Xã hội

Cứu hộ 2 nạn nhân trong vụ sập hầm vàng trái phép ở Hòa Bình: Khó còn hy vọng sống

Gần 1 tuần giải cứu 2 phu vàng bị mắc kẹt tại hang Cột Cờ (thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), mặc dù lực lượng cứu hộ với hàng trăm người cùng máy móc hoạt động liên tục nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được các nạn nhân…

Cứu hộ 2 nạn nhân trong vụ sập hầm vàng trái phép ở Hòa Bình: Khó còn hy vọng sống
Gần 1 tuần tìm kiếm cứu hộ, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tìm thấy hai phu vàng mắc kẹt. Ảnh: PV

Huy động máy móc và thợ lặn ở các tỉnh lân cận

Đã 6 ngày trôi qua kể từ khi vụ sập hầm ở hang Cột Cờ xảy ra, thân nhân của 2 phu vàng Bùi Văn Thú (SN 1990, thôn Đệt, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) và Trương Công Chánh (SN 1992, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) vẫn không tin đó là sự thật. Bước đầu xác định, khi anh Thú và anh Chánh đang làm việc ở mỏ vàng trái phép trên thì nước từ bờ hồ phía ngoài cửa hang bị vỡ, bịt kín lối ra vào hang.

Ngày 9/11, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại hiện trường, mặc dù đã huy động thêm máy móc thiết bị hỗ trợ từ Phú Thọ và Hòa Bình nhưng lượng bùn đất, cát, sỏi đá trong hang còn quá nhiều khiến cho công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, tính mạng của 2 phu vàng gần như không còn.

Qua quan sát, máy móc đã tiến sâu được vào trong hang, nhưng lượng bùn đá còn rất nhiều cùng với thiếu ánh sáng nên việc cứu hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, hiện vẫn không thể xác định được vị trí của 2 phu vàng. Một cán bộ quân đội tham gia cứu hộ nói: “Chưa biết bao giờ mới tìm được đưa 2 nạn nhân mắc kẹt ra khỏi hang. Nước và đất đá tiếp tục ập vào trong khi chiều sâu của hang ước tính lên đến trên 150m. Ngoài nước mưa mới ập vào thì nước ngấm từ trên núi và hang ở bên cạnh sang khiến việc hút nước rất khó khăn cho công tác cứu hộ”.

Theo ông Quách Tất Liêm - Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, sau khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 người gồm công an, quân đội, dân quân tử vệ tham gia cứu hộ hai nạn nhân mắc kẹt trong hang vàng trái phép. Huyện đã báo cáo, đề nghị tỉnh Hòa Bình hỗ trợ trong công tác cứu hộ. Đồng thời đề nghị cơ quan điều tra tạm giữ hình sự chủ mỏ vàng trái phép là ông Bạch Xuân Hưng (SN 1968, trú tại thôn Vôi, xã Thanh Nông) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điểm nóng khai thác vàng trái phép

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, khu vực hang Cột Cờ (xã Thanh Nông) nơi hai phu vàng đang bị mắc kẹt suốt nhiều ngày qua là điểm nóng về khai thác vàng trái phép. Điều đáng nói, chủ bãi khai thác vàng đã nhiều lần bị cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra và xử phạt nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục khai thác, dẫn đến xảy ra sự việc đau lòng trên.

Ông B.V.P. (người dân xóm Đệt, xã Thanh Nông) cho biết tại địa bàn xã, duy nhất chỉ có anh Bùi Văn Thú (nạn nhân gặp nạn) là người tham gia khai thác vàng tại hang Cột Cờ, còn phần lớn phu vàng đều là những người ở nơi khác đến. “Ở Hoà Bình có người dân Kim Bôi, Lương Sơn đến làm vàng còn không thì toàn ở miền trong lên đây “đầu quân” cho ông Hưng. Hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ cả ngày và đêm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông P. chia sẻ.

Cũng theo ông P., tại xã Thanh Nông, người ta vẫn rỉ tai nhau về việc khu vực xóm Lộng đâu đâu cũng có vàng và trữ lượng vàng lớn nhất là ở hang Cột Cờ. Vì thế cho nên nhiều người bất chấp nguy hiểm, bất chấp phạm pháp để đến khai thác vàng ở đây. “Theo lời kể của một người từng hoạt động trong nhóm làm vàng, có thời điểm ông Hưng “trúng mánh” khi 1 ngày làm được 20kg vàng? Không biết thực hư như nào nhưng sau đó câu chuyện được truyền tai nhau, người tứ xứ đổ đến hang Cột Cờ để làm vàng ngày càng nhiều”, ông P. nhớ lại.

Để phục vụ cho việc khai thác vàng tại hang Cột Cờ, ông Hưng đã điều máy xúc, xe chở vật liệu cũng như phu vàng đến đây làm. Cách hang không xa, ông Hưng dựng một lán trại để phu vàng có thể ăn ngủ tại đây. Điều kiện làm việc hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng vì tin rằng hang có nhiều vàng nên nhiều người vẫn đổ về đây.

“Máy xúc có nhiệm vụ đào đất đổ lên xe chở vật liệu sau đó đưa ra ngoài đập ngăn nước gần đó để những phu vàng khác đãi. Nói là đập ngăn nước nhưng nói chung chỉ được dựng lên tạm bợ. Trong quá trình đang đào đất, làm vàng thì đập này vỡ, nước, bùn đất ập vào cửa hang gây ra tai nạn như vừa qua. Chú Thú là người điều khiển máy xúc, ở sâu bên trong nhất nên khi đập vỡ, chú ấy không thoát ra ngoài được. Hôm đầu tiên cứu nạn, chúng tôi có bắc giàn để vào bên trong và thực sự ngỡ ngàng. Với khối lượng bùn đất ập vào như thế thì người bên trong hang không có 1% cơ hội chạy thoát”, một người thân của nạn nhân cho biết.

Được biết, khu vực hang Cột Cờ là địa điểm mà người dân sống tại địa phương ít khi lui tới, bởi khu vực này khá hoang vu, hẻo lánh, là nơi chủ yếu “vàng tặc” hoạt động nên ít người qua lại. Theo quan sát của phóng viên, con đường đi vào hang Cột Cờ chỉ là đường đất, dốc nguy hiểm và đầy rẫy những ổ trâu, hai bên đường là những rừng keo đang độ lớn nên càng hoang vắng.

Lãnh đạo địa phương nhận trách nhiệm

Liên quan tới việc núp bóng dự án san lấp mặt bằng để khai thác vàng trái phép, ông Bạch Bá Hán – Chủ tịch UBND xã Thanh Nông cho biết, địa phương từng nhiều lần lập đoàn kiểm tra, phát hiện nhiều công nhân, máy xúc, sàng đãi vàng tại mỏ vàng trái phép này. Tuy nhiên, trong thời gian hoàn trả mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân , ông Hưng vẫn tái diễn khai thác vàng trái phép vào ban đêm.

Ông Hán nhận trách nhiệm là người đứng đầu UBND xã Thanh Nông và lý giải: “Do vị trí mỏ vàng xa trung tâm, địa hình hiểm trở nên việc giám sát, phát hiện xử lý gặp khó khăn”.

Ông Quách Tất Liêm – Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cũng nhận trách nhiệm là người đứng đầu UBND huyện Lạc Thủy để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép dẫn đến sự cố 2 phu hàng mắc kẹt. Tuy nhiên, theo ông Liêm, vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ, khi có kết luận thì trách nhiệm cá nhân, tổ chức tới đâu sẽ xử lý tới đó.

Trả lời về việc vì sao công tác cứu hộ chậm trễ, kéo dài tới 6 ngày nhưng không có hiệu quả, ông Quách Tất Liêm - Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho rằng: Hang đá sâu trong lòng núi, có địa hình hiểm trở. Phương tiện máy móc và nhân lực đã được huy động hết sức tuy nhiên công tác cứu hộ không thể nhanh hơn. Nguyên nhân do lượng đất đá, bùn nước quá lớn. Trong khi đó, hang vàng sâu 150m, có mạch nước ngầm. Vách hang là đá tự nhiên nên công tác cứu hộ gặp khó khăn. Địa phương đã liên hệ máy hút bùn đất ở các tỉnh lân cận cũng như huy động thợ lặn bùn để vào bên trong nhằm tìm kiếm, đưa 2 nạn nhân mắc kẹt ra ngoài.

Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)