Xã hội

Chấn chỉnh thái độ CSGT tuyên bố 'bằng lái quốc tế không giá trị'

Clip CSGT tuyên bố 'bằng lái quốc tế không giá trị'

Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết đã chấn chỉnh thái độ trung úy Võ Thành Tâm khi giải thích với người vi phạm rằng bằng lái xe quốc tế không có giá trị tại Việt Nam.

Ngày 21-3, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM (PC67) cho biết đã làm rõ clip lan truyền trên mạng xã hội, có nội dung tranh cãi giữa CSGT và người lái ôtô về thái độ xử lý của CSGT và bằng lái xe nước ngoài cấp.

Có bằng lái xe quốc tế vẫn không đủ điều kiện?

Theo kết quả xác minh, ngày 18-3, Đội CSGT Cát Lái (thuộc PC67) phân công tổ công tác gồm 9 cán bộ chiến sĩ, do trung tá Nguyễn Văn Thúy - phó đội trưởng làm tổ trưởng, làm việc trong thời gian từ 10h00 đến 14h00 cùng ngày.

Lúc 12h59 ngày 18-3, khi tổ công tác đang kiểm tra tốc độ trên tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2) thì phát hiện ông Vũ Thanh Tùng (40 tuổi, quốc tịch Đức, ngụ quận Bình Thạnh) lái ôtô biển số 75A-071.xx chạy quá tốc độ quy định. 

Trung úy Võ Thành Tâm được phân công ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra giấy tờ do người vi phạm xuất trình, trong đó chỉ có giấy phép lái xe quốc tế (nước Đức) nên trung úy Tâm giải thích cho người vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi "Vi phạm quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (63/50 km/h); Có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo giấy phép lái xe quốc gia". 

Đồng thời tạm giữ chứng nhận đăng ký xe ôtô biển số 75A-071.38.

Chấn chỉnh thái độ CSGT tuyên bố 'bằng lái quốc tế không giá trị'
Người vi phạm tranh cãi với CSGT - Ảnh: Nguồn Facebook

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế (IDP) có hiệu lực từ ngày 1-10-2015 thì người có IDP do các nước tham gia Công ước Vienna cấp, khi lái xe trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia (của nước đó) được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển, phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.

Vào thời điểm kiểm tra, ông Tùng xuất trình các giấy tờ, trong đó có giấy phép lái xe quốc tế nhưng không có giấy phép lái xe quốc gia nên không đủ điều kiện theo quy định. 

Do đó, trung úy Tâm đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện cùng giấy chứng nhận đăng ký xe theo quy định.

Chấn chỉnh thái độ của CSGT 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Phạm Văn Tuyến - phó đội trưởng Đội CSGT Cát Lái - cho biết khi làm việc với tổ công tác, ông Tùng không chịu chấp nhận lỗi vi phạm quá tốc độ mà đòi CSGT phải cho kiểm tra máy đo tốc độ và tọa độ đo, nên hai bên xảy ra cự cãi.

Sau đó, CSGT yêu cầu ông Tùng di chuyển phương tiện về trụ sở, xác minh IDP của ông là thật hay giả. 

Khi xác minh bằng lái quốc tế là hợp pháp và ông Tùng xuất trình thêm bằng lái quốc gia của Đức, phù hợp với thông tư 29 của Bộ GTVT nên CSGT đã cho ông Tùng đưa xe đi và chỉ giữ các giấy tờ xe liên quan để xử lý về hành vi vi phạm tốc độ.

Về việc CSGT nói "bằng lái có ngôn ngữ bằng tiếng Đức không có giá trị tại Việt Nam", theo trung tá Tuyến là do trung úy Tâm bức xúc khi nhiều phương tiện vi phạm đang chờ xử lý nhưng ông Tùng không hợp tác để làm việc.

"Về thái độ của trung úy Tâm, chúng tôi đã làm việc lại và yêu cầu chấn chỉnh, không để vì những chuyện như vậy mà ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng công an" - trung tá Tuyến khẳng định.

Theo Sơn Bình - Lê Phan (Tuổi Trẻ)