Xã hội

Chốt lộ trình sáp nhập 16 huyện, 631 xã: Xếp ghế lãnh đạo thế nào?

Chính phủ vừa chốt phương án, lộ trình sáp nhập 16 huyện, 631 xã. Vấn đề khó nhất về việc “xếp ghế” lãnh đạo sẽ được Bộ Nội vụ, Ban tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 32 về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Nghị quyết đề ra những yêu cầu về thời gian cũng như cách thức tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở các địa phương.

Lộ trình và phương án sáp nhập huyện, xã

Căn cứ Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về việc này là đến năm 2019 cả nước cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn.

Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Cùng với đó, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tiến hành sắp xếp.

Chốt lộ trình sáp nhập 16 huyện, 631 xã: Xếp ghế lãnh đạo thế nào?
Chính phủ yêu cầu phải nêu được số lượng và danh sách của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Ảnh: Mạnh Thắng.

Năm 2020, thực hiện tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại những đơn vị hành chính mới thành lập sau khi sắp xếp; đồng thời tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư tại những đơn vị mới sau sáp nhập.

Năm 2021, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu HĐND và kiện toàn tổ chức của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp. Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, phương án sáp nhập huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021 cần nêu được số lượng và danh sách của các đơn vị thuộc diện phải sắp xếp. Phải có phương án, kế hoạch, lộ trình, dự trù kinh phí thực hiện. Đồng thời, giải trình, thuyết minh với những nơi thuộc diện sắp xếp nhưng do yếu tố đặc thù không đưa vào phương án tổng thể.

Chậm nhất là ngày 31/5, UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021 về Bộ Nội vụ để tổng hợp, xem xét, có ý kiến thống nhất sau đó các địa phương mới xây dựng đề án.

Về sắp xếp cán bộ, công chức sau sáp nhập, Chính phủ yêu cầu các địa phương xác định trong Đề án số lượng cán bộ dôi dư, đồng thời đề xuất phương án thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ này để trình HĐND cấp tỉnh trước ngày 31/12.

Bên cạnh đó, Đề án cũng phải đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức ở những huyện, xã mới hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực.

Giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết số liệu của Bộ Nội vụ khi xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã xác định thuộc diện phải sắp xếp có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn quy định về dân số và diện tích.

Nhưng ngoài ra, vẫn khuyến khích ở các địa phương tiến hành sáp nhập nếu đảm bảo điều kiện thuận lợi, ổn định và được nhân dân ủng hộ.

Chốt lộ trình sáp nhập 16 huyện, 631 xã: Xếp ghế lãnh đạo thế nào? - 1
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Hoài Thu.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lưu ý việc sắp xếp không thực hiện cơ học, duy ý chí mà cần phải cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, yêu cầu quốc phòng an ninh... của từng địa phương và được nhân dân đồng thuận.

Nhấn mạnh vấn đề khó nhất là giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, ông Tuấn cho rằng nếu không giải quyết được việc này thì mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ không thể đạt được.

Để tránh lo ngại tình trạng sắp xếp kiểu cơ học, ông Tuấn nhấn mạnh cần thực hiện tốt nguyên tắc đã nêu tại Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gắn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Đặc biệt, khi sáp nhập phải đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Với những lo ngại về việc “xếp ghế”, “giữ ghế” lãnh đạo sau sáp nhập, Thứ trưởng Tuấn cho biết đó là vấn đề mà Bộ Nội vụ sẽ cùng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn để giải quyết.

Khẳng định tính đúng đắn của chủ trương này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là giải pháp tốt nhất để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giảm tải được gánh nặng ngân sách.

Đồng thời, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.

"Vì thế, trách nhiệm và sự quyết tâm của người đứng đầu, của các cấp uỷ Đảng ở địa phương là mấu chốt, là chìa khóa thành công của việc sắp xếp này”, Thứ trưởng Tuấn nói.

Ông cũng bày tỏ tin tưởng sau đợt sáp nhập này, chính quyền điện tử sẽ phải triển khai mạnh hơn nữa, những người không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ rời khỏi bộ máy, bộ máy chính quyền địa phương sẽ xác định rõ được vị trí việc làm và biên chế phù hợp, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo, tránh trường hợp “tranh thủ”

Giữa tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Đặc biệt, để tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những huyện, xã đang chuẩn bị sáp nhập, Nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại những nơi này.

Việc tạm dừng công tác cán bộ sẽ kéo dài từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cụ thể, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, các huyện, xã phải chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)