Xã hội

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: "Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại"

Khẳng định Chính phủ không can thiệp vào quá trình tố tụng vụ 'Formosa làm cá chết hàng loạt', nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại".

 
Khẳng định Chính phủ không can thiệp vào quá trình tố tụng vụ 'Formosa làm cá chết hàng loạt', nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại".

- Đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết quá trình xác định nguyên nhân cá chết như thế nào? Sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước ra sao?

- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Qua video vừa rồi chúng ta cũng biết việc xác định nguyên nhân cần chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Đây là sự cố xảy ra diện rộng, nghiêm trọng, phức tạp nên phải tiến hành cẩn trọng, khoa học, khách quan, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu của Thủ tướng và mong muốn chính đáng của người dân, với sức ép lớn, chúng tôi xác định tiến hành công việc này một cách có tính toán, kế hoạch, đảm bảo chứng cứ khoa học đầy đủ, không chỉ để nói nguyên nhân vì sao mà còn xác định thủ phạm là ai, đấu tranh thế nào.

Ba công việc được tiến hành gồm. Thứ nhất, xác định nguyên nhân, giải thích được cái gì đang diễn ra ở vùng biển miền Trung, cơ chế gì gây ra hải sản chết hàng loạt. Thứ hai, xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Hai nhóm này có quan hệ biện chứng với nhau. Nhóm thứ nhất tập trung hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước ở các lĩnh vực từ sinh học, hoá học, khí tượng học, hải dương học, vũ trụ học... tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, mẫu trầm tích đáy, sinh vật phù du, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động như xác định sự việc từ vệ tinh, bắt đầu từ lúc xảy ra, hồi tố. Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển để tìm theo dấu vết và xác định bản chất. Công việc rất vất vả.

Kết quả phân tích từ hàng nghìn thí nghiệm, có thí nghiệm xác định độc tố kim loại nặng phải vài tuần mới có kết quả. Nhiều thông số cần kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý. Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học cấp nhà nước đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế. Từ đó mới công bố.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đây là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

Bản thân hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy, nên đi đến đâu thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết.

chu-nhiem-van-phong-chinh-phu-danh-ke-chay-di-khong-danh-nguoi-chay-lai

Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Bá Đô.

Chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra khu vực biển miền Trung, tập trung vào 3 đối tượng: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, các khu công nghiệp Hà Tĩnh. Thành phần đoàn thanh tra có các nhà khoa học luyện thép, luyện kim, nhà sản xuất điện, nhà công nghệ môi trường, nhà quản lý, lập pháp…

Quá trình kiểm tra chúng tôi đã hồi tố, thực hiện các phương pháp kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, phát hiện ra nhiều sai sót. Qua kiểm toán năng lượng, chúng tôi thấy hàng loạt vấn đề quản lý thử nghiệm vận hành lỏng lẻo, thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải đầu ra không bảo đảm yêu cầu, từ đó xác định chỉ lò luyện cốc phát thải phenol và xyanua. Đến bây giờ có thể nói đã có bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư chấp nhận nguồn thải từ lò luyện cốc Formosa. Nhà đầu tư này phải thừa nhận quá trình vận hành thử nghiệm đã dẫn đến nước thải từ công ty xả ra biển có chứa độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.

- Đến nay đã có đánh giá tác động môi trường biển miền Trung, Chính phủ có giải pháp thế nào?

- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Khi xảy ra sự việc, đã có 4-5 nhà khoa học cho rằng sự cố có thể do các nguyên nhân chất thải từ con người (chất vô cơ), chất thải sinh học và thủy triều đỏ. Thời điểm đó cá chết nhà khoa học đã ghi nhận những điều đó. Thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bộ Khoa học và Công nghệ, phải 2 tháng nữa mới xác định được cái gì đã xảy ra, cái gì là nguyên nhân chính? Và chúng ta khẳng định phenol, xyanua là nguyên nhân chính.

Như vậy, toàn bộ báo cáo này đã phục vụ cho quá trình đấu tranh về pháp lý, đầy đủ căn cứ. Có thể nói chúng ta đã làm đầy đủ, bảo đảm tính khoa học, pháp lý. Chính vì vậy, Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, các nhà khoa học của Formosa Hà Tĩnh, các luật sư của Formosa Hà Tĩnh đều thừa nhận kết luận của chúng ta và chúng tôi thực hiện đúng sự chỉ đạo của Chính phủ là làm một cách cẩn trọng, bài bản, chính xác, có tính thuyết phục.

- Ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp khẳng định cá chết do độc tố cực mạnh từ môi trường, sau đó 4 ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nguyên nhân có thể do hoạt động của con người và thủy triều đỏ. Vậy tại sao đến nay Chính phủ mới chính thức công bố nguyên nhân cá chết?


- Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: Ngay khi sự việc xảy ra Thủ tướng đã phân công các bộ ngành liên quan khẩn trương tìm nguyên nhân. Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực cao nhất. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học, trong đó có các nhà khoa học nước ngoài. Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và cả hồi tố. Nhiều chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ.


Kết quả công bố hôm nay thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học cũng như trình độ và năng lực trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp. Tháng 12/2004, tại Nhật Bản có sự cố môi trường nghiêm trọng, hơn một năm sau, hội đồng đánh giá với những chuyên gia hàng đầu mới có thể kết luận được nguyên nhân là từ công ty gang thép FJE. Nói như vậy để thấy sự nỗ lực của chúng ta.

- Quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm so với bức xúc của dư luận, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giải thích thế nào?


- Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch diễn biến và các biện pháp xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng này. Ngay từ đầu, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo.

Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng chục cuộc họp về vấn đề này, yêu cầu điều tra, nhanh chóng xác định nguyên nhân và thủ phạm, đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, kịp thời có giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bất kể họ là ai.

Ở đây tại sao tìm ra nguyên nhân nhưng chậm công bố thủ phạm? Bởi vì chúng ta biết công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, công bố thủ phạm là để xử lý sai phạm. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là 2 quá trình khác nhau, và công bố vào các thời điểm khác nhau.

Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học, đối tượng là các dữ kiện. Điều tra thủ phạm được tiến hành bởi các cơ quan điều tra, phối hợp với các nhà khoa học, đối tượng là con người nên phức tạp hơn nhiều. Việc công bố ai là kẻ gây ra sự cố nghiêm trọng này cần có quá trình điều tra xác định chứng cứ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý chuyên ngành và các địa phương.

chu-nhiem-van-phong-chinh-phu-danh-ke-chay-di-khong-danh-nguoi-chay-lai-1

Trụ sở Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.

Kết quả điều tra là khách quan, chỉ dựa trên chứng cứ, hoàn toàn loại trừ mọi sự can thiệp làm chậm quá trình điều tra và sai lệch kết quả. Các cơ quan tham gia điều tra đã nỗ lực rất lớn, làm hết năng lực, trách nhiệm của mình.

Thời gian vừa qua, dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng về sự chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết. Tôi cho rằng bức xúc đó là chính đáng, dễ hiểu bởi sự cố này liên quan tới sự an lành của đất nước, đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của hàng chục nghìn ngư dân các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá, suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra.

Tôi cũng cần nói thẳng có một số thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng sự cố này để công kích sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân. Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận việc lợi dụng để kích động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước. Tôi có thể khẳng định việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố nghiêm trọng này là kịp thời.

- Đề nghị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, có sửa đổi bổ sung gì các quy định hiện hành về môi trường của doanh nghiệp hiện nay?


- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Quy chuẩn về môi trường Việt Nam là văn bản dưới luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua quy chuẩn về môi trường là không đúng thẩm quyền của Quốc hội. Nên tới đây Chính phủ không đề xuất Quốc hội ban hành quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.

- Có thông tin cho rằng có việc ngăn cản cơ quan báo chí đưa tin? Có hay không việc giấu thông tin với nhân dân?


- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đầu tháng 4 sau sự cố môi trường xảy ra, báo chí đưa tin rất nhiều chiều, với tần suất dày đặc. Đảng, Nhà nước không có chủ trương che giấu thông tin, không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng, Nhà nước cũng cần biết sự thật. Nhưng để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, chúng tôi có yêu cầu các cơ quan báo chí tạm ngừng đưa thông tin suy diễn, để chờ kết quả điều tra. Trong sự cố phức tạp vừa rồi, sự điều tra của báo chí không đủ để tìm ra nguyên nhân bằng sự điều tra của cơ quan điều tra, các nhà khoa học.

- Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho Formosa như thế nào? 

- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nguồn nước thải của Formosa gồm: nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá... Về quy chuẩn, có 2 quy chuẩn 40 - xác định với nước thải công nghiệp, kiểm soát nhiều thông số hơn. Quy chuẩn 52 - tiêu chuẩn đối với ngành gang thép, kiểm soát 12 con số. Toàn bộ lượng nước thải ra, quy chuẩn 52 không thể bao quát được con số nước thải từ cảng. Việc áp dụng quy chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa. Nguồn cần giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hoá từ các cốc.


Thực tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm.

- Cơ quan công an liệu có khởi tố vụ án hình sự?

- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trước hết, cần có biện pháp khắc phục đời sống người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn, cảnh báo vùng hải sản không an toàn để người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn. Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam, xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.


Nhưng, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả.

Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.


Trả lời bổ sung việc Chính phủ Việt Nam có khởi tố Formosa hay không, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.

chu-nhiem-van-phong-chinh-phu-danh-ke-chay-di-khong-danh-nguoi-chay-lai-2

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: Bá Đô.

- Formosa từng có nhiều vi phạm trong đầu tư, vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón. Tới đây có gì thay đổi trong thu hút đầu tư?

- Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Sau sự cố này, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán, đảm bảo đúng cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự cố xảy ra là điều đáng tiếc. Đây cũng là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước, rà soát chức năng nhiệm vụ để việc thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ Việt Nam không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.

- Mức đền bù 500 triệu dựa trên cơ sở nào?

- 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đây là mức đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết xác định là bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm.

- Quá trình nhà máy Formosa vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải đối với dự án này như thế nào? Trách nhiệm của địa phương sau khi phát hiện sự cố?

- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh: Thời gian qua nhân dân Hà Tĩnh đã kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân. Hôm nay Chính phủ tổ chức công bố họp báo công bố nguyên nhân, Formosa đã xin lỗi, phần nào giải tỏa được sự chờ đợi của người dân.

Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy tỉnh đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm tra giám sát. Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.

-  Bộ Y tế đánh giá mức độ an toàn của nước biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế như thế nào?


- Thứ trưởng Y tế: Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, quản lý, Sở Y tế tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ người dân, tập trung xét nghiệm hải sản sống. Trong 3 tuần đều tiến hành các xét nghiệm hàng ngày, cập nhật thông tin cho người dân, đăng tải trên website của Bộ. Tất cả hải sản xét nghiệm đều công bố minh bạch. Các cơ quan của Bộ hiện nay triển khai đồng bộ giám sát, quan trắc và các biện pháp cần thiết giám sát sức khoẻ người dân.


Thứ trưởng Nông nghiệp: Bộ Nông nghiệp với vai trò quản lý nhà nước về thủy sản ngay từ đầu đã chỉ đạo 3 việc: lấy mẫu, giám sát và xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khoanh vùng ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu là tính từ bờ ra ngoài khơi 20 hải lý. Những vùng ảnh hưởng trong 20 hải lý ở 4 tỉnh, những tàu khai thác dưới 90CV, nếu phát hiện hải sản nhiễm độc thì lập tức tiêu hủy và tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ.


Vùng ngoài 20 hải lý là an toàn. Bộ đã tham mưu địa phương tổ chức kiểm định chứng nhận an toàn cho hải sản ngoài vùng 20 hải lý. Nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo 2-3 ngày lấy mẫu một lần, nếu phát hiện độc tố vẫn xử lý.

Đối với nuôi trồng thủy sản, chúng tôi khuyến cáo khi chưa xác định rõ nguyên nhân thì đề nghị không nên thả nuôi. Khi lấy mẫu hàng ngày phát hiện mẫu an toàn thì khuyến cáo địa phương có thể lấy nước, nhưng phải qua ao lắng và quy trình nghiêm ngặt trước khi thả nuôi. Hiện nay nước lấy vào cơ bản an toàn, khi chưa xử lý hết tồn dư thì hàng ngày vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo an toàn. Bộ liên tục cử người để hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung làm việc này.


Theo Nhóm phóng viên (VnExpress.net)