Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Bổ nhiệm thần tốc cán bộ nữ không phải là bình đẳng giới

Trong phiên thảo luận về bình đẳng giới, đại biểu khuyến cáo cần tránh việc bổ nhiệm thần tốc nữ trưởng phòng như ở Thanh Hoá.

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực.

"Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ", ông Dũng nói.

Đại biểu Quốc hội: Bổ nhiệm thần tốc cán bộ nữ không phải là bình đẳng giới
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: Q.H

Thống nhất với đánh giá về kết quả đạt được của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, thực tế vẫn còn tình trạng phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới; trong lĩnh vực chính trị, mặc dù các tỷ lệ có xu hướng tăng nhưng đều chưa đạt chỉ tiêu.

"Nhìn chung, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng, so với nam giới còn khoảng cách rất xa; phụ nữ vẫn chịu gánh nặng “kép” về công việc xã hội và chăm sóc gia đình...", bà Thúy Anh nói.

Đề cập đến việc vừa qua Thanh Hóa đã kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ nữ trưởng phòng thăng tiến thần tốc ở Sở Xây dựng, bà Trần Thị Quốc Khánh - Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường, cho rằng thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiến bộ là cần thiết, nhưng tuyệt đối tránh các trường hợp như nêu trên, vì đó không phải bình đằng giới mà có động cơ khác.

"Việc quy hoạch hot girl, thực hiện không đúng quy trình để bổ nhiệm siêu tốc vào vị trí lãnh đạo cần được xử lý nghiêm minh, nếu không sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm. Đây không chỉ vi phạm pháp luật mà còn coi thường phụ nữ. Từ đó, sẽ tạo ra lối sống thiếu lành mạnh trong cán bộ quản lý, gây tâm lý bất an cho nữ cán bộ trẻ", bà Khánh nói.

Đại biểu Quốc hội: Bổ nhiệm thần tốc cán bộ nữ không phải là bình đẳng giới - 1
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội. Ảnh: Q.H

Việt Nam sẽ thừa 4,3 triệu nam giới

Lo ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đại biểu Lê Thị Yến - tỉnh Phú Thọ, nhấn mạnh, Việt Nam hiện phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Năm 2006 tỷ số này là 109/100, rồi tăng lên rất nhanh, và ước tính trong năm 2017 là 113/100.

Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của văn hóa nho giáo khi muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ, nay lại có xu hướng gia đình ít con, trong khi hệ thống nuôi dưỡng người cao tuổi chưa phát triển, người cao tuổi vẫn mong muốn được ở cùng con trai.

Mong muốn sinh được con trai lại trở nên rất dễ thực hiện khi khoa học, công nghệ y tế phát triển có thể chuẩn đoán sớm giới tính thai nhi và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi một cách dễ dàng.

"Theo dự báo của Quỹ dân số Liên hợp quốc, đến giữa thế kỷ này ở Việt Nam sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành", bà Yến nói và cho biết, tại Ấn Độ, Trung Quốc, nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, phải tìm cô dâu là người nước ngoài sẽ làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, tăng tỷ lệ mại dâm, hiếp dâm.

"Đây là những hậu quả hoàn toàn có thể phòng, tránh được nếu chúng ta có ngay những giải pháp tích cực từ hôm nay", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)