Xã hội

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không có gì giấu giếm việc bà Thu Nga khai chi tiền chạy vào Quốc hội

Ông Nguyễn Hoà Bình khẳng định phòng xét xử sơ thẩm vụ án Châu Thị Thu Nga "diễn ra bình thường, không xảy ra sự cố kỹ thuật".

11h30

Chánh án đã "nắm chắc tình hình, không né tránh"

Chốt lại phiên trả lời chất vấn của Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đãcó 54 đại biểu đăng ký nêu câu hỏi, do thời gian có hạn nên chỉ 30 đại biểu được chất vấn, 11 đại biểu sẽ gửi văn bản. 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Minh Trí đã tham gia giải trình, làm rõ thêm nội dung liên quan.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, lần đầu tiên trả lời chất vấn trên cương vị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hoà Bình đã "nắm chắc tình hình, thực trạng, trả lời cụ thể, rõ ràng, không né tránh những vấn đề đại biểu nêu". Tuy nhiên, vấn đề quản lý của ngành rộng, phức tạp nên vẫn có 10 ý kiến đại biểu tranh luận với Chánh án trên nghị trường. 

Nhìn nhận tồn tại của ngành toà án do nguyên nhân khách quan, chủ quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành tiếp thu và có giải pháp đột phá, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. 

10h30

Vì sao nhiều án tham nhũng kéo dài?

Tham gia trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình về việc vì sao một số vụ án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ chuyển tội danh từ tham nhũng sang kinh tế liệu "có bỏ lọt tội phạm hay không?".

Ông Trí cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua đã có bước tiến rõ nét, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật; tuy nhiên vẫn còn những vụ án kèo dài, và trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan tố tụng, của ngành kiểm sát.

Nguyên nhân được Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra, đây là án truy xét (hành vi thực hiện phạm tội tới thời điểm phát hiện dài), đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án... Kết quả giám định tư pháp kéo dài, phải thực hiện nhiều lần; riêng vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở. 

"Chỉ riêng nắm chắc luật hình thức, luật tố tụng thì không thể đánh giá thiệt hại trong các vụ án này, do đó giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định", ông nêu thực tế. 

Theo ông Trí, có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được. Vì thế Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra chủ trương, "điều tra rõ tới đâu, truy tố, xét xử tới đó, phần còn lại đưa vào vụ án khác". Xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi, nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm.

Ngoài ra, việc kéo dài án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án... Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau.

"Những quy định mới trong quản lý kinh tế, Bộ luật hình sự 2015 cũng đặt ra yêu cầu thực thi cao hơn cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi nhận thức việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Ngoài ra, theo ông, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để "giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình".


Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình về việc vì sao một số vụ án tham nhũng kéo dài.

9h58

Đề xuất dừng tổ chức các phiên toà lưu động

Đề cập đến các phiên toà lưu động, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói cách thức này trong thời gian dài đã có tác dụng lớn, nhưng trong điều kiện thông tin hiện nay không cần tới toà người dân cũng có thể tiếp cận thông qua các phương tiện thông tin truyền thông và bản án trên mạng. Vì thế tác dụng tuyên truyền của các phiên toà lưu động đã không còn. Ngoài ra toà lưu động cũng phát sinh bất cập, như tổ chức ngoài công đường không liêm minh, khó bảo vệ nhất là phiên toà có đối tượng nguy hiểm và tốn kém. Chánh án cho biết, mỗi năm ngành chi 70 tỷ đồng để tổ chức hơn 9.000 phiên toà, chưa kể khoản tiền hỗ trợ từ các địa phương.

Trước tác dụng hạn chế, ông Bình đề xuất dừng tổ chức các phiên toà lưu động. 

9h10 

Bà Châu Thị Thu Nga khai "chi tiền cho hai mục đích"

Về vụ án Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group, ông Bình cho biết, vụ án đã xét xử xong ở cấp sơ thẩm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời và đề nghị Chánh án nói rõ "tại phiên toà bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, nhưng toà không cho khai. Phải nói rõ cho người dân hiểu".

Chánh án Nguyễn Hoà Bình giải trình, trong quá trình tranh tụng tại toà, khi báo chí nêu có việc HĐXX không cho khai, có vẻ dấu giếm điều gì..., Toà án tối cao đã ngay lập tức yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kỹ thuật phòng xét xử và yêu cầu Chủ toạ phiên toà báo cáo, gặp luật sư để làm rõ.

"Phòng xét xử diễn ra bình thường, không có sự cố kỹ thuật. Trong hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của bị cáo Nga và các bên liên quan. Việc chủ toạ phiên toà dừng việc không cho khai tiếp do vụ án này tách ra là được phép", ông Bình nói. 

Theo ông, thực tế đã có nhiều vụ án được tách án như Vụ Ngân hàng Xây dựng tách làm 3 vụ, Ngân hàng Đại Dương xử một phần.

Ông Bình nói, trong phiên toà tình tiết mới xuất hiện thì trách nhiệm HĐXX phải thẩm vấn, nhưng do vụ án đã tách ra nên HĐXX được phép không cần đề cập tới vụ án này nữa. Tương tự vụ án OceanBank, trong lần xét xử thứ nhất, nội dung liên quan khoản 800 tỷ của Tập đoàn Dầu khí làm rõ, nên lần xét xử thứ 2 không đề cập tới thất thoát này. 

"Việc không đề cập tới nội dung vụ án đã được tách ra là bình tường, không khác biệt", ông Bình khẳng định.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không có gì giấu giếm việc bà Thu Nga khai chi tiền chạy vào Quốc hội
Bà Châu Thị Thu Nga trong lần xét xử sơ thẩm. Ảnh: C.T.V

Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết thêm, lời khai của Châu Thị Thu Nga cũng nằm trong hồ sơ vụ án, "không có gì dấu giếm". Theo lời khai bà Nga đã khai việc chi tiền nhằm 2 mục đích chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử viên và chi giải quyết việc báo chí, truyền thông viết về bằng tiến sĩ giả của bà Nga trong thời điểm bầu cử. Chi cho mục đích thứ nhất 2 phần, mục đích 2 là một phần. 

Lời khai của bà Nga cũng nêu, bà này biết một doanh nhân kinh doanh vàng có quan hệ rộng tại Hà Nội và chủ động gặp nhiều lần. Bà Nga đã đưa tiền cho vị này nhiều lần, việc đưa tại các quán cà phê khác nhau, tại các thời điểm khác nhau. Việc đưa tiền chỉ 2 người biết và không có chữ ký. Tại phiên đối chất anh này phủ nhận "có quen biết Nga nhưng không nhận tiền, không quen ai ở Hà Nội, không làm việc đó".

"Với tình tiết này toà tách án là cần thiết, toà không thể làm rõ tình tiết này tại toà. Bằng các giải pháp khác nhau của cơ quan điều tra thì sẽ làm rõ ở một phiên toà khác về tình tiết này. Ở đây không có gì mờ ám cả", Chánh án Toà án nhân dân tối cao nói. 

Trước đó trong phiên toà xét xử đầu tháng 10/2017, bị cáo Châu Thị Thu Nga 2 lần xin được khai báo về khoản tiền 1,5 triệu USD đã dùng để "chạy" vào Quốc hội trước toà nhưng hai lần chủ toạ từ chối. Lần đầu chủ toạ nhắc luật sư "nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án" và lần sau mời luật sư về chỗ. 

8h59

4 bài học từ vụ án Hà Văn Thắm

Trả lời chất vấn của đại biểu về "bài học kinh nghiệm nào trong xét xử vụ Hà Văn Thắm", ông Nguyễn Hoà Bình nói tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá đây là vụ án minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hoá tội phạm. 

Theo ông, có bốn bài học từ vụ án này. Thứ nhất là xác định chính xác tội danh, tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát truy tố tội tham nhũng. 

Thứ 2 là tranh tụng trong vụ án công khai, không hạn chế. Thứ 3 là có sự phân hoá, nghiêm khắc với người cầm đầu nhưng cũng mở đường cho người làm công ăn lương. 

Từ sau 2013, các thẩm phán rất ngại cho án treo đối vụ án kinh tế, tham nhũng, nhưng vụ kinh tế lớn này Hội đồng thẩm phán đã tuyên 34 người được hưởng án treo, đây là những người còn trẻ, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì và đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả.

"Bản án rất nghiêm khắc với người cầm đầu, nhưng rất nhân văn với những người làm công ăn lương. Đây là bản án cần thiết để phòng ngừa tội phạm nhưng cũng mở đường cho họ trong thời gian tới", ông Bình nói.

Thứ 4 là Hội đồng xét xử làm trọn chức năng của mình, bản án cũng có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, xử lý cán bộ...

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không có gì giấu giếm việc bà Thu Nga khai chi tiền chạy vào Quốc hội - 1
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: Võ Hải

8h42

Khởi tố thêm 3 bị can trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Trả lời câu hỏi về việc toà đã khởi tố bao nhiêu vụ án tại toà, ông Bình nói đây quyền luật cho phép, nhưng luật cũng yêu cầu đủ điều kiện mới được khởi tố.

"Kiến nghị khởi tố thì chúng tôi làm thường xuyên, nhưng khởi tố tại toà mới có 12 vụ. Nếu khởi tố tại toà thì trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi kết quả của quyết định khởi tố này. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác của Viện kiểm sát, cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy tố những vụ án khởi tố tại toà", ông Bình cho hay.

Đề cập tới vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Bình nói đầu năm nay Toà đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng đó; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.

Chiều 15/3, trong bản án tuyên với các bị cáo tại vụ án lừa bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan nên đã công bố quyết định khởi tố người này. Ông Thanh bị toà án truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tham ô tài sản.

Trước vụ án này, ông Thanh là bị can trong vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC, và tháng 9/2016 đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố.

8h40

Bí mật đời tư được bảo đảm khi công khai bản án trên mạng

Về công khai bản án trên mạng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, giải pháp đột phá này được áp dụng từ năm 2017 và có nhiều tác dụng. 

Thứ nhất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đây cũng là chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của toà là công khai. 

Thứ hai, đánh giá được trách nhiệm thẩm phán khi đặt bút ký bản án thì sau đó vài ngày đông đảo người dân sẽ biết. Đây cũng là cơ chế để người dân giám sát bản án, đánh giá chất lượng thẩm phán. 

Đến nay Toà án nhân dân tối cao đã công bố được 32.318 bản án. Từ tháng 9 đến nay có gần 1,4 triệu người dân truy cập và nhận được ý kiến của người dân góp ý cho hơn 1.600 bản án, đa số là đánh giá tích cực.

Trước băn khoăn của đại biểu Lê Ngọc Hải về việc công bố như trên có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư của công dân hay không, ông Bình cho hay, Toà án đã ban hành Nghị quyết sẽ không công khai bản án liên quan tới an ninh quốc gia, bản án liên quan tới trẻ vị thành niên..., và phải mã hoá tên những người liên quan trong bản án. 

"Bí mật đời tư của người dân được đảm bảo", ông Bình khẳng định. 

8h20

Hơn 14.700 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Bích Hằng về nợ bảo hiểm xã hội, khi tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện thì các đơn đều bị toà án trả lại. 

Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện có hơn 100.000 đơn vị đang nợ của 2,6 triệu lao động số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.880 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ. Toà án các cấp xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp. 

Chánh án cho hay toà có công văn không thụ lý đơn khởi kiện là do không phù hợp với trình tự tố tụng hiện hành. Cụ thể như đại diện công đoàn không được người lao động uỷ quyền nên thông tin tới toà không chắc chắn, nhiều đại diện công đoàn không có mặt tại toà...

Trước thực tế nợ bảo hiểm rất lớn, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, theo Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự thì sau 1/1/2018, vi phạm nợ bảo hiểm bắt buộc là tội phạm, nếu có vụ án hình sự xảy ra, các cơ quan điều tra vào cuộc thì toà án phải thụ lý, giải quyết. 

Toà án nhân dân tối cao sẽ có Nghị quyết và được ban hành trước thời điểm Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự có hiệu lực. 

8h14

Khi nào xét xử tiếp vụ Trương Hồ Phương Nga

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn việc tinh giản biên chế của ngành toà án trong khi các vụ án tăng nhanh; đâu là giải pháp để ngành toà án vừa tinh giản biên chế và vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng xét xử.

Bà cũng cho biết năm 2017 toà án xét xử nhiều vụ án tham nhũng trong đó có vụ án Hà Văn Thắm. "Trong cuộc chiến không khoan nhượng với phòng, chống tham nhũng, cử tri mong muốn nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Vậy kinh nghiệm qua những vụ án tương tự là gì?", bà Mai nêu câu hỏi.

Liên quan đến vụ án Trương Hồ Phương Nga, bà cho rằng đây là vụ án được dư luận quan tâm vì không chỉ đơn giản là tranh chấp tài sản mà còn liên quan đến giá trị đạo đức. Tuy nhiên sau một thời gian xét xử, hiện tạm dừng xét xử. "Vậy kế hoạch xét xử thời gian tới và hướng giải quyết vụ việc như thế nào?", bà Mai chất vấn.

Theo hồ sơ, từ 2014, ông Cao Toàn Mỹ bắt đầu tố cáo Phương Nga lừa đảo. Sau 3 năm, vụ án được yêu cầu điều tra lại sau khi xuất hiện hàng loạt tình tiết mới. Bị cáo Phương Nga được tại ngoại.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không có gì giấu giếm việc bà Thu Nga khai chi tiền chạy vào Quốc hội - 2
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga ra khỏi trại giam. Ảnh: Quỳnh Trần.

8h04

54 đại biểu đăng ký chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Chánh án.

Mở đầu, đại biểu Trương Thị Bích Hằng nêu thực trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài trong khi luật công đoàn, luật bảo hiểm xã hội, luật tố tụng dân sự quy định tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện. Tuy nhiên, vừa qua các đơn này đều bị toà án trả lại. "Nguyên nhân là gì? Phải làm sao để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện", bà Hằng chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Chiến cho biết, Hội đồng thẩm phán đã ban hành 6 án lệ, đến nay có bao nhiêu vụ án đã áp dụng án lệ. "Vì sao nguyên tắc tranh tụng và vai trò của án lệ còn quá mờ nhạt", ông Chiến đặt câu hỏi.

07h53

"Tôi khá hồi hộp trước phiên chất vấn"

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Hoà Bình -  Chánh án Toà án nhân dân tối cao, trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng.

Ông Bình cũng sẽ nhận được các chất vấn liên quan đến việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, và lãnh đạo các bộ ngành liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn khi cần thiết.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không có gì giấu giếm việc bà Thu Nga khai chi tiền chạy vào Quốc hội - 3
Từ trái qua; Chánh án Nguyễn Hoà Bình trao đổi với ông Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban bí thư, trên nghị trường. Ảnh: Võ Văn Thành

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chánh án Toà tối cao cho biết ông khá hồi hộp trước phiên chất vấn. Do không biết đại biểu sẽ hỏi gì nên ông đã chuẩn bị tất cả nội dung cần thiết, đặc biệt là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của ngành, chất lượng xét xử và tăng cường xử nghiêm những sai phạm.

"Tôi sẽ cố gắng đáp ứng các yêu cầu của đại biểu, và rất mong các đại biểu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của ngành", ông Bình nói.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho rằng, không một quốc gia nào tự đánh giá là có nền tư pháp hoàn hảo. Thực tế diễn ra luôn phong phú hơn các quy định của luật, nên nhu cầu cải cách tư pháp là tất yếu, là công việc thường xuyên để tiến đến sự hoàn thiện nhất nhằm phục vụ người dân.

"Năm 2020 sẽ kết thúc chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Đảng, nhưng tôi nghĩ sau đó vẫn cần tiếp tục đổi mới vì nền tư pháp thế giới tiến mạnh cả về cơ sở hạ tầng pháp lý và việc xây dựng đội ngũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động của ngành", ông Bình cho biết.

Theo người đứng đầu ngành toà án, thời gian qua, khi thực hiện nghị quyết 49 ngành đã làm được nhiều việc. Trước hết là xây dựng hạ tầng pháp lý. Sau Hiến pháp 2013 là một loạt các đạo luật về cải cách tư pháp, trong đó đề cao quyền con người. Nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới được áp dụng như suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng... Đội ngũ các chức danh tư pháp đã lớn mạnh hơn trước, kể cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và các đội ngũ khác như giám định viên, các chức danh thi hành án.

"Như vậy là có sự lớn lên về mặt số lượng, nâng cao chất lượng. Cán bộ được đào tạo bài bản hơn, nhiều người có học vị cao. Riêng đội ngũ thẩm phán và điều tra viên 100% có trình độ đại học và cao hơn. Trách nhiệm của họ cũng được nâng cao", ông Bình nói.

Một thành tựu khác được ông Bình chia sẻ, là việc hình thành được tổ chức, cơ chế tuân thủ nguyên tắc Hiến định là quyền lực có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau.

Chiều nay, từ 14h, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm, và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Theo Hoàng Thùy - Anh Minh - Võ Hải (VnExpress.net)