Xã hội

Chuyện ít người biết về nghề... tiễn linh hồn người chết

Bao đời nay, thầy tào là nhân vật vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc vùng cao. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc, thầy tào có nhiệm vụ và khả năng tiễn đưa để linh hồn người chết thanh thản về với cõi âm, không còn vấn vương, quấy nhiễu cõi trần. 

 
Bao đời nay, thầy tào là nhân vật vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc vùng cao. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc, thầy tào có nhiệm vụ và khả năng tiễn đưa để linh hồn người chết thanh thản về với cõi âm, không còn vấn vương, quấy nhiễu cõi trần. Trong các đám tang không thể thiếu thầy tào, một nhân vật có quyền chỉ đạo, quyết định tất cả mọi việc trong tang lễ đó.
 
Chuyện ít người biết về nghề... tiễn linh hồn người chết
 

Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của nhân dân được cải thiện, nâng cao thì nghề làm thầy tào lại càng “có giá” hơn bao giờ hết. Số lượng thầy tào đang hành nghề ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Quyên, Hạ Lang, Trà Lĩnh… có xu hướng tăng so với nhiều năm trước.

Hiện giờ mỗi đám tang chỉ kéo dài trung bình hai ngày, thế nhưng số tiền trả cho thầy tào làm đám tang dao động từ 2-6 triệu đồng (tùy theo từng thầy tào và gia cảnh của tang gia). Hầu hết các thầy tào đều xuất thân từ nông thôn nên thấu hiểu, thông cảm cho gia cảnh của nhà có tang lễ nên cũng nhìn hoàn cảnh mà định giá tiền, thậm chí có không ít thầy tào để cho gia đình họ trả tiền “tùy tâm”.

Sau mỗi đám tang, gia chủ thường phải tạ ơn thầy bằng một lễ gồm: một thủ, một giò, 5 kg thịt vai, đôi gà (một sống, một chín), đôi vịt (một sống, một chín), xôi, rượu và từ hai đến ba triệu đồng tiền mặt. Đấy là đối với thầy tào, còn đối với đội kèn trống, gia chủ cũng phải trả một khoản gần tương đương như thế. Như vậy, thu nhập từ nghề thầy tào cũng khá cao, chưa kể đến các kỳ tết như Rằm tháng bảy, Nguyên đán, người nhà các gia đình đang kỳ chịu tang đều phải đến lễ bằng gà sống, rượu, gạo.

Đây là một trong những quyển vở nhỏ được thầy tào Hựu ghi chép mới lại để tránh bị mai một

Tuy nhiên, để trở thành một thầy tào có uy tín, danh tiếng vang xa và phẩm hàm cao thì không phải ai cũng làm được. Bởi làm nghề thầy tào là phải có tài đức, phương pháp kết nối, chia cắt giữa linh hồn người đã khuất với các cõi, có bùa pháp trừ khử ma tà. Hơn nữa, thầy tào còn là người am hiểu kinh dịch, đặc biệt là phải thông thạo chữ Nho, chữ Nôm…

Thông thường, ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Cao Bằng, các thầy tào xuất thân từ các gia đình, dòng họ theo kiểu cha truyền, con nối hoặc một người nào có cơ duyên thì xin đi làm đệ tử, học trò cho một thầy nào đó đã có uy tín, đẳng cấp cao để theo học. Để được hành nghề, người học trò đó phải được hội đồng thầy tào một vùng nào đó công nhận bằng một nghi lễ cấp sắc thì mới được cộng đồng chấp nhận. 

Ông Nông Văn Mần (64 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), một thầy tào vừa mới làm xong lễ cấp sắc, bắt đầu hành nghề được một năm nay cho biết: “Trong đám tang, thầy tào phải chủ trì hành lễ từ việc phát tang, khâm liệm, lễ tạ ơn, lễ đưa linh, chôn cất… cho đến khi mồ yên mả đẹp. Sau đó, thầy tào còn phải có trách nhiệm với tang gia cho đến lễ mãn tang (giỗ người chết khi tròn 3 năm).

Cách đây gần hai chục năm, một đám tang của người Tày, Nùng kéo dài từ 5-7 ngày đêm mới kết thúc. Vì vậy đã gây tốn kém tiền bạc cho tang gia, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, nhất là thầy tào bởi có những công đoạn như phá ngục, qua sông lửa, cắt âm dương, cắt trùng tang... Nhưng hiện nay thì nhiều công đoạn trên đã được lược bỏ và thời gian tổ chức tang lễ cũng đã rút ngắn chỉ còn 1-2 ngày”.

Mỗi khi rảnh rỗi thầy tào Nông Văn Mần lại mang sách ra ôn ở những nơi yên tĩnh

Nghề thầy tào cũng lắm… gian nan

Một trong những thầy tào có thâm niêm, uy tín và phẩm hàm cao nhất vùng các huyện phía đông bắc tỉnh Cao Bằng là thầy Nông Văn Hựu (65 tuổi). Đến nay, ông đã hành nghề được hơn 40 năm và là sư phụ của thầy tào Nông Văn Mần cùng xóm Bản Khuông.

Sau một hồi trò chuyện về cuộc sống gia đình, thầy tào Hựu bộc bạch tâm sự về chuyện nghề của mình: “Tôi theo nghề này  từ hồi còn trẻ, đến nay đã hơn nửa đời người rồi mà vẫn bận rộn, ít khi ở nhà. Nghề này là phải có khả năng thức đêm, ngủ được khi xung quanh ồn ào, quen rồi mới chịu đựng được. Đã bước vào nghề này rồi mặc dù mệt mỏi, mất ngủ nhưng khi người ta đến nhà đón đi thì không thể từ chối được.

Làm cái nghề này là phải thường xuyên tiếp xúc với người chết, chứng kiến nỗi đau và mất mát của người còn sống đối với người đã khuất. Thời gian đầu mới theo học nghề cũng vất vả lắm, vì phải thông thạo các loại nhạc cụ như trống, chiêng nhỏ, chiêng lớn; cách viết, đọc chữ Nho, chữ Nôm; những loại phù pháp giải bùa, bản lĩnh bước đi trên lưỡi dao sắc bén, thân thể nhảy vào đống gai nhọn hoắt cùng những cách hành lễ khác nhau như đám tang, đám giỗ, giải hạn… Nhiều lắm. Học thành thục từng cái một và kiên trì mới có thể thành công được.

Những bài học thực tế đã khiến cho tôi phải suy nghĩ, rèn luyện bản thân và tự nhủ đã theo cái nghiệp này điều đầu tiên là phải luôn tự tu tâm tích đức, không làm càn, làm ẩu, sống tốt, đặc biệt là phải làm yên lòng được các tang gia sau mỗi cuộc chia lìa, cách biệt âm dương… để không giống như một số thầy tà tâm đã phải trả giá đắt không những cho chính bản thân mà cả con cháu về sau”.

Thầy tào Nông Văn Hựu đang giải thích về những đoạn văn tế trong lễ tang

Mặc dù nghề làm thầy tào cũng gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng những thầy tào như ông Hựu, ông Mần đam mê theo nghề đến cùng. Sự đam mê theo nghề không biết mệt mỏi đó xuất phát từ lòng mong muốn được giúp đỡ cho bà con thôn bản, chứ không phải vì ham mê lợi lộc. Đã có không ít kẻ theo nghề làm thầy tào đi đến những nơi xa xôi hành nghề chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bỏ cuộc hoặc bị đào thải do nhiều lý do khác nhau. Một số do không có năng khiếu, chuyên môn cũng như khả năng chưa đủ nên chỉ được dăm ba tháng lại quay trở về nhà.

Còn những thầy tào có năng khiếu, được truyền dạy đàng hoàng hoặc gia đình có truyền thống làm nghề thầy tào lại không được bà con rước mời vì tham lam, ra giá tiền quá cao trước khi đến lo tang lễ. Những thầy tào này chỉ khi bí bách quá thì họ mới cần đến.

“Nghề này phúc lộc và vất vả đều có cả. Nếu mình lo việc ma chay, tang lễ một cách cẩn thận, tỉ mỉ và đảm bảo về sau nhà họ không có chuyện gì xảy ra liên quan đến tâm linh thì chắc chắn tiếng vang của thầy tào đó sẽ mau chóng loan đi khắp nơi. Ngược lại, thầy tào nào làm cẩu thả, qua loa đại khái và tham lam tiền bạc, của cải không biết thông cảm với gia chủ thì sớm muộn gì cũng bị người dân tẩy chay. Chính vì vậy, mặc dù vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng làm cho bà con chu đáo, chuyên nghiệp theo lời dạy của thầy Hựu dặn dò”- thầy Mần chia sẻ.

Theo Nông Vĩnh – Minh Phượng (Pháp Luật Việt Nam)