Xã hội

Chi hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài: Người Việt mua lấy niềm tin?

Mỗi năm, người Việt Nam đang chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Họ mong chữa trị được dứt điểm bệnh tật, nhưng có khi thứ họ cần chỉ là niềm tin và dịch vụ tốt hơn.

Hương vẫn nhớ những chi tiết buổi chiều hôm đó ở bệnh viện Mount Elizabeth ở ngay khu trung tâm Orchard của Singapore. Ngồi ngoài đợi hơn nửa giờ, cô nhận được tờ giấy có kết quả xét nghiệm ung thư tiền liệt tuyến của cha mình. Người phiên dịch giải thích kỹ càng cho cô về kết quả: ông chỉ bị phù nề nhẹ, hoàn toàn không có khả năng ung thư.

Nghe xong kết quả, Hương như cất được gánh nặng trong lòng. Chỉ trước đó hơn tháng, cha cô, sau nhiều lần đến xét nghiệm tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội, bị chẩn đoán có khả năng cao mắc ung thư, và được đề nghị mổ càng sớm càng tốt.

Bỏ tiền mua sự yên tâm

Có lẽ gia đình Hương đã không quyết định đi Singapore để xét nghiệm sớm như vậy nếu như các kết quả xét nghiệm của cha cô đều cho kết quả giống nhau. Bên cạnh bệnh viện trên, cha cô còn xét nghiệm tại một phòng khám khác cũng tại Hà Nội.

Kết quả từ hai đơn vị y tế có sự chênh lệch rất lớn. Và cả hai đều là địa chỉ có uy tín. Hương không biết phải tin bên nào.

Sau chuyến đi nước ngoài, bên cạnh kết quả cha không ung thư, Hương cho rằng điều gia đình “thu được” nhiều nhất là sự thoải mái về tinh thần. Cô nhận xét điểm khác biệt lớn nhất cảm nhận được khi khám tại Việt Nam và Singapore là thái độ của bác sĩ.

Chi hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài: Người Việt mua lấy niềm tin?
Trang web của một bệnh viện tại Singapore có cả trang web tiếng Việt, số điện thoại Việt Nam để giới thiệu và tư vấn.

Tại Việt Nam, bác sĩ khám bệnh cho cha cô khiến vấn đề rất nghiêm trọng, yêu cầu phẫu thuật ngay khi nhận thấy kết quả có chiều hướng ung thư. Trong khi đó, ở Singapore bác sĩ từ tốn hơn, theo Hương là “không quan trọng hoá vấn đề".

Một điểm nhỏ khác cũng khiến cô yên tâm hơn là những bằng cấp, chứng chỉ của bác sĩ khám, chữa bệnh được thể hiện đầy đủ trên trang web của dịch vụ liên hệ cũng như trong phòng khám.

“Nhìn thấy bác sĩ học có bằng của Harvard, Edinburgh, mình thấy yên tâm hơn nhiều. Bác sĩ Việt Nam cũng có bằng cấp, nhưng mình chẳng biết thế nào", chị nói.  

Hương chỉ là một trong rất nhiều người Việt Nam lựa chọn một dịch vụ y tế của nước ngoài. Theo sách trắng của Eurocham năm 2017, ước tính hàng năm người Việt chi tới 2 tỷ USD cho các dịch vụ du lịch y tế, hay khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Năm 2013, khi chi phí du lịch y tế ước tính mới là 1 tỷ USD, Eurocham đã ước tính có khoảng 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm.

Khó cải thiện vấn đề niềm tin người bệnh

Để thực hiện bài viết, Zing.vn đã hỏi thăm nhiều người có thân nhân đi chữa bệnh tại nước ngoài. Trong số đó, có trường hợp không phát hiện bệnh tại Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại phát hiện, có trường hợp ngược lại, hay có trường hợp được bác sĩ chỉ định ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật.

Thực ra không phải ai cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh chỉ vì dịch vụ tốt hơn. Nhiều trường hợp thực sự phải tìm kiếm dịch vụ y tế ở nước ngoài do không thể điều trị trong nước. Chi phí đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài có thể gấp từ 10–20 lần chi phí điều trị trong nước, nên chỉ những người bệnh thực sự nặng hoặc có điều kiện mới lựa chọn du lịch y tế.

Tuy nhiên, tất cả người nhà bệnh nhân khi được hỏi đều có một ý kiến chung là “cảm thấy yên tâm” khi sử dụng dịch vụ xét nghiệm, khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Chị Thủy, sống tại Hà Nội từng đưa cha qua Singapore tầm soát ung thư chia sẻ bệnh viện nước ngoài tạo được sự yên tâm cho người nhà ngay từ khâu tìm hiểu thông tin. Bảng giá dịch vụ được niêm yết rõ, các bác sĩ, chuyên gia cũng được giới thiệu rất chi tiết.

Nói với Zing.vn, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhận xét dịch vụ của bệnh viện Việt Nam thua kém nhiều so với nước ngoài.

“Hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn thường trong tình trạng quá tải, đặc biệt là ở tuyến trung ương. Do vậy bệnh nhân thường phải chờ đợi lâu, thái độ nhân viên y tế và sự chăm sóc chưa chu đáo như các bệnh viện nước ngoài”, BS. Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, BS. Sơn cũng nhận xét điểm mà bệnh viện nước ngoài làm tốt hơn hẳn là vấn đề về dinh dưỡng, hỗ trợ tâm lý trong điều trị. Tuy không phải là khía cạnh quyết định về y tế, những chi tiết này lại đóng vai trò rất quan trọng để giúp bệnh nhân và người nhà thoải mái, có thể theo được suốt quá trình điều trị.

Chú ý sự thoải mái cho người bệnh

Từ góc nhìn cung cấp dịch vụ, các công ty thường hướng tới sự thoải mái cho người bệnh. Chị Giang, cung cấp dịch vụ xét nghiệm, khám chữa bệnh tại Singapore chia sẻ công ty của chị thường lo hết mọi thủ tục: từ đặt lịch khám, đưa lên viện, có phiên dịch theo kèm người bệnh, tới lo cả việc ăn, ở cho bệnh nhân và người nhà.

Anh Quang, giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tiêm tế bào gốc cũng đồng ý tâm lý thoải mái là điểm rất quan trọng. Mỗi chuyến du lịch y tế do công ty anh cung cấp kéo dài khoảng 2 tuần, trong đó 1 tuần đầu đã là đi du lịch quanh châu Âu để tạo tâm lý tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ. Can thiệp y tế thực tế chỉ mất từ 2-3 ngày.

Việc dịch vụ y tế của Việt Nam còn nhiều bất cập là điều mà các nhà quản lý Bộ Y tế đã nắm bắt, nhưng không dễ để khắc phục. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận xét bác sĩ Việt Nam rất khéo tay, nhưng khó khăn ở cơ sở vật chất.

“Hiện nay chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ nhưng ra nước ngoài chữa bệnh nhiều nhất là bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân điều trị tế bào gốc và những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt mà các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch", ông nói với VOV.vn.

Chi hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài: Người Việt mua lấy niềm tin? - 1
Phần lớn dịch vụ du lịch y tế nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng phòng bệnh, thời gian chờ đợi ngắn, đặt lịch trước.

Nhận xét về hệ thống y tế Việt Nam, bà Trude Bennett, giáo sư về sức khỏe cộng đồng Đại học North Carolina, cho rằng hệ thống y tế công của Việt Nam có nhiều vấn đề khiến cho bệnh nhân cảm thấy không yên tâm. Là một người người thường xuyên về VN dạy học cũng như tham gia các dự án cộng đồng, bà nhận thấy dịch vụ y tế ở VN, nhất là y tế công, vẫn còn nhiều hạn chế.

“Tôi nghĩ nguyên nhân nhiều người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh nằm ở niềm tin. Họ tin tưởng các bệnh viện tư ở Thái Lan và Singapore. Những đất nước này luôn quảng bá các dịch vụ y tế cao cấp, tiện lợi, với những bác sĩ được đào tạo tại các cơ sở tốt nhất ở phương Tây. Dù vậy, tôi nghĩ những điều đó chỉ làm bệnh nhân cảm thấy được chăm sóc tốt hơn", bà nói.

Người bệnh cũng thường cho rằng khám tại bệnh viện nước ngoài sẽ không phải chi “phong bì” như ở Việt Nam. Nhiều người Việt khi khám ở bệnh viện công đồng tình rằng y bác sĩ có trình độ tốt, chất lượng y tế cũng ổn, nhưng bệnh viện quá đông và không nhận được sự đầu tư hợp lý.

Hiện nay, khi mà các bệnh viện tư và dịch vụ y tế được đầu tư nhiều hơn, người bệnh sẽ có thêm lựa chọn khám chữa bệnh, phẫu thuật ở Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài. Dù vậy, những người giàu có nhưng mắc bệnh nặng như ung thư có thể vẫn muốn ra nước ngoài chữa bệnh. "Người giàu luôn có nhiều lựa chọn hơn, nhưng đi xa như vậy để chữa bệnh cũng bất tiện và phiền phức hơn”, bà Bennett nói. 

Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc), cho rằng việc người Việt mất niềm tin vào hệ thống y tế có gốc rễ từ hệ thống đào tạo ngành Y.

“Nói một cách ngắn gọn là ngành y ở VN đã đánh mất niềm tin ở những người thuộc giai cấp trung lưu. Cho dù bác sĩ VN có tự hào (rất tự hào thì đúng hơn) thì người có tiền vẫn chọn đi nước ngoài điều trị. Câu chuyện dài, và nó bắt đầu từ quá trình đào tạo bác sĩ không giống ai của Việt Nam, nên người tốt nghiệp bác sĩ khó có thể xem là ‘bác sĩ’”

Nhiều lĩnh vực VN có trình độ, chất lượng không kém nước ngoài

Ở chiều ngược lại, hiện tại vẫn có một số ngành, lĩnh vực y tế của Việt Nam tạo được uy tín. Với chất lượng tốt, chi phí hợp lý, nhiều bệnh nhân nước ngoài, Việt kiều vẫn lựa chọn dịch vụ y tế trong nước. BS. Sơn nhận xét một số ngành như nội tiết, can thiệp về sinh sản, mổ mắt hay nha khoa là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có uy tín cao.

Ngày 23/5 vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã ra mắt cuốn Cẩm nang du lịch y tế TP.HCM. Trả lời báo SGGP, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong năm 2017, có khoảng 80.000 lượt khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, doanh thu khoảng 2 tỷ USD, trong đó riêng TP.HCM đón khoảng 30.000-40.000 lượt khách.

Tuy nhiên khách du lịch y tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ Lào, Campuchia, gần đây mới có thêm lượng khách là kiều bào từ các nước Mỹ, Australia, Canada về thăm gia đình kết hợp khám bệnh. Con số vẫn còn khiêm tốn so với các nước có nền du lịch phát triển như Singapore, Thái Lan, và phần lớn du khách đến khám chữa bệnh chỉ mang tính tự phát.

Chị Lê Thu Mai, hiện sống tại TP. HCM, cho biết cuối tháng 11/2018, chị chồng của chị là N.N.H (63 tuổi, việt kiều Mỹ) sẽ về Việt Nam để cấy ghép (implant). Chị quyết định chọn một phòng khám tại TP. HCM qua giới thiệu của bạn bè vì tin tưởng tay nghề chuyên môn của các bác sĩ và chi phí cấy ghép implant cũng rẻ hơn rất nhiều so với Mỹ.

Chia sẻ với Zing.vn, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Huy, giám đốc chuyên môn hệ thống Nha khoa Kim cho biết thời gian qua ông và các đồng nghiệp thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ nước ngoài về Việt Nam niềng răng, cấy ghép implant, bọc răng sứ. Theo BS. Huy, đơn vị ông đang làm việc cũng như những trung tâm nha khoa lớn ở Việt Nam có những ưu điểm nổi trội hơn so với một số nước đó là bác sĩ rất giỏi nghề, khéo tay, có nhiều trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là thực hiện được đa dạng các dịch vụ nha khoa.

Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới các phòng khám nha khoa thường đi vào chuyên môn hóa như phục hồi, phục hình, chỉnh nha, implant, nha khoa trẻ em… Do vậy, một bệnh nhân cần làm nhiều dịch vụ sẽ phải di chuyển giữa nhiều phòng khám, mất thời gian hơn.

“Tại Việt Nam, trình độ của các bác sĩ nha khoa rất tốt và thường xuyên được đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn mới nhất trên thế giới. Ngoài ra, các phòng khám đầu tư theo chuỗi hệ thống rộng khắp cũng luôn có đủ các trang thiết bị hiện đại, quy trình điều trị theo chuẩn quốc tế, có chế độ bảo hành dài hạn mà chi phí điều trị lại rẻ hơn khá nhiều so với nước ngoài nên việc bệnh nhân lựa chọn về Việt Nam khám, chữa bệnh cũng là dễ hiểu” - bác sĩ Huy chia sẻ thêm.

Từ góc nhìn của một bác sĩ ngoại quốc làm việc tại Việt Nam, bác sĩ Randell DuPraw, chuyên gia về cơ xương khớp hiện làm tại một phòng khám ở TP. HCM cũng cho rằng nhiều bác sĩ Việt Nam có tay nghề tốt.

“Trong 5 năm làm việc tại Việt Nam, tôi đã gặp nhiều bác sĩ Việt Nam có tay nghề tốt. Một điểm tôi thấy đã được cải thiện rất nhiều trong 5 năm qua là chất lượng các trang thiết bị điều trị cũng như xét nghiệm.

Tại phòng khám của chúng tôi, tôi nghĩ đa số bệnh nhân đều hài lòng vì chúng tôi luôn dành thời gian giải thích và phân tích kỹ càng tình trạng của bệnh nhân, cũng như phương pháp điều trị của chúng tôi”, bác sĩ DuPraw nói với Zing.vn.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định các dịch vụ du lịch y tế sẽ có xu hướng chuyển từ nước phát triển sang các nước đang phát triển như Việt Nam. “Hiện nay, hạ tầng và chất lượng dịch vụ của các bệnh viện tại TP cơ bản đã đáp ứng được các sản phẩm du lịch y tế như du lịch nha khoa, du lịch thẩm mỹ, y học cổ truyền, khám tổng quát và tầm soát bệnh cùng các dịch vụ chuyên sâu. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, ngành y tế TPHCM cũng xây dựng và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của bệnh nhân”, ông Tăng Chí Thượng trả lời trên báo SGGP.

Dù vậy, ông Thượng cũng cho rằng ngành y còn nhiều điều cần làm để phát triển du lịch y tế, như bố trí khu khám chữa bệnh riêng cho khách du lịch y tế, có lực lượng y bác sĩ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, và cần có cả giá cả, phương thức thanh toán phù hợp.

Theo Nhật Minh - Bích Huệ (Tri Thức Trực Tuyến)