Xã hội

Cõng hàng vào nơi mọi phương tiện đều bất lực

Hơn 10 ngày qua người dân vùng lũ ở Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn sống nhờ vào hàng cứu trợ được các lực lượng chức năng lội suối, cắt rừng đưa đến. Khi việc khắc phục thiệt hại sau lũ vẫn đang chồng chất khó khăn thì người dân lại phải nơm nớp lo âu trước thông tin đợt mưa lũ mới có thể lại đổ bộ về đây.

Cõng hàng vào nơi mọi phương tiện đều bất lực
Lực lượng chức năng xuyên rừng mang hàng cứu trợ đến với người dân. Ảnh: Ngọc Hưng

Vượt núi, băng rừng cõng hàng cứu trợ

Cuộc sống của người dân vùng lũ Mường Lát đang hết sức khó khăn. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay sau lũ dữ. Trước những thiệt hại to lớn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ đồng bào. Hơn 49,2 tấn gạo, gần 8.000 thùng mì tôm và nhu yếu phẩm cần thiết tại trung tâm tiếp nhận hàng cứu trợ xã Trung Lý lên trung tâm huyện và phân phối đi các địa phương giúp người dân bước đầu ổn định cuộc sống. Bên cạnh sự chung tay ủng hộ của xã hội, huyện Mường Lát đã xuất kinh phí 1,5 tỷ đồng hỗ trợ mỗi hộ dân bị mất nhà 7 triệu đồng, khi có nguồn kinh phí khác sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm, đồng thời mỗi gia đình có người thiệt mạng do mưa lũ được hỗ trợ 5,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện nay do các điểm sạt lở mới được khắc phục, lòng đường vẫn còn bùn, đất đá nên các phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn. Tỉnh lộ 521E đi các xã Quang Chiểu và Mường Chanh bị sạt lở, ô tô chưa thể đi qua được nên các lực lượng chức năng phải dùng xe máy chở từng bao hàng, thùng mì tôm đến khu vực giáp ranh giữa xã Mường Chanh và xã Quang Chiểu. Từ đây, hàng cứu trợ được người dân, các chiến sĩ công an, bộ đội gùi, vác qua quãng đường sạt lở, thậm chí lội qua suối chảy xiết để đưa đến các bản. Công tác cứu trợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đã hơn 10 ngày qua, xã biên giới Mường Chanh vẫn bị chia cắt. Mường Chanh có 800 hộ, với khoảng hơn 3.500 dân, nằm cách thị trấn Mường Lát hơn 30km là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ gây ra với một người chết, 24 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 47 hộ dân phải sơ tán, đường bị sạt lở khắp nơi. Từ Quang Chiểu để lên được xã Mường Chanh với quãng đường 7km phải đi bằng nhiều cách. 2km đầu, nếu là tay lái khỏe mới có thể di chuyển bằng xe máy, nhiều đoạn phải đi bộ. Tuy nhiên, khi đến tràn Na Chừa thì những chiếc xe máy trở nên vô dụng. Bỏ xe lại bên suối Sim, lên bè mảng túm dây để băng qua dòng nước xiết. Bè mảng này chỉ dành riêng cho thanh niên trai trẻ, còn người già, trẻ nhỏ thì tuyệt đối cấm. Dù không còn tung bọt trắng xoá, hung dữ như một vài hôm trước đó nhưng dòng nước vẫn còn chảy xiết, phải có sức khỏe mới có thể bám mảng qua được.

Cõng hàng vào nơi mọi phương tiện đều bất lực - 1
Người dân nhận hàng cứu trợ.

Qua bên kia suối Sim, để vào được trung tâm xã còn khoảng 5km. Không còn xe máy, gọi hỗ trợ từ cán bộ xã cũng là điều không thể vì ở đây dù có xe, có người nhưng nguồn nhiên liệu xăng dầu gần như đã cạn kiệt. Lại tiếp tục phải đi bộ, leo núi, vượt suối, có khi đi, có lúc phải bò trườn cốt sao qua được những đống bùn đất còn nhầy nhụa, hôi tanh mùi xác động vật.

Người dân bản Ngố (xã Mường Chanh) còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại buổi chiều định mệnh khiến họ không còn nhà, còn cửa. Sau tiếng động lớn, hàng nghìn khối đất đá ầm ầm như thác đổ từ trên đỉnh núi tràn xuống. Đất đá đổ đến đâu, màu xanh của cây cối bị vùi đến đấy. Dưới chân núi, mọi người chạy nhốn nháo. Trai trẻ cõng bà già, vợ bế con thơ chạy thục mạng thoát ra khỏi dòng thác đất đang đổ.

Anh Vi Văn Sướng (ở bản Ngố) vẫn chưa hết hoảng sợ kể lại: “Lúc đó tôi cũng như mẹ già, con trẻ chỉ biết chạy là chạy, có kịp bấu víu mang theo gì đâu. Tất cả mọi đồ đạc, tài sản cùng thóc lúa, tiền bạc đều đã bị cuốn trôi. Những ngày qua, may có hàng cứu trợ nên chúng tôi mới có mì tôm, bát cơm để ăn”

Ông Lê Thế Thọ - Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết: “Lũ dữ kèm sạt lở đã khiến cho Mường Chanh thiệt hại nghiêm trọng. Đập Na Chừa qua suối Sim bị cuốn trôi, chia cắt và cô lập Mường Chanh. Trong đó bản Ngố chịu thiệt hại nặng nề nhất với 12 hộ có nhà bị sập đổ phải đi sống nhờ. Mường Chanh hiện vẫn còn bị chia cắt, mọi vấn đề từ nhu yếu phẩm, lương thực cho đến xăng dầu đều khan hiếm. Đến thời điểm này, xã đã nhận được hơn 5 tạ gạo, 200 thùng mì tôm đầu tiên và đã tiếp tế cho bà con. Bộ đội, công an và dân quân đang làm tạm một cây cầu bằng luồng cho người dân đi lại qua suối”.

Nguy cơ lũ chồng lũ

Cõng hàng vào nơi mọi phương tiện đều bất lực - 2
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Người dân Mường Lát chưa kịp hoàng hồn sau những gì vừa mới trải qua thì tin tức cơn bão số 5 và siêu bão Mangkhut đang tiến vào Biển Đông lại khiến người dân Mường Lát bồn chồn, lo sợ. Hàng ngàn khối đất đá từ trên cao đã ngấm đủ nước, có thể đổ sập bất cứ lúc nào mỗi khi trời mưa. Nguy cơ lũ chồng lũ khiến cho mảnh đất tận cùng miền Tây xứ Thanh chịu tận cùng nỗi đau, đời sống nhân dân đã khó lại càng thêm lao đao.

Bà Hà Thị Tưởng (70 tuổi, ở bản Poọng, xã Tam Chung) nghẹn ngào: “Hiện gia đình tôi và cả bản đang sống trong các cơ sở công cộng. Lũ đến cuốn trôi tất cả, mọi người may chạy thoát thân. Những lúc hoạn nạn như thế này mới thấy hết tình người, những ngày qua là những ngày khó khăn nhất đối với người dân trong bản, từng gói mì tôm, cái áo, những nhu yếu phẩm mà chúng tôi nhận được cảm thấy ấm lòng lắm. Nghe đài báo lại sắp có bão khiến mọi người lại càng hoang mang, lo lắng. Cứ như thế này, biết lúc nào chúng tôi mới có thể quay lại bản, ổn định cuộc sống?”.

Mọi công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ người dân được huyện Mường Lát tiến hành khẩn trương trong cuộc chạy đua với thời gian. Từng thùng mì tôm, những bữa cơm cứu trợ tại nơi sơ tán đã làm ấm lòng người dân vùng lũ, vơi đi những nhọc nhằn trên gương mặt người dân nơi đây vốn đã chịu nhiều khổ cực.

Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Hiện, tuyến Quốc lộ 15C cơ bản thông tuyến tạm thời và không còn bị cô lập. Nhiều chuyến hàng cứu trợ đã được đưa đến huyện. Tuy nhiên, giao thông về các xã và các bản làng còn rất nhiều khó khăn. Hiện còn bản Ón (xã Tam Chung) chưa thể đi xe máy vào. Tuyến đường lên xã Mường Chanh đang được khắc phục cả ngày lẫn đêm để sớm thông tuyến. Mường Lát đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Những thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua mới khắc phục được một phần rất nhỏ, giờ lại xuất hiện cùng lúc 2 cơn bão, Mường Lát lại phải gồng mình chống trọi”.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5 và siêu bão Mangkhut, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các công ty khai thác công trình thủy lợi, điện lực, chủ các hồ chứa thủy điện, theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống. Trong đó, các huyện miền núi chỉ đạo các tổ xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt lưu ý những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển báo, tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm tra, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực bị sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.

Theo Ngọc Hưng (Giadinh.net.vn)