Xã hội

Con trai đại tướng Lê Đức Anh nói về 'gia tài đồ sộ' của ba để lại

"Gia tài ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha, nhân hậu", ông Lê Mạnh Hà nói lời đáp từ.

Con trai cố Chủ tịch nước ngậm ngùi nói gia tài của ba ông để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha.

Sáng sớm 3/5, trời Hà Nội đổ cơn mưa nặng hạt. Nhưng khi lễ Quốc tang cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh chuẩn bị bắt đầu, mưa ngớt dần, dòng người xếp hàng vào viếng đại tướng Lê Đức Anh ngày một đông.

Không chỉ ở nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội), ở Hội trường Thống Nhất TP.HCM và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - quê hương của cố Chủ tịch nước, rất đông các đoàn đeo băng tang, đứng nghiêm trang xếp hàng chờ vào viếng.

‘Vĩnh biệt anh Sáu Nam kính mến’

Sau lễ viếng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước lên bục, trang trọng đọc lời điếu văn tiễn biệt vị cố Chủ tịch nước.

“Hôm nay trong niềm tiếc thương vô hạn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng đồng bào, đồng chí, gia đình tổ chức trọng thể lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên cố vấn Ban chấp hành Trung ưởng Đảng về nơi an nghỉ cuối cùng”, người đứng đầu Chính phủ mở đầu lời điếu văn tiễn biệt.

Theo lời điếu văn, đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn, và là người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời sống hiến, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại tướng Lê Đức Anh mất đi là tổn thất to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bề quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã điểm lại quá trình hoạt động cách mạng lẫy lừng của vị tướng tài ba.

Con trai đại tướng Lê Đức Anh nói về 'gia tài đồ sộ' của ba để lại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tiễn biệt cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: Hà Linh.

 Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bí danh là Nguyễn Phú Hòa - Sáu Nam. Ông sớm giác ngộ lý tưởng, tham gia cách mạng từ năm 1937, khi mới 17 tuổi. Chỉ một năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8/1945, ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Ông luôn có mặt ở những địa bàn chiến trường trọng yếu, khó khăn, quyết liệt, kinh qua nhiều vị trí trên chiến trường. Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn vượt qua khó khăn, thể hiện là người chỉ huy mưu trí, dũng cảm.

Là một trong những lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng, dù ở cương vị nào ông cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước, luôn thể hiện các phẩm chất cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư

Cuộc đời binh nghiệp đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với nhiều chiến trường từ Nam ra Bắc, trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Là một trong những lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng, dù ở cương vị nào ông cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước, luôn thể hiện các phẩm chất cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư.

Đối với đồng chí, đồng đội, đại tướng Lê Đức Anh không phân biệt cấp bậc, chức vụ, luôn quan tâm, chia ngọt sẻ bùi, chăm lo cho cán bộ chiến sĩ và thực hiện chế độ chính sách hậu phương quân đội.

Trong gia đình, ông cũng là người mẫu mực, đức độ, giàu tính hy sinh và giàu lòng nhân ái.

Với 99 tuổi đời và hơn 80 năm tuổi Đảng, ông đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. “Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt anh Sáu Nam kính mến”, Thủ tướng kết thúc điếu văn.

‘Chúng con chào ba, ba về bên mẹ và bạn bè thời khói lửa’

Sau lời điếu của Thủ tướng, ông Lê Mạnh Hà, con trai đại tướng Lê Đức Anh thay mặt gia đình có lời đáp từ.

Con trai đại tướng Lê Đức Anh nói về 'gia tài đồ sộ' của ba để lại - 1
Ông Lê Mạnh Hà - con trai đại tướng Lê Đức Anh thay mặt gia đình có lời đáp từ. Ảnh: Hà Linh.

Ông cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, cảm ơn đồng đội, người thân, bạn bè đã ở bên đại tướng Lê Đức Anh trong suốt thời gian qua, và cùng tổ chức lễ tang trọng thể này.

Ông cũng gửi lời cảm ơn những người thầy thuốc đã chăm sóc sức khỏe cha ông trong nhiều năm.

“Thưa ba, ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc kháng chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thực sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi”, con trai đại tướng nói lời đáp từ, giọng nghẹn ngào.

Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba, chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời kỳ khói lửa và thời bình yên

Nói về "gia tài" người cha kính yêu để lại cho con cháu, ông Hà nói đó là một "gia tài thật đồ sộ và quý giá", là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha, nhân hậu.

“Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba, chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời kỳ khói lửa và thời bình yên. Vĩnh biệt ba!”, ông Hà chia sẻ trong trong tiếng nấc nghẹn.

Bên dưới, gia quyến cố Chủ tịch nước và nhiều người dự tang lễ không cầm được nước mắt.

Lễ truy điệu kết thúc, mọi người chậm rãi đi vòng quanh lĩnh cữu cố Chủ tịch nước như muốn cố níu giữ những thời khắc cuối cùng bên ông.

Gia quyến của ông trong những phút giây tiễn biệt đã không thể giấu nổi cảm xúc, nhiều người đàn ông cũng bật khóc.

11h30, đoàn xe đưa linh cữu đại tướng Lê Đức Anh rời khỏi nhà tang lễ Quốc gia để về nơi án tang tại nghĩa trang TP.HCM. Nhiều người dân đứng xếp hàng hai bên đường để từ biệt cố Chủ tịch nước, các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cũng nghiêm trang giơ tay chào vị đại tướng tài ba.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng tháng 5/1938.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá IV, V, VI, VII, VIII; là Bí thư Trung ương Đảng khoá VII.

Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII.

Từ tháng 9/1992-12/1997, ông giữ cương vị Chủ tịch nước. Sau đó, ông giữ vai trò là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4/2001, rồi chính thức nghỉ hưu.

Ông là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX.

Sau một thời gian lâm bệnh, do tuổi cao bệnh nặng, đại tướng đã từ trần hồi 20h10 ngày 22/4 (tức ngày 18/3 năm Kỷ Hợi) tại số nhà 5A Hoàng Diệu, hưởng thọ 99 tuổi.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đại tướng Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)