Xã hội

Chủ tịch UBND TP.HCM điểm mặt các ngôi nhà làm xấu TP

"Ngôi nhà đang làm xấu TP là 34 Tôn Đức Thắng kéo dài quá lâu, hiện đang chỉ đạo quyết liệt cho các ngành để xử lý. Khu tháp kim cương ngay trung tâm thương mại quốc tế cũ, cũng kéo dài rất lâu. Cái thứ ba là 8-12 Lê Duẩn" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

"Ngôi nhà đang làm xấu TP là 34 Tôn Đức Thắng kéo dài quá lâu, hiện đang chỉ đạo quyết liệt cho các ngành để xử lý. Khu tháp kim cương ngay trung tâm thương mại quốc tế cũ, cũng kéo dài rất lâu. Cái thứ ba là 8-12 Lê Duẩn" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Cần 500.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng

Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết vấn đề tập trung nhất hiện nay đối với TP là phát triển như thế nào về mặt không gian. Tại khu vực trung tâm TP hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, có nhiều dự án, công trình cần phải tập trung xử lý nhanh.

“Như ngôi nhà đang làm xấu TP là 34 Tôn Đức Thắng kéo dài quá lâu, hiện đang chỉ đạo quyết liệt cho các ngành để xử lý. Khu tháp kim cương ngay trung tâm thương mại quốc tế cũ cũng kéo dài rất lâu. Cái thứ ba là 8-12 Lê Duẩn.

Trong cái quan tâm chung đó, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đó là khu 31 Lê Duẩn, 23 Lê Duẩn và 164 Đồng Khởi” - ông Phong nói.

Ông Phong cho biết tất cả đều liên quan đến chỉnh trang phát triển trung tâm hiện hữu.

“Tôi đã yêu cầu Sở Xây dựng rà lại tất cả dự án, công trình hiện đang xây dựng, cái nào đang dở dang thì tập trung xử lý nhanh, cái nào chưa khởi công thì tập trung xem lại cụ thể, chứ để tình trạng đó rất là không hay tại trung tâm TP” - ông Phong yêu cầu.

Tại buổi gặp, ông Phong cũng cho biết TP đang phát triển không gian ngầm ở công viên ven cảng Bạch Đằng. Hướng phát triển của TP tập trung phát triển các TP vệ tinh, không thể nén dân số bằng xây dựng nhà cao tầng.

Tập trung phát triển TP về phía Nam để xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước; phát triển về phía Tây Bắc với việc xây dựng khu đô thị Tây Bắc; phát triển phía Đông Bắc với dự án khu Thanh Đa; phát triển về phía Đông với khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao và làng đại học Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP.HCM điểm mặt các ngôi nhà làm xấu TP - Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu. Ảnh: TÁ LÂM

“Phát triển đô thị vệ tinh để hạn chế sự dịch chuyển dân cư từ bên ngoài vào và ở đó sẽ xây dựng các trung tâm dịch vụ, mua sắm. Chúng tôi quan tâm đến việc tổ chức xây dựng hệ thống không gian ngầm, trong điều kiện TP không thể mở rộng.

Tôi đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tính toán nhưng không phát triển đơn lẻ sẽ mất tập trung, mà phải phát triển đồng bộ hệ thống không gian ngầm” - ông Phong nói.

Về nguồn vốn quy hoạch đô thị, ông Phong cho biết từ nay đến năm 2020 cần 500.000 tỉ đồng, trong đó 34,8% vốn từ ngân sách TP lo được, còn hơn 60% nhờ vào nguồn lực các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia vào thực hiện các chương trình.

“TP sẽ nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa kêu gọi đầu tư, giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư. Tôi mong các doanh nghiệp chung sức phát triển TP” - ông Phong kêu gọi.

Về rác thải hiện nay, ông Phong cho biết mỗi ngày TP có 7.500-8.000 tấn rác thải, chủ yếu là chôn lấp, công nghệ rất lạc hậu.

Cho nên ông Phong cho biết sẵn sàng mới gọi và tạo điều kiện cho DN đầu tư vào lĩnh vực rác thải nhưng phải áp dụng công nghệ hiện đại. Mời gọi đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Người đứng đầu chính quyền TP cho biết thêm, những lĩnh vực mong DN quan tâm đầu tư là giao thông công cộng, nhất là hệ thống metro, xe buýt nhanh; các bãi đậu xe ngầm để giải quyết bài toán không gian tĩnh cho TP; các dự án giao thông, các lĩnh vực môi trường; việc phát triển đô thị vệ tinh hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ.

Bảy năm trình đề án không xong

Ông Võ Văn Bé, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt cho biết về việc xây lại chung cư cũ sắp sập ở phường 2, quận 10. Ông Bé cho biết đã có đề án từ năm 2010, đến nay bảy năm trình đề án với các sở, ngành của TP nhưng vẫn chưa được thông qua.

Ông Bé cho biết công ty của ông đã đưa phương án rất khả thi: Người dân ở chung cư sắp sập là 30 m2, công ty xây dựng chung cư mới với diện tích 45 m2 giao cho người dân.

“Chúng tôi đề xuất phương án Nhà nước không bỏ tiền. Trên cơ sở quỹ nhà, quỹ đất của người dân chúng tôi đề xuất xây dựng lại mới tiêu chuẩn rộng hơn, hiện đại hơn... giao cho người dân rồi lấy quỹ đất mà dôi dư hoàn vốn cho doanh nghiệp” - ông Bé nói với điều kiện nếu làm phải di dời người dân đi tạm cư và sẽ lấy quỹ đất ở quận 10 diện tích khoảng 2 ha đất trống đề xuất xây dựng 2.000 căn hộ trong bốn năm cho toàn bộ dân phường 2 của quận 10.

Chủ tịch UBND TP.HCM điểm mặt các ngôi nhà làm xấu TP - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Bé. Ảnh: TÁ LÂM

Về đề án này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đề nghị trong tuần tới Sở Xây dựng phối hợp với quận 10 sẽ làm việc với Công ty Thuận Việt để bàn kỹ về phương thức xử lý tốt nhất, báo cáo lên UBND TP để đẩy nhanh dự án.

Ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng Giám đốc Tập đoàn SSG, đề nghị giải pháp, nếu sở hữu 100 m2chung cư cũ thì được nhận 80 m2 chung cư mới với tiện nghi đầy đủ hơn, dịch vụ tốt hơn, có tầng hầm để xe, có thang máy… như thế chúng ta mang lại cho họ một sự an toàn, người dân sẽ ủng hộ.

“Như thế là rất công bằng, nếu được như thế chúng tôi muốn đầu tư ngay” - ông Ninh nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết vấn đề chung cư cũ UBND TP đã quyết rồi, đối với nhà hợp pháp người dân sẽ đổi lại một nhà mới theo tỉ lệ 1/1, chỉ khi diện tích lớn hơn mới trả thêm tiền.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm vấn đề TP cần làm, đó là: UBND TP rà soát quy hoạch về phân vùng và sử dụng đất, có doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia; công khai quy hoạch, kế hoạch các dự án; đẩy mạnh hợp tác công tư tạo nguồn vốn cho TP phát triển.

Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao môi trường đầu tư, phải coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc; sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư và công nghiệp dịch vụ.

Theo Tá Lâm (Pháp Luật TPHCM)