Xã hội

Chuyện xế hộp đỗ chắn cửa nhà bị gia chủ dùng bút xóa 'trừng phạt' gây tranh cãi trên MXH

Bỗng dưng bị "nhốt" trong nhà của chính mình đương nhiên khiến gia chủ bức xúc. Chủ xe ý thức kém là rõ ràng nhưng việc phản ứng thế nào cho đúng lại đang khiến nhiều người tranh cãi.

Đỗ xe chặn ngang cửa nhà rồi bỏ đi, câu chuyện chẳng hề mới nhưng vẫn luôn khiến người ta phải bức xúc bởi ý thức của một số tài xế. Mới đây, hình ảnh chiếc xế hộp với kính trước và nắp ca-pô chằng chịt "thông điệp chửi bới" được viết bằng bút xóa khiến nhiều người chú ý.

Chuyện xế hộp đỗ chắn cửa nhà bị gia chủ dùng bút xóa 'trừng phạt' gây tranh cãi trên MXH
Chiếc xế hộp đỗ chắn ngang cửa nhà bị gia chủ dùng bút xóa viết đầy lên kính và nắp ca-pô.

Theo thông tin được chia sẻ trên MXH, chiếc xế hộp nói trên được chủ nhân đỗ dưới lòng đường, chặn ngang cửa một nhà dân rồi bỏ đi mất. Bức xúc vì việc đi lại, sinh hoạt bỗng dưng bị cản trở mà chẳng biết chủ xe ở đâu mà tìm, chủ nhà mới dùng bút xóa viết lên xe để "mắng", đồng thời viết luôn số điện thoại lên nắp ca-pô để chủ xe có thể liên lạc nếu muốn.

Bài viết với nội dung "bóc phốt" sau đó được chủ nhà đăng tải lên MXH đã lập thức thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng với rất nhiều lượt tương tác. Câu chuyện "xưa như trái đất" cũng đồng thời dấy lên nhiều tranh cãi. Chủ xe ý thức kém nhưng hành động của chủ nhà liệu có quá đáng?

"Tôi thấy như thế này là còn nhẹ. Thử tưởng tượng sáng ra, cả nhà vội vội, vàng vàng chuẩn bị để đi học, đi làm thì gặp tình huống này, có khác gì nhốt người ta trong nhà không?", bạn K. A. bức xúc.

"Ý thức kém thực sự. Vội việc gì đó hay không tìm được chỗ đỗ xe, thì cũng phải để lại lời nhắn hay gì đó để người ta còn liên hệ. Đỗ thế này mà bỏ đi được, lỡ nhà người ta có việc gấp, cũng phải dùng ô tô để di chuyển thì ra làm sao? Chủ nhà bức xúc cũng là điều dễ hiểu", bạn T. H. bình luận.

Chuyện xế hộp đỗ chắn cửa nhà bị gia chủ dùng bút xóa 'trừng phạt' gây tranh cãi trên MXH - 1
Cụ bà đập xe Mercedes trong một vụ việc xảy ra trước đây, sau đó đã bị cơ quan công an triệu tập làm việc vì hành vi "phá hoại tài sản".

Bên cạnh những chỉ trích dành cho hành động thiếu ý thức của tài xế ô tô, nhiều người cho rằng cách phản ứng của chủ nhà có phần hơi gay gắt quá, làm tổn hại tới tài sản của người khác bởi vết bút xóa không hề dễ tẩy chút nào.

"Đồng ý là bác chủ xe thiếu ý thức thật. Tuy nhiên, người ta cũng chỉ đỗ dưới lòng đường, xung quanh cũng không có biển cấm nên về lý thuyết là không vi phạm gì. Bác chủ nhà làm 'gắt' thế này, có khi lại bị phạt vì làm tổn hại tài sản của người khác đấy", bạn H. Đ. bình luận.

"Không có ý chê trách chủ nhà, chỉ là mình nghĩ dẫu có bực mình cũng nên tìm phương án khác để nhắc nhở. Viết bậy hay đập phá xe người ta như nhiều vụ việc trước đây là không nên, và nhiều chủ nhà còn bị phạt tiền rồi đấy. Biết là bức xúc lắm, nhưng ai sai đã có pháp luật xử lý, đừng tự biến mình từ chỗ đúng thành sai mọi người nhé!", bạn N. T. bình luận.

Việc đỗ xe ở lòng, lề đường không bị xử phạt nếu việc dừng, đỗ này không vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. VD như nơi đỗ xe không thuộc khu vực cấm đỗ, và người điều khiển phương tiện đã thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm theo quy định (nếu cần thiết). Hiện nay, pháp luật không có chế tài xử phạt đối với việc đỗ xe chắn ngang nhà dân, hay kể cả chắn ngang trụ sở cơ quan, tổ chức trong các trường hợp này.

Chủ nhà chỉ có quyền sở hữu bất động sản theo ranh giới nhà của mình. Hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Người dân không được tự ý thực hiện quyền quản lý đối với các khu vực này, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Các hành vi như sơn, vẽ, cạo sơn xe hoặc đập kính, phá gương, chọc lốp hay các hành vi phá hoại lên xe ô tô của người khác nếu làm hư hỏng xe thì phải bồi thường thiệt hại, ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng do thực hiện hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân khi gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi khóa xe của người khác, cũng có thể bị phạt với mức phạt tương tự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167 nêu trên hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm khi chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.

Theo Quang Lê (Helino)