Xã hội

"Công an, bác sĩ phải là người bảo vệ đối tượng bán dâm"

"Người hoạt động mại dâm phải dựa được vào cơ quan quản lý, công an phải là người bảo vệ họ".

 
"Người hoạt động mại dâm phải dựa được vào cơ quan quản lý, công an phải là người bảo vệ họ".

Thứ trưởng Đàm cho rằng, rất nhiều năm nay Việt Nam có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống mại dâm, tuy nhiên mại dâm vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp. Việt Nam coi mại dâm là một hành vi không chấp nhận được, vi phạm đến truyền thống đạo đức văn hóa của dân tộc.

“Vấn đề đặt ra là giờ làm sao để chúng ta không chấp nhận, không khuyến khích nhưng lại tìm ra được giải pháp để hạn chế tình trạng mua bán dâm đang diễn biến phức tạp. Đồng thời phải có giải pháp hỗ trợ người bán dâm, đảm bảo quyền con người cho họ” - ông Đàm nói.

Người bán dâm gặp rất nhiều rủi ro về sức khoẻ, tính mạng nhưng không được bảo vệ (ảnh minh hoạ).

Nói về việc Việt Nam liệu có phi hình sự mại dâm hay không, ông Đàm cho hay: “Việc này cần phải nghiên cứu thêm từ kinh nghiệm của các nước, bởi muốn thực hiện điều này cần phải có bằng chứng. Quan trọng nhất, điều đó phải phù hợp với quan điểm, xã hội Việt Nam”.

Theo tiến sĩ Annette Nesdale - chuyên gia y tế của New Zealand, nước họ có nhiều thành công trong việc hỗ trợ người hoạt động mại dâm, dù không công nhận mại dâm là một nghề. Chính cơ quan nhà nước, kể cả là cơ quan công an, hay y tế đều là chỗ dựa đối với người hoạt động mại dâm. Khi người hoạt động mại dâm gặp khó khăn, bị đe dọa về thân thể, sức khỏe… ảnh hưởng quyền con người, thì họ thường tìm đến công an để được bảo vệ. Việc New Zealand áp dụng phi hình sự hóa mại dâm khiến mại dâm không bùng nổ, giảm 46% bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Đàm cho biết, Việt Nam cũng đang muốn học tập New Zealand từ điểm này. Không còn cách nào khác, nếu muốn kiểm soát được họ thì chúng ta phải xích gần tới họ, đừng để họ chạy trốn mình. Bản thân người hoạt động mại dâm phải dựa được vào cơ quan quản lý, công an phải là người bảo vệ họ.

“Hiện nay chúng ta đang có những khác biệt lớn, ví dụ ở New Zealand thì người hoạt động mại dâm có thể dựa vào cảnh sát và nhân viên y tế, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Người bán dâm không dám tìm đến họ để yêu cầu giúp đỡ bởi họ sợ bị bắt, sợ bị lộ thông tin cá nhân. Tất cả những điều này khiến người bán dâm ở Việt Nam sợ công an, sợ nhân viên y tế, thậm chí sợ cả chính quyền” - ông Đàm nói.

Năm 2016 Chính phủ sẽ thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mại dâm. Sau khi trình lấy ý kiến, Ban soạn thảo trình để Bộ LĐTBXH báo cáo Chính phủ. Dự kiến đến năm 2018 trình Quốc hội phê duyệt Luật Phòng, chống mại dâm.

Tại New Zealand, chỉ một số hành vi liên quan tới mại dâm là bị xử lý hình sự như: Chứa chấp hoặc tổ chức quản lý cơ sở mại dâm hoặc sống dựa vào thu nhập từ mại dâm của người khác. Hành vi phi hình sự là: Trả tiền mua dâm, bán dâm.


Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)