Xã hội

Đại biểu Quốc hội: "Nên cấm tuyệt đối việc chặt cây"

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, giáo lý của đạo Phật nghiêm cấm việc chặt cây xanh và coi việc này cũng là sát sinh.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, giáo lý của đạo Phật nghiêm cấm việc chặt cây xanh và coi việc này cũng là sát sinh.

“Mấy hôm nay chúng ta thấy nhiệt độ ngoài trời và trong bóng cây khác nhau thế nào, đó chính là tác dụng lớn của cây xanh”, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nói và cho hay người dân đang rất quan tâm đến chương trình trồng một triệu cây xanh của Thủ đô.

dai-bieu-quoc-hoi-nen-cam-tuyet-doi-viec-chat-cay

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, mỗi người trồng một cây, thì các khu đô thị, cao ốc đều phủ màu xanh của cây cối. Và như vậy Việt Nam không chỉ có rừng đặc dụng, rừng sản xuất mà rừng còn có thể được trồng ngay trong các khu đô thị, khu đân cư.

“Nhân đây chúng tôi cũng xin thưa, giáo lý của đạo Phật là nghiêm cấm việc chặt cây. Chặt cây cũng bị coi là sát sinh. Lời di chúc của Đức Phật trước khi rời cõi đời này là không được chặt cây cối, phá hoại núi rừng. Cây cối cho ta sự sống, che mát, nên cấm tuyệt đối việc chặt cây”, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nêu và bày tỏ mong muốn tất cả mọi người đều phải bảo vệ môi trường và phát động trồng cây.

Giữ rừng phải dựa vào dân

Phó tư lệnh quân khu 2, Thiếu tường Sùng Thìn Cò cho rằng “trồng rừng là dân, phá rừng cũng là dân”, do vậy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Theo ông, ở Hà Giang trước đây có những loại cây rừng như nghiến, đinh, thông đá… toàn là gỗ quý, "nhưng dân mình không giữ được, phá hết". Với các khu vực rừng đặc dụng, theo quy định pháp luật thì không được bố trí dân cư ở gần. Nhưng vùng núi cao, người đông, đất ít. Trên núi nhiều đá, người dân không ở được, mà khu vực rừng đặc dụng thì "có một chút đất", và thực tế ở đây là "không ai bỏ cuộc sống được, ai cũng phải kiếm kế sinh nhai".

Dẫn câu chuyện từ thực tế của Hà Giang, có những thời điểm người dân vác một khúc gỗ đi bán là mua được cái điện thoại 1-2 triệu, ông Sùng Thìn Cò nói việc mua bán này khuyến khích người dân phá rừng.

“Tôi tham mưu cho Chủ tịch, Bí thư thành lập các tổ công tác gồm biên phòng kiểm lâm, dân quân đi chốt giữ và vận động bà con. Thế mới hạn chế được. Không dựa vào dân thì không giữ được”, ông nói.

Theo tướng Cò, khi ông lấy kinh phí tuyên truyền để mua bò, trâu, lợn, tổ chức ăn uống, hội nghị đoàn kết quân – dân và "từ trẻ tới già đều đến dự hết”.

“Rồi tuyên bố đoàn kết, biểu quyết từ nay không phá rừng. Thế là dân rất khoái. Tôi nói là rừng Hà Giang đến giờ giữ được”, tướng Cò nhấn mạnh.

Cũng theo Phó tư lệnh quân khu 2, để bảo vệ những cây gỗ Nghiến to phải đánh số thứ tự, giao cho dân, kiểm tra định kỳ và để dân quản lý.

“Đất nước mình nhỏ bé, mật độ dân số thuộc loại đông trên thế giới, do vậy phải có các giải pháp cụ thể chứ không nên chỉ hô khẩu hiệu”, tướng Cò nói.

Cháy rừng Sóc Sơn là bài học đau xót

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong những ngày nắng nóng vừa qua, rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội) bị cháy là bài học đau xót. Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận định, đây là vu việc nghiêm trọng và nếu rừng bị mất không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống mà còn có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)