Xã hội

Cô giáo chủ nhiệm lý giải việc yêu cầu xóa clip nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng dã man

Video: Nữ sinh lớp 9 bị 5 bạn lột quần áo, đánh hội đồng

Cô giáo chủ nhiệm cho rằng, chỉ hướng dẫn các em xóa clip vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng vì cho rằng điều này ảnh hưởng không tốt đến danh dự và tâm lý của nạn nhân.

Trao đổi với PV, bà Hoa Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên), cho biết bản thân chỉ biết đến sự việc vào hôm 23/3, tức là 1 ngày sau khi xảy ra sự việc nữ sinh Nguyễn Thị H.Y. bị bạn đánh hội đồng, lột quần áo ngay trong lớp.

Cô giáo chủ nhiệm lý giải việc yêu cầu xóa clip nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng dã man
Cô giáo Hoa Thị Trang trong buổi làm việc sáng 31/3.

Về việc yêu cầu các học sinh xóa clip nữ sinh Y. bị lột đồ, đánh hội đồng, bà Trang lý giải "nhà trường chỉ hướng dẫn các em xóa clip đi vì cho rằng điều này ảnh hưởng không tốt đến danh dự và tâm lý của em nữ sinh".

Cô giáo này cho biết thêm, đến thứ 7 (23/3) nhà trường vẫn đang trong quá trình điều tra sự việc nên chỉ nhắc nhở các em không nên có những ánh nhìn, lời nói hay cử chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.

Ngoài ra, cô Trang cũng nhắc học sinh khi em H.Y đi học, các bạn cần giữ tinh thần động viên, khích lệ và trò chuyện với bạn.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng cử một nhóm học sinh gần gũi thân thiện đến để động viên tinh thần em H.Y, giúp em hòa nhập với bạn bè trong lớp.

Trong buổi làm việc sáng 31/3, tại trường THCS Phù Ủng, sau khi nghe cô giáo Trang báo cáo, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã hỏi kỹ cô này về trách nhiệm nắm bắt và tìm hiểu trước tình hình của học sinh để chủ động ngăn ngừa hiện tượng bắt nạt.

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, cô giáo Trang cho rằng, với trách nhiệm của mình đã tiếp cận với các học sinh.

Theo cô Trang, bất cứ em nào có biểu hiện lạ đều tìm hiểu nguyên nhân vì sao, có một số em mạnh dạn tâm sự, một số em chưa dám tâm sự với cô giáo, thậm chí về gia đình, bố mẹ là người tiếp xúc với các em thường xuyên hơn cô giáo mà các em còn không tâm sự.

Chính vì vậy, một số sự việc của lớp, đã nắm bắt kịp thời và đã xử lý các em.

"Đối với các em đánh bạn hay có thái độ trong việc học của mình không đúng, chúng tôi cũng tùy mức để đưa ra hình thức kỉ luật.

Ví dụ: Mức độ nhẹ sẽ yêu cầu các em viết bản kiểm điểm và thông báo về cho phụ huynh học sinh.

Cô giáo chủ nhiệm lý giải việc yêu cầu xóa clip nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng dã man - 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm nữ sinh Y.

Mức độ nặng - như lặp lại lần thứ 2, thứ 3 - thì tôi có thể mời phụ huynh lên trường để trao đổi, báo cáo với ban lãnh đạo nhà trường để xin ý kiến kỷ luật của Hội đồng kỷ luật nhà trường hoặc nặng hơn nữa sẽ xin Ban lãnh đạo nhà trường đình chỉ học", cô chủ nhiệm trả lời.

Sau khi nghe lãnh đạo nhà trường, cô giáo báo cáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị phải xử lý nghiêm khắc, không du di, xuê xoa.

“Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu không hoàn thành chức trách nhiệm vụ đề nghị xem xét cho thôi”, Bộ trưởng nêu rõ trong buổi làm việc.

Ông nhấn mạnh thêm, qua nghe báo cáo về sự việc có thể nhận thấy hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động trong nhiệm vụ của mình để nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo.

Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, đến khi có sự cố thì chỉ nghe báo cáo, không xử lí kịp thời.

Với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh.

Nếu có trường hợp cá biệt phải báo cáo kịp thời để có biện pháp hỗ trợ tâm lý, tư vấn. Nhất là đối với những học sinh yếu thế, học sinh cá biệt, các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, qua trao đổi nếu có dấu bất thường phải có biện pháp phối hợp gia đình, phụ huynh để xử lý thích hợp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phải nghiêm khắc xử lý vụ việc. Đây là bài học không chỉ riêng cho ngành giáo dục Hưng Yên mà cho ngành giáo dục cả nước.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)