Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Giật mình với dự án 72 tỷ 'nở' lên gần 2.600 tỷ ở Ninh Bình

Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng.

Chiều 28/5, trong phiên thảo luận của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, nhiều đại biểu đã tranh luận về dự án nạo vét, xây kè, bào tồn cảnh quan sông Sào Khê ở Ninh Bình.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự án này bắt đầu từ năm 2011 và đến nay đã điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương nhận xét, khi trả lời về những dự án chậm tiến độ, đội vốn, cán bộ thường dùng “thì hiện tại tiếp diễn kéo dài”, ví dụ “chúng tôi đang thúc đẩy tiến độ…” nhưng không biết tới bao giờ mới xong.

Đại biểu Quốc hội: Giật mình với dự án 72 tỷ 'nở' lên gần 2.600 tỷ ở Ninh Bình
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương. Ảnh: QH

“Thế giới khó tìm ra loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy. Việt Nam lại có không ít dự án tương tự, toàn là trăm tỷ, nghìn tỷ cả. Tôi lo lắng không biết Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào?”, ông Trí chia sẻ sự day dứt.

Đại biểu Hà Nội nói thêm, kinh tế Việt Nam khởi sắc nhưng thực tế thu không đủ bù chi, bội chi nhiều năm, tình hình chung còn nhiều khó khăn, trong khi nhiều gia đình 5 thành viên phải ăn những bữa cơm 15.000 đồng thì "vẫn có những dự án lãng phí tới cả nghìn tỷ đồng".

"Chính phủ cần xem xét thật thấu đáo vấn đề này", ông Trí nói.

Nguyên Viện trưởng huyết học vừa dứt lời, ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã bấm nút xin tranh luận. Theo ông, không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là "có mờ ám".

Giải trình rõ hơn về dự án nạo vét sông Sào Khê, ông Phương cho hay, dự án này có mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh so với ban đầu. Với 4 mục tiêu sau điều chỉnh, gồm nhằm đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thuỷ và phát triển du lịch Ninh Bình, nên số vốn làm dự án tăng từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ.

Tuy nhiên, vốn Nhà nước bỏ ra làm dự án này chỉ hơn 1.400 tỷ, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hoá.

"Với dự án có ý nghĩa lớn với cho sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý", ông Phương nói.Các đại biểu tranh luận về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình)

Các đại biểu tranh luận về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình)

Không đồng tình với phần “nói lại” của đại biểu đến từ Ninh Bình, ông Trương Trọng Nghĩa bấm nút phát biểu: Dự án đầu tư mà đội vốn tới 36 lần nghĩa là không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ thanh tra dự án này, "nếu có hiệu quả thì khen thưởng, còn sai phạm thì xử lý, để cử tri thấy minh bạch, hiệu quả, tỉnh cũng đỡ phải ý kiến, giải trình".

Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Anh Trí cho hay, bản thân muốn nhấn mạnh tới hiện tượng dự án đầu tư "đầu chuột đuôi voi", khi xin dự án thì "chỉ xin nhỏ nhỏ, bé bé, sau cứ nở dần, nở dần".

"Quốc hội hàng năm thông qua ngân sách chi tiêu rồi, vậy lấy tiền đâu ra bù vào những dự án nở thêm như vậy?", ông Trí nêu câu hỏi.

Ngoài ra, ông Trí cho rằng, 1.400 tỷ đồng của Nhà nước cũng là lớn, "tỉnh nên xin làm một dự án khác, hơn là làm một dự án mà nợ quá nhiều".

Nguyên giám đốc Viện huyết học truyền máu Trung ương nói thêm, "người dân ở vùng núi phía Bắc, ở Tây Nam đời sống còn rất khó khăn, tới nỗi không có cơm ăn, họ phải di dân; nước ta cũng đang có hàng nghìn người mang mầm bệnh và chỉ cần 1.000 tỷ đồng thôi sẽ cải thiện được giống nòi, nhưng chúng tôi không dám xin và xin cũng không được".

"Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi"

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể dành 10 phút giải trình trước Quốc hội đề cập tới vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông.

Ông nhấn mạnh chủ trương cổ phần hoá là "đúng đắn, buộc phải thực hiện và nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả cao".

Theo ông, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi, năng lực tài chính tốt hơn. Theo thống kê, giai đoạn 2011 – 2016, 18 tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần ghi nhận doanh thu tăng 15%, lãi sau thuế tăng 194% (bình quân mỗi năm tăng trên 40%); thu nhập người lao động tăng 32% trong 4 năm.

Giai đoạn này có 137 doanh nghiệp ngành giao thông được cổ phần hoá, vượt 67 đơn vị so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Các doanh nghiệp này khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao, thu về hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 600 tỷ so với định giá ban đầu (2.153 tỷ đồng).

"Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều hoạt động hiệu quả, ngày càng tốt hơn. Bộ Giao thông chủ trương những lĩnh vực nào tư nhân làm được, làm tốt thì cần đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, chỉ giữ lại những lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng", ông nói.

Đại biểu Quốc hội: Giật mình với dự án 72 tỷ 'nở' lên gần 2.600 tỷ ở Ninh Bình - 1
Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Trường Phong

Tranh luận với Bộ trưởng Giao thông, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, nhắc lại vấn đề ông đã nêu ra tại kỳ họp thứ 3 (tháng 7/2017) nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để. Đó là việc cổ phần hoá một tổng công ty lớn của ngành giao thông, với rất nhiều đơn vị thành viên cũng như tài sản Nhà nước, nhưng chỉ được định giá 327 tỷ đồng, "nghĩa là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội".

Theo ông Nhưỡng, sau khi công dân có đơn thư tố cáo sự việc trên, đến nay kết luận giải quyết tố cáo “làm người ta rất bất bình”.

Trường hợp thứ hai được đại biểu dẫn chứng là việc cổ phần hoá một doanh nghiệp lớn khác trong ngành giao thông, khiến "cử tri đang làm ở đó không biết công ty được cổ phần hoá lúc nào, thực tế sau cổ phần hoá, doanh nghiệp phải thuê lại tài sản của chính công ty đã được cổ phần hoá với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm".

“Tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc cổ phần hoá hai đơn vị trên”, ông Nhưỡng nói.

Phát biểu kết thúc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, qua hai phiên làm việc sáng và chiều đã có 27 đại biểu đăng đàn, 10 ý kiến tranh luận, góp ý vào báo cáo giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

“Không khí phát biểu sôi nổi, sâu sắc”, ông Hiển nói và thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu các góp ý để chỉ đạo hoàn thiện dự thảo nghị quyết về nội dung này.

Theo VnExpress.net