Xã hội

'Cống nước Quán Thánh không ô nhiễm bằng tư duy, nhận thức len lỏi ở một bộ phận cán bộ'

"Cái cống nước ở Quán Thánh ô nhiễm nhưng nó không ô nhiễm bằng tư duy, nhận thức đang len lỏi trong một bộ phận cán bộ công chức hiện nay", ĐB Nhân nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận sáng nay về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước chưa đạt được mục tiêu, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

"Vẫn còn thái độ vô cảm của cán bộ Nhà nước trước tiếng kêu cứu của người dân", đại biểu Nhân nói.

Dẫn lại vụ cống nước tại 146 Quán Thánh, vị đại biểu này gọi đây như gáo nước dội vào nền hành chính vì dân phục vụ, trong đó hình ảnh cụ già gần 80 tuổi giành giật với cơ quan kiểm tra vỉa hè.

'Cống nước Quán Thánh không ô nhiễm bằng tư duy, nhận thức len lỏi ở một bộ phận cán bộ'
ĐB Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Quochoi.vn

"Cái cống nước ở Quán Thánh ô nhiễm nhưng nó không ô nhiễm bằng tư duy, nhận thức đang len lỏi trong một bộ phận cán bộ công chức hiện nay.

Liệu đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng và người dân đang mong mỏi từ Nhà nước. Câu trả lời là không", ĐB Nhân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nhân, quan trọng nhất trong tinh giản biên chế là nhận thức, tư duy cán bộ có đủ dũng khí bước qua vật cản giống như bước qua cái cống Quán Thánh hay không.

"Cải cách bộ máy hành chính Nhà nước tưởng dễ mà lại quá khó, khó chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm quá lớn thì cần thiết một bàn tay sắt. Phải xác định tăng biên chế, bộ máy là tham nhũng thì mới xử lý rốt ráo được.

Phải sửa chữa ngôi nhà dột từ bên trong. Trong cuộc cải cách này dù phải lấy đá ghè chính chân mình cũng phải làm", đại biểu nêu.

Chưa hài lòng với báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (giai đoạn 2011-2016) của Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Quốc hội phải chỉ rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm cho đúng.

"Trong 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ thì có 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ có Tổng cục còn lại 5 bộ, cơ quan ngang Bộ không có Tổng cục.

5 Bộ không có Tổng cục vẫn hoạt động bình thường như Bộ Xây dựng, Giáo dục và đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ.

Số lượng tổng cục của các Bộ hiện nay là 40. Dưới tổng cục có các cục, vụ, văn phòng, phòng.. Trong bộ máy các Bộ này vừa có văn phòng Bộ, vừa có văn phòng Tổng cục và văn phòng rõ ràng là phục vụ.

Tôi đề nghị Quốc hội nên làm rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm và đã đến lúc Quốc hội mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian trong các Bộ, ngành Trung ương chính là cấp Tổng cục, cấp phòng trong các Vụ, Cục.

Tôi biết rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, không thể cao bằng, bởi một bộ, ngành nhưng dứt khoát phải giảm chứ không thể để nhiều như hiện nay...", ông Cầu nêu.

Cũng theo ông, thực tế hiện nay, vấn đề nhức nhối mà cử tri đặc biệt quan ngại là tình trạng cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, bằng cấp giả, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm, tình trạng trên bảo, dưới không nghe, coi thường kỷ luật, kỷ cương hành chính còn xảy ra ở nhiều nơi.

"Đạo đức công vụ, nghề nghiệp vẫn còn cái gì đó mơ hồ, chưa được quy định cụ thể. Kỷ luật, kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn chậm chạp và khó khăn.

Vì vậy, biện pháp quan trọng cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, khẩn trương đưa ra bộ quy tắc tức là pháp lý hóa đạo đức công vụ, nghề nghiệp. Cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, xấu làm ảnh hưởng đến cơ quan", ông đề xuất.

Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí Thức Trực Tuyến)