chọn tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Dũng cho biết thêm.

'Dan buc xuc vi re duong nao cung dinh BOT' hinh anh 2
Mặc dù là đại diện doanh nghiệp đầu tư BOT, nhưng ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco cũng thấy bức xúc vì "lưới BOT" bủa vây người dân. Ảnh: Công Khanh. 

“Chúng ta cứ nói người dân không thích đi đường BOT thì đi đường cũ. Nhưng rẽ ngã, đường nào cũng 'dính' vào BOT nên dân rất bức xúc. Do vậy phải quy hoạch lại các trạm BOT thật hợp lý để người dân có sự lựa chọn...”, ông Dũng nói.

Trạm thu phí bất hợp lý gây bức xúc trong dân

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, 5 năm qua thực hiện chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), cùng với vốn ngân sách, ODA, Chính phủ giao và Bộ GTVT đã huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, chủ yếu là theo hình thức BOT, BT. Việc này đã tăng thêm hình thức đầu tư, tạo sự thay đổi nhanh chóng diện mạo GTVT của đất nước.

Phó thủ tướng chỉ ra rằng, mặc dù chất lượng hạ tầng giao thông được nâng lên song vẫn còn không ít công trình chất lượng thấp, bị hằn lún, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người và phương tiện nên gây không ít bức xúc cho người dân.

"Việc bố trí một số trạm thu phí chưa hợp lý, huy động vốn đầu tư BOT chủ yếu doanh nghiệp trong nước, gây bức xúc cho người dân…." - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Dũng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ GTVT phải rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và phát triển chung của đất nước; tham mưu và xây dựng cơ chế chính sách đầy đủ, ổn định và minh bạch nâng cao, năng lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, bao gồm cả cơ chế, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; chính sách đối với thu phí …

'Dan buc xuc vi re duong nao cung dinh BOT' hinh anh 3
Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Bình chỉ hơn 100 km nhưng có tới 4 trạm thu phí. Nguồn: Google maps.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện có 56 trạm thu phí, trong đó có 12 trạm thu phí thu phí theo thông tư 90, 44 trạm thu phí thu phí theo các thông tư đã ban hành. Căn cứ vào hợp đồng, Bộ GTVT đã ký với Nhà đầu tư, trong đó có quy định mức thu phí với Nhà đầu tư, Bộ GTVT chủ trì và đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Mai cho rằng, thời gian qua, các dự án PPP còn một số tồn tại, hạn chế, chính những hạn chế này cần phải nhìn nhận, đánh giá để có hướng giải quyết.

Theo bà cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất về mức phí, hai Bộ cũng đã làm việc với nhau, dự kiến trong tháng 6/2016 sẽ báo cáo Chính phủ, để sớm thực hiện điều chỉnh mức phí cho phù hợp.

Nữ Thứ trưởng đề nghị, khi chuẩn bị dự án dầu tư, các dụ án PPP phải được xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị và người dân. Việc này nhằm để các cấp, các ngành và người dân thấy sự cần thiết đầu tư dự án, tạo sự đồng thuận, thống nhất, tránh tình trạng sau khu dự án hoàn thành, người dân không đồng tình, gây dư luận không tốt.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ (Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm) cùng 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc. Trong số các trạm thu phí trên quốc lộ, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.

Theo Công Khanh (Zing.vn)