Xã hội

Chặn xe ở tốc độ 120 km/h

Gần đây, người tham gia giao thông ngạc nhiên số lượng chốt CSGT trên cao tốc tăng đột biến. Những cú xe ô tô ra vào chốt CSGT đột ngột, cùng tần suất xử lý chỉ vài chục giây mỗi trường hợp của CSGT tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và giảm khả năng khai thác của cao tốc trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chặn xe ở tốc độ 120 km/h
CSGT dừng xe xử lý vi phạm đầu tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Sỹ Lực.

“Phi thân”, chặn xe suốt tuyến

Hà Nội - Ninh Bình là tuyến cao tốc đông đúc nhất cả nước, dài 84 km, tốc độ tối đa 120 km/h. Trên tuyến này có ít nhất 3 chốt CSGT cố định (đầu, cuối và giữa). Chưa kể, vài xe tuần tra của CSGT lúc di động, khi thình lình lập chốt chặn xe. Mật độ chốt CSGT trên cao tốc còn dày hơn cả trên QL 1A hiện nay (thông thường, mỗi tỉnh hiện chỉ đặt một chốt CSGT trên QL 1A).

Trước trạm thu phí của tuyến cao tốc này (km số 8) có 2 biển báo giảm tốc độ bên phải tuyến yêu cầu tài xế giảm tốc độ xuống 80 km/h, rồi 60 km/h. Do không quen đường và biển báo nhỏ, chỉ đặt bên cạnh đường (các tuyến cao tốc khác đều đã đặt biển báo tốc độ trên giá long môn), nhiều bác tài “dính” lỗi. Xe qua trạm thu phí liền bị CSGT tuýt còi. Các hình ảnh chúng tôi ghi lại liên tục trong sáng và tối 24/5 cho thấy, xe tải và xe khách bị dừng nhiều nhất, có khi dừng 2, 3 chiếc cùng lúc. Do trạm này có hơn 10 làn thu phí, mỗi khi có xe bị CSGT yêu cầu tấp vào lề đường, cả dãy phương tiện bị dồn ứ.

Chốt CSGT có quy mô lớn, hoạt động gần như 24/24 giờ, từ ngày này sang ngày khác nằm giữa tuyến cao tốc, dưới gầm cầu vượt tại nút giao Đại Xuyên (giáp ranh giữa Hà Nội và Hà Nam). Xe từ phía Nam ra Thủ đô bằng cao tốc hay trên QL 1A hầu hết đều qua đây nên chốt này như một yết hầu. Xe tải, xe khách vẫn là phương tiện bị dừng nhiều nhất, có lúc  3 xe bị dừng đồng thời.

Cánh tài xế xe khách đường dài cho hay, ngày thường, thi thoảng chốt CSGT mới dừng xe. Cuối tuần, khách đông, hầu hết các xe khách đều bị dừng kiểm tra chóng vánh, CSGT không cần lên xe đếm khách.

Giữa tuyến, thông thường, chốt CSGT được đặt ở vị trí gần đường nhánh dẫn vào cao tốc để có khoảng trống cho xe tránh nhau. Tuy nhiên, có trường hợp chốt CSGT được lập ở vị trí không có đường dẫn làm cho việc xử lý càng nguy hiểm. Đơn cử, chiều 29/5, phóng viên Tiền Phong ghi nhận 3 viên CSGT dừng xe lập chốt gầm cầu vượt Đại Xuyên, nơi không gần đường nhập làn. Mỗi khi có xe bị tuýt còi, chúng tôi còn nghe rõ tiếng phanh của xe phía sau rít lên. Khi xe bị xử lý xong, CSGT lại phải đứng giữa đường ra hiệu cho dòng xe phía sau đi chậm lại, để cho xe vừa bị xử lý thoát đi, không bị tai nạn.

Không chỉ cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, hiện tại, hầu hết các tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, đường Hà Nội - Bắc Giang, Quốc lộ 3 mới Hà Nội- Thái Nguyên, đại lộ Thăng Long… đều có chốt của CSGT trên đường.

Nguy hiểm, không phù hợp Luật Giao thông đường bộ

Luật sư Trương Quốc Hòe - Văn phòng luật sư Interla (Hà Nội) cho rằng, theo quy định của Bộ Công an, CSGT được dừng xe, xử phạt trên cao tốc. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về tuần tra, kiểm soát công khai của CSGT quy định: CSGT có quyền thực hiện tuần tra, kiểm soát cơ động, kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc hoặc có thể kết hợp cả hai hình thức trên.

Ngoài ra, Điều 5 Thông tư số 03/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của CSGT nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, khi kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc, CSGT chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tại: Điểm đầu, cuối đường cao tốc, khu vực trạm thu phí, trạm dừng nghỉ, đoạn đường nhánh vào, ra đường cao tốc.

Luật sư Hoè cho rằng, việc CSGT yêu cầu dừng xe để xử phạt vi phạm hành chính trên đường cao tốc được quy định tại các thông tư nêu trên mâu thuẫn, không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng như không đảm bảo được an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Thứ nhất, các phương tiện trên đường cao tốc di chuyển với tốc độ cao, tối đa có thể lên đến 120km/h. Nếu CSGT bất ngờ yêu cầu người điều khiển phương tiện phải dừng lại đột ngột thì có thể gây tai nạn. Thứ hai, việc dừng xe trên đường cao tốc như trên còn mâu thuẫn, đi ngược lại quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cũng như quy định về khoảng cách giữa hai xe đươc ghi nhận tại khoản 1 điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008, gây mất an toàn giao thông đường bộ. Thứ ba, theo Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường, khi ra khỏi đường cao tốc phải chuyển dần sang làn đường bên phải hoặc làn đường giảm tốc (nếu có), khi vào đường cao tốc phải nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó.

Tiến sỹ, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho biết, ông rất ngạc nhiên khi báo Tiền Phong phản ánh việc CSGT tổ chức các chốt dừng xe, xử lý giữa tuyến cao tốc. “Lâu nay, tôi có biết việc CSGT lập chốt xử lý tại các trạm thu phí. Việc đó có thể chấp nhận được. Còn việc chặn xe giữa tuyến là rất nguy hiểm cho người bị dừng xe, người đi sau xe bị dừng và cả chính CSGT (đã có một CSGT bị tử nạn khi chặn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào cuối năm 2017- PV). Ngoài ra, cao tốc đầu tư hàng chục nghìn tỷ nhằm mục tiêu tăng tốc độ, tăng độ an toàn. Nếu cứ chặn giữa tuyến khiến cho xe không thể đi nhanh, nơm nớp lo phanh khi đến chốt CSGT thì xây dựng cao tốc không còn ý nghĩa nhiều. Cần dẹp bỏ ngay các chốt CSGT giữa tuyến cao tốc, chỉ duy trì các chốt ở trạm thu phí” - ông Tạo đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, trong việc phương tiện bị dừng xử lý trên cao tốc mất an toàn có cả lỗi của các doanh nghiệp vận tải vì họ chưa “chuẩn chỉ” trong hoạt động. Tuy nhiên, qua việc này, ông Thanh cũng đề nghị CSGT cần có giải pháp để tuần tra, xử lý vi phạm giao thông một cách an toàn hơn.

Theo Sỹ Lực- Mạnh Thắng- Đức Anh (Tiền Phong)