Xã hội

Chuyện tình như cổ tích của chiến sĩ biệt động Sài Gòn

"Biệt động Sài Gòn" là một tác phẩm đặc sắc của điện ảnh Việt Nam. Câu chuyện tình đầy xúc động của nhân vật Tư Chung, người lính biệt động phải sống cuộc sống giả vợ chồng với đồng đội để hợp thức hóa "vỏ bọc" nhưng vẫn một lòng thủy chung son sắt...

"Biệt động Sài Gòn" là một tác phẩm đặc sắc của điện ảnh Việt Nam. Câu chuyện tình đầy xúc động của nhân vật Tư Chung, người lính biệt động phải sống cuộc sống giả vợ chồng với đồng đội để hợp thức hóa "vỏ bọc" nhưng vẫn một lòng thủy chung son sắt đã trở thành bản tình ca đẹp được ái mộ qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, câu chuyện tình của người được cho là nguyên mẫu trong phim - chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai - lại khác khá xa và mới chỉ được chuyển tải một phần trên màn ảnh.
 
Ông Trần Văn Lai quê gốc ở Thái Bình. Năm 1949, ông thuộc quân số của Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài gòn - Chợ Lớn. Sau Hiệp định Geneve, Trần Văn Lai được lệnh ở lại, trở thành cán bộ nằm vùng ở miền Nam.
 

Ông Trần Văn Lai, bà Đặng Thị Thiệp và các con trong ngày đầu sum họp.

Sau này, ông được chuyển về Đơn vị 159 Biệt động thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đích thân Tư lệnh Trần Hải Phụng yêu cầu: "Đồng chí Năm Lai phải lo đủ 3 cái "hóa", đó là nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp pháp hóa". Nhiệm vụ của ông là trinh sát các mục tiêu, báo cáo thường xuyên về Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch, tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn. 

Giúp Năm Lai hợp thức hóa vỏ bọc là cháu gái của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân nổi tiếng - cô Phạm Thị Phan Chính (Phạm Thị Chinh). Đây là nguyên mẫu tạo nên nhân vật Ngọc Mai trong phim "Biệt động Sài Gòn".

Bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai) - người vợ kế của ông Trần Văn Lai và con trai của ông là anh Trần Văn Bình đều khẳng định, ông Lai và bà Chính yêu nhau sâu nặng, trở thành vợ chồng thực sự, hoàn toàn không là vợ chồng giả như trong phim. Bà Chính là Đảng viên từ năm 1947. Thời chống Mỹ, bà được cậu ruột là ông chủ tiệm vàng Phú Xuân đón vào Sài Gòn nuôi, dạy nghề. Thông minh, xinh đẹp và giỏi việc nên bà Chính rất được cậu yêu quý. Bà Chính vừa là cán bộ đoàn thể, vừa là cơ sở vững chắc trong lòng địch. Bà nhận ông Lai là bạn trai, đưa về ra mắt gia đình người cậu. Ban đầu, chỉ là do nhiệm vụ, nhưng tiếp xúc và gắn bó một thời gian, hai người yêu nhau thực sự rồi trở thành vợ chồng.

Vai trò bạn trai và sau này là chồng của bà Chính đã giúp ông Lai rất nhiều trong việc tạo cầu nối, làm quen với các nhân vật có thanh thế trong chính quyền ngụy, rồi trở thành nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập  Mai Hồng Quế. Ông được tổ chức đặt cho mật danh là Năm USOM (U.S.O.M - cơ quan Viện trợ của Mỹ).

Vừa đóng tròn vai nhà thầu, ông vừa lo xây dựng nhà cửa, hầm hố bí mật tìm kiếm, ém giấu vũ khí, đưa đón và nuôi giấu cán bộ lãnh đạo quan trọng từ căn cứ Củ Chi về hoạt động tại nội thành Sài Gòn. Ông đã xây dựng được trên 20 cơ sở bảo đảm có khả năng cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật, hơn 100 quần chúng nòng cốt có thể giao nhiệm vụ...

Nguy hiểm, hy sinh luôn cận kề. Vào năm 1964, địch dự kiến thả hai cán bộ cấp cao của ta là Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc đang bị giam ở Côn Đảo. Điều kiện: phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. Biết rất rõ đây là cái bẫy của địch nhưng bà Chính vẫn nhất định đề nghị được đứng ra nhận bảo lãnh. Sau khi cả hai đồng chí được chuyển ra khu an toàn, bà Chính bị địch bắt. Dù bị tra khảo dữ dội, bà vẫn nhất định chỉ nhận là bảo lãnh hai người họ hàng theo lời dặn dò của mẹ. Sức khỏe yếu, lại bị tra tấn nhiều ngày, năm 1964, bà Chính hy sinh. Ông Trần Văn Lai đã làm bài thơ khóc vợ, trong đó có 2 câu nhắn nhủ, thể hiện quyết tâm như chí nguyện của vợ lúc sinh thời:

Sớm muộn Bắc - Nam thề hiệp một,

Đừng hờn đừng tủi nữa nghe Chinh.

Bà Đặng Thị Thiệp kể, trước khi bà trở thành vợ kế, ông Lai đã đưa bà lên mộ thắp hương cho bà Chính. Đọc những dòng thơ ông viết cho vợ, bà sợ ông để lộ thân phận nên dò hỏi và nhắc nhở nhưng ông gạt đi. Anh Trần Văn Bình cũng cho biết thêm, cha anh từng kể với anh, ông đã suýt bị tổ chức kỷ luật vì bài thơ khóc vợ ấy.
 

Bà Phạm Thị Phan Chính, người vợ đầu tiên của ông Trần Văn Lai.


Hòa bình lập lại, bà Chính đã được công nhận liệt sĩ, được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba và Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Tuy không bi tráng như trong tập phim "Trả lại tên cho em" trong "Biệt động Sài Gòn" nhưng đó là niềm an ủi động viên rất lớn với gia đình, đặc biệt là với cha anh - ông Trần Văn Lai.

Phần bà Đặng Thị Thiệp, năm 1954, bà đã theo cả gia đình tập kết ra Bắc bằng đường bộ. Đến vĩ tuyến 17, tàu hỏa quá đông và vì lời hẹn ước sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà, bà và một số họ hàng ở lại. Trở về quê cũ, các gia đình theo cộng sản bị khủng bố, bắt bớ. Bà Thiệp được gửi lên nhà người quen ở Đà Lạt, sau đó bí mật đưa ra khu căn cứ để ra Bắc. Địch bắn phá ác liệt, chuyến đi bị tạm dừng, đúng lúc ông Trần Văn Lai cũng từ nội thành ra căn cứ. Biết hoàn cảnh, ông đề nghị đưa bà Thiệp trở lại nội thành hỗ trợ ông trong công tác.

Lần đầu tiên gặp gỡ, họ đều không biết mặt nhau. Mọi người đều bịt mặt, chỉ để lộ đôi mắt. Ông đưa bà trở lại Sài Gòn, gửi nhà người quen là một cơ sở. Gia đình người này có một cậu con trai khá nghịch ngợm, thường xuyên bắt nạt bà Thiệp nên bà bỏ trốn sang nhà một người quen khác. Ông lại đi tìm bà về, còn nhắc nhở nếu bà bỏ trốn, ông sẽ phải chịu kỷ luật của tổ chức. Trên đường Võ Di Nguy (đường Nguyện Kiệm, quận Phú Nhuận hiện nay), thấy biển đề bán nhà, ông bảo ghé vào mua nhà cho bà ở tạm. Ông nói với chủ nhà rằng đi mua nhà cho vợ bé vì sợ bà cả ghen. Bà Thiệp cũng không hay biết hai người đang mua nhà để phục vụ xây hầm ém chứa vũ khí, chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Theo thời gian, từ danh nghĩa vợ bé giả, bà nảy sinh tình cảm thật với ông Lai...

Họ chính thức thành vợ thành chồng, nhưng với hàng xóm láng giềng, bà Thiệp vẫn là cô vợ bé đi cướp chồng của người khác. Có muốn, bà cũng không thể thanh minh. Ông rất cẩn thận và cũng rất khéo tay. Dù là vận chuyển thuốc men, tiền bạc hay tài liệu, ông đều tự tay chuẩn bị,  ngụy trang xong mới đưa cho vợ. Có lần, ông khoét đôi dép bà đi, nhét tài liệu vào rồi đố bà tìm ra nhưng chính bà cũng không thể nhìn ra sơ hở.

Sau Tết Mậu Thân 1968, ông Lai bị lộ. Địch đặc biệt treo thưởng giá cao cho ai bắt được chủ thầu Mai Hồng Quế. Ông phải giả trang, trốn tránh khắp nơi. Một thời gian sau, địch vô tình bắt được ông nhưng không phát hiện ra đó chính là chủ thầu khoán Dinh Độc Lập. Chúng dùng đủ mọi cách để tra tấn nhưng ông một mực không khai nhận gì. Đến lúc sức ông suy kiệt, toàn thân phù nề, chúng mới chấp nhận cho bà chạy tiền để đưa ông về chuẩn bị lo hậu sự.

Rất may, nhờ một thầy lang giỏi, bệnh tình của ông thuyên giảm. Khi sức khỏe ổn định, ông lại vượt ra Quảng Ngãi để tìm cách ra Bắc. Tại đây, ông bị địch bắt lần hai, nhưng chúng cũng không khai thác được gì. Bà lại tất tả gom góp tất cả những gì quý giá đem bán, lấy tiền ra miền Trung lo lót cho chồng. Không có chứng cứ, địch không thể khép tội ông nhưng chúng cũng không chịu thả người. Vì vậy, cứ mỗi năm vài ba lần, bà lại gửi con, khăn gói ra thăm chồng.

Anh Trần Văn Bình cho biết, các anh không được biết cha mình là ai. Với ông Lai, mẹ anh chỉ nhận đó là người bác. Ngày ấy, mọi người rất ghét vợ bé nên bà Thiệp và các con thường bị hàng xóm xỉa xói, bị đám trẻ xung quanh bắt nạt. Các con của bà Thiệp và ông Lai đều mang họ của bà. Đã có lúc, anh Bình rất hận cha.

Ngày giải phóng Sài Gòn, thấy mọi người đổ ra đường hò reo, bà Thiệp tính chạy thẳng ra mở cửa để hét lên với mọi người rằng bà không phải là vợ bé, con của bà không phải là con không cha. Cánh cửa vừa xịch mở, ông từ bên ngoài xộc vào, quần áo trên người rách bươm. Theo chân đoàn quân giải phóng, ông vào thẳng Sài Gòn.

Ông sắp xếp để cả gia đình được ra Bắc, về thăm quê nội ngay từ những chuyến tàu đầu tiên. Năm ấy, cả gia đình bà ở lại Thái Bình ăn Tết. Đó là cái Tết đầu tiên có đầy đủ cha con, chồng vợ.
 
>> Tình dang dở của lính Mỹ và các cô gái Việt Nam trong chiến tranh
 
Theo Văn Nghệ Nghệ An