Xã hội

Chuyên gia lo ngại dự án lấp sông Tiền xây công viên trái cây

Tỉnh Vĩnh Long không được Tiền Giang thông báo triển khai dự án lấn sông Tiền làm công viên trái cây, nhiều chuyên gia cũng lo ngại dự án này.

Trao đổi với PV ngày 31/10, ông Trần Xuân Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang - cho biết, Sở vừa phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra, khảo sát dự án lấn sông Tiền làm công viên trái cây gần 10 ha ở huyện Cái Bè.

Theo ông Thành, khi làm dự án, chủ đầu tư và địa phương có tham khảo ý kiến của Sở. Khi đó, Sở đồng ý việc triển khai dự án theo tinh thần chung của tỉnh. 

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lưu ý với chủ đầu tư quá trình triển khai công trình phải đảm bảo có giải pháp để không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân", ông Thành nói.

Chuyên gia lo ngại dự án lấp sông Tiền xây công viên trái cây
Dự án lấn sông đã hoàn thành phần kè bêtông khoảng 60 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau khi nhận báo cáo của địa phương, Cục sẽ báo cáo với Bộ xin ý kiến.

Ông Nguyễn Hoàng Thảo - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè, chủ đầu tư dự án - cho biết, sau khoảng nửa năm thi công, dự án xong phần kè bêtông, dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành phần san lấp mặt bằng.

Tổng chi phí dự án khoảng 350 tỷ đồng, bao gồm xây dựng bờ kè 60 tỷ, san lấp mặt bằng 100 tỷ từ ngân sách nhà nước, 50% còn lại kêu gọi đầu tư.

Theo ông Thảo, vị trí xây dựng công trình trước đây là bãi bồi nên khá cạn, lòng sông đoạn rộng nhất khoảng 2 km, trong khi đó phần công trình tính từ bờ ra chỉ 160 m. Hơn 10 hộ dân nằm trong dự án đã được thông báo giải tỏa di dời.

Ba năm trước, khu vực này từng được quy hoạch làm Dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại - dịch vụ cặp sông Tiền khoảng 9 ha, do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư. Năm 2016, UBND Tiền Giang có văn bản điều chỉnh, đổi tên thành Dự án công viên trái cây huyện Cái Bè.

"So với nhiều vị trí khác, nơi này hiện có trạm du lịch hoạt động nhiều năm nay, xây công viên ở đây cũng để lấy các khu vực trồng cây ăn quả lân cận làm vệ tinh phát triển cả vùng", ông Thảo nói.

Khi được hỏi chủ đầu tư có thông báo cho tỉnh Vĩnh Long - địa phương lân cận mà sông Tiền cũng chảy qua - lúc triển khai không, ông Thảo cho biết, do dự án không ảnh hưởng đến tỉnh bạn nên không cần phải thông báo.

Ông Thảo cho biết, Nghị định 18/2015 về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường quy định, dự án trên 10 ha mới cần làm đánh giá tác động môi trường. Dự án công viên trái cây Cái Bè quy mô nhỏ hơn nên chỉ cần làm kế hoạch bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư cũng cho biết hiện nay phần kè bêtông đã xong cơ bản nhưng giữa các đoạn kè vẫn chưa được ghép nối khép kín, nên rất khó ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở cho khu vực cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) như người dân lo ngại. "Chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với người dân", ông Thảo nói.

Trong khi đó, ông Roãn Ngọc Chiến - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long - cho biết, đơn vị không được phía Tiền Giang tham khảo ý kiến hay thông tin về dự án lấn sông.

"Tôi mới biết dự án lấn sông này hai ngày qua. Chúng tôi đang chờ Cục Quản lý tài nguyên nước đánh giá, kết luận xem dòng sông có ảnh hưởng, tác động như thế nào và có hướng xử lý cụ thể", ông Chiến nói.

Chuyên gia lo ngại dự án lấp sông Tiền xây công viên trái cây - 1
Diện tích lấn sông của công trình gần 7 ha. Ảnh: Lê Huyền.

Không chỉ người dân, nhiều chuyên gia lo ngại dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, làm tình trạng sạt lở tăng lên. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long - khẳng định việc lấn sông Tiền chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy.

Dự án nằm ngay khu vực lõm của đoạn sông cong, nên chính công trình này cũng phải gánh chịu áp lực sạt lở chứ không chỉ cù lao Tân Phong. Khi công trình hình thành sẽ gia tăng áp lực phía bên kia bờ của vàm sông Cái Bè (nằm phía hạ lưu sông Tiền), có thể làm tăng sạt lở vị trí này.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng, việc lấn sông Tiền cũng giống như câu chuyện lấn sông Đồng Nai.

"Nhiều người nói rằng nó không có tác động vì sông quá to, nhưng ai cũng lấn ra thì dòng sông không còn. Đây là một hành động rất thiển cận về mặt kinh tế, quy hoạch và sự yếu kém về quản lý nhà nước", tiến sĩ Tứ nói.

Theo ông, luật pháp quy định không được phép can thiệp bất cứ hành động nào vào dòng sông trừ những dự án chỉnh trị sông để chống xói lở được tính toán rất kỹ lưỡng, nhưng phải có đánh giá tác động môi trường. 

"Phía Vĩnh Long vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều từ việc lấp sông của Tiền Giang. Việc làm ở Tiền Giang là một trong những tiền lệ xấu. Địa phương nào cũng nhìn sông là miếng béo bở mà lấp thì không còn sông", tiến sĩ Tứ nói.

"Về mặt khoa học và pháp lý thì không thể nào chấp nhận hành động can thiệp vào lòng sông như dự án này", chuyên gia mạng lưới sông ngòi khẳng định.

Chuyên gia lo ngại dự án lấp sông Tiền xây công viên trái cây - 2
Nhiều chuyên gia lo ngại dự án sẽ làm đảo lộn cuộc sống người dân. Ảnh: Quỳnh Trần.

Dự án lấn sông làm công viên trái cây rộng gần 10 ha, được triển khai tại huyện Cái Bè, Tiền Giang, do UBND tỉnh Tiền Giang cấp phép năm 2016. Trong đó, bờ kè dài 800 m, phần lấn sông rộng gần 7 ha, vị trí xa nhất cách bờ 160 m, ước tính tổng lượng cát để san lấp khoảng trên 430.000 tấn.

Công trình chính 54.000 m2 gồm công viên, vườn cây trồng xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, ổi, bưởi long Cổ Cò, phần còn lại là công viên cây xanh, khu thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe…

Theo Hoàng Nam - Huy Phong (VnExpress.net)