Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: 'Quy định trong vụ đổi 100 USD chưa hợp lý thì phải sửa'

Đề cập vụ "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu", bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng "thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ".

Vào cuối phiên chất vấn trên nghị trường hôm nay thứ ba 30/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, “một ngày làm việc sôi động” khi có tới 36 đại biểu nêu câu hỏi; 23 đại biểu tranh luận; 15 bộ trưởng và hai trưởng ngành là Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng đàn.

Chủ tịch Quốc hội: 'Quy định trong vụ đổi 100 USD chưa hợp lý thì phải sửa'
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Q.H

Trong quá trình hỏi đáp, đề cập tới vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết: "Quyết định khám xét tiệm vàng và xử phạt của Cần Thơ đúng hay sai?".

Thượng tướng Tô Lâm cho biết, ngày 30/1 công an TP Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Lực, với hành vi mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê không có giấy phép.

Từ đó, công an thành phố tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm kim loại màu trắng, đá hột và một số tang vật khác. Ông Lực là chủ nhà không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, không có giấy phép mua bán ngoại tệ

Công an TP Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh vi phạm hành chính và UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt. Hiện Công ty và ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính, không có khiếu nại gì.

Video: Bộ trưởng Công an nói về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu ở Cần Thơ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, vụ việc trên gây bức xúc dư luận; dù có quy định xử phạt, nhưng đây là người dân đi đổi chứ không phải cửa hàng chủ động kinh doanh ngoại tệ. Việc khám xét nhà cũng phải đúng quy định, đúng thời gian.

Theo bà, dù người dân có vi phạm nhưng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, sửa lại quy định xử phạt hành chính cho hợp lý.

"Phạt hành chính mà 6 - 9 tháng sau (kể từ thời điểm khám xét) mới ra quyết định. Bộ Công an, NHNN phải chỉ đạo xem xét vấn đề này; thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ", bà nói.

Hơn 11.700 tội phạm truy nã đang trốn ngoài vòng pháp luật

Dẫn số liệu còn hơn 11.710 tội phạm truy nã đang trốn ngoài vòng pháp luật, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện tim Hà Nội đề nghị "Bộ trưởng Công an cho biết giải pháp nào để giảm mối nguy hại này?".

Bộ trưởng Công an Tô Lâm xác nhận đây là số lượng lớn. "Chúng tôi nhận thức rằng để như vậy sẽ gây hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng kết quả điều tra tội phạm cũng như chưa đảm bảo sự nghiêm minh", Thượng tướng Tô Lâm nói.

Ông cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý dân cư, cư trú, "nắm người, nắm hộ ngay từ cơ sở". Bộ Công an đang cải cách trong quản lý giấy tờ tuỳ thân để không thể làm giả giấy tờ; tăng cường thông tin về tội phạm, trước hết trong lực lượng, khi phát hiện người trốn truy nã thì thông báo rộng rãi.

"Trước đây có lực lượng chuyên trách truy nã nhưng không đủ sức bao quát toàn bộ nên vừa qua có sửa đổi, quy định theo hướng không có lực lượng chuyên trách mà đơn vị nào chịu trách nhiệm về đối tượng thì truy nã tới cùng", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Lực lượng công an cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác, tăng cường hợp tác quốc tế trong dẫn độ tội phạm; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát động quần chúng phát hiện...

Video: Bộ trưởng Công an trả lời chất vấn về công tác truy bắt tội phạm truy nã. 

Vì sao "3 lần thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương"?

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cũng nêu chất vấn liên quan đến vụ bác sĩ Hoàng Công Lương "có 3 lần thay đổi tội danh".

Về nội dung này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói đây là vụ án phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 9 người.

"Đây là điều đáng tiếc, không mong muốn nhưng trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải chứng minh đúng bản chất của tội phạm. Trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cả toà án xác định tội danh. Việc đánh giá chứng cứ, xác định khung hình phạt tối đa, tối thiểu có thể thay đổi khi xuất hiện những yếu tố tình tiết chứng cứ mới", ông Trí nói.

Ngoài ra, theo Viện trưởng Trí, trong quá trình điều tra, truy tố vụ án trên có những bị can phản cung, thay đổi lời khai; phát sinh một số tài liệu, chứng cứ có nghi vấn cần làm rõ nên việc điều chỉnh tội danh là để "đảm bảo đúng bản chất tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm lọt tội phạm, nó cũng là lẽ đương nhiên với những vụ án phức tạp".

Video: Viện trưởng Lê Minh Trí nói về vụ bác sĩ Hoàng Công Lương.

Tranh luận với Viện trưởng Trí về việc trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói đây là việc mà pháp luật cho phép nhưng có giới hạn, có điều kiện vì liên quan đến thời hạn tạm giam, thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng như hoãn xuất cảnh, kê biên, phong toả tài khoản và một số biện pháp hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Chính vì vậy, Quốc hội có nghị quyết 55 yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung”, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp khẳng định, Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra nhiều chứng tỏ chất lượng điều tra còn hạn chế, toà án mà trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhiều chứng tỏ chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra còn hạn chế. Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cho thấy số lượng vụ án mà Toà trả lại Viện kiểm sát nhiều gấp hai lần số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Bà Nga dẫn chứng, vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, sau khi toà án trả hồ sơ thì Viện kiểm sát phải chuyển cơ quan điều tra khởi tố thêm 2 bị can là Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng; điều này chứng tỏ trong giai đoạn truy tố đã bỏ lọt người phạm tội.

Hàng loạt câu hỏi nóng liên quan đến lĩnh vực giáo dục như có nên “đổi mới chương trình SGK khi chưa có sự chuẩn bị về nhân lực, người dạy”, hay "công trình xây dựng sai phép tràn lan nhưng không thấy bóng dáng người đứng đầu ngành xây dựng"... đã được các đại biểu gửi đến lãnh đạo ngành vào cuối phiên, tuy nhiên đã hết thời gian làm việc. Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn trong sáng mai 31/10. 

Sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo, bác sĩ Hoàng Công Lương thiếu trách nhiệm.

Ngày 5/6, sau 12 ngày xét xử sơ thẩm Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ một số vấn đề.

Ngày 2/7, ông Hoàng Đình Khiếu và nguyên trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng bị khởi tố.

Ngày 23/8, nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương bị khởi tố.

Tháng 8, Hoàng Công Lương bị đổi tội danh khởi tố từ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang Vô ý làm chết người.

Theo Hoàng Thuỳ - Anh Minh - Võ Hải (VnExpress.net)