Xã hội

Cao tốc… đường làng và 1.000 tỷ sửa “khuyết điểm”

Do không làm đường gom và phương án cấm xe máy bị địa phương phản đối, sau hơn 5 tháng thông xe, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang gần như đường làng.

 
Do không làm đường gom và phương án cấm xe máy bị địa phương phản đối, sau hơn 5 tháng thông xe, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang gần như đường làng. Trước việc dự án phát sinh hơn 1.000 tỷ đồng để “sửa” những khuyết điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án đã không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Trước việc đường chưa hoàn thiện, nhiều DN vận tải đề nghị dừng thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Anh Trọng

Thiết kế 100 đi 40km/h

Với tổng kinh phí đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, sau 2 năm được nhà đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang trở thành đường cao tốc thu phí sau khi được thông xe tháng 1/2016. Theo mức phí được nhà đầu tư thu từ 25/5, với ô tô con là 35.000 đồng/lượt; ô tô tải lớn: 200.000 đồng/lượt.

 Với tổng chiều dài được nâng cấp là 45 km, nhà đầu tư dự án - Cty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang được Bộ GTVT duyệt cho thu phí trong vòng 18 năm 7 tháng. Theo thiết kế, sau khi thông xe tuyến đường này, ô tô được chạy với vận tốc 100 km/h và chỉ dành cho ô tô. 

Tuy nhiên, thực tế trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang những ngày qua, PVTiền Phong ghi nhận, không chỉ có xe máy mà xe đạp, thậm chí xe tự chế của người dân địa phương sống hai bên đường đoạn qua các huyện ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh cũng chạy cao tốc. Để không xảy ra tai nạn, nhiều đoạn ô tô, xe khách chỉ lưu thông với tốc độ 30 đến 40km/h.

Trước việc phải trả phí cao tốc nhưng đi lại như trên đường làng, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải đã bức xúc. Thậm chí có chủ doanh nghiệp vận tải còn đề nghị nên dừng việc thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho đến khi nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng theo chuẩn cao tốc. 

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đề nghị của doanh nghiệp vận tải với tư cách là người tham gia giao thông là hoàn toàn chính đáng. Việc nhà đầu tư xây làm đường BOT để thu phí là cung cấp dịch vụ cho người dân, dịch vụ chưa tốt, chưa hoàn thiện thì chưa được thu tiền.

Nhà đầu tư “bỏ quên” đường gom?

Ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho rằng, trừ khi đường cao tốc được làm mới, nhà đầu tư có thể không làm đường gom (vì như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình - PV); còn đường nâng cấp, cải tạo trên đường hiện tại thì phải làm đường gom để xe máy, xe thô sơ được đi lại. 

Với QL1 là đường do Nhà nước xây dựng, nhà đầu tư không thể xua xe máy, xe thô sơ đi nơi khác để biến QL thành đường doanh nghiệp thu phí. “Khi dự án còn thi công, tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư và Bộ GTVT phải làm đường gom cho xe máy. Tuy nhiên, kiến nghị này dường như đã không được nhà đầu tư và Bộ GTVT lắng nghe”, ông Tuyển nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong về nội dung trên, đại diện Cty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cho rằng, theo phương án tổ chức giao thông khi dự án thông xe, với đoạn cao tốc đi qua địa phận Bắc Ninh, xe máy sẽ phân luồng vào QL1 cũ (cầu Đuống, Hà Nội - thành phố Bắc Ninh), còn QL1 mới hiện nay chỉ để ô tô lưu thông. 

Tuy nhiên, phương án này đã không được địa phương ủng hộ nên hiện tại nhà đầu tư phải tổ chức cho xe máy đi chung đường với ô tô. Nói về lý do không ủng hộ phương án, ông Lê Ngọc Tuyển cho rằng, từ việc lên phương án đến tổ chức giao thông trên, nhà đầu tư không hề bàn bạc, thống nhất với địa phương. 

Hơn nữa, như tôi đã nói, QL1 hiện nay hai bên đường đều là khu dân cư bao phủ, người dân và con em học hành hằng ngày đều phải đổ ra QL, vậy làm sao có thể bắt họ đi vòng ra tận QL1 cũ cách QL1 mới hơn 10 km. “Nếu phân luồng như vậy dân sẽ phản ứng gay gắt. Nhà đầu tư không thể đẩy khó về phía người dân và chính quyền sở tại như vậy”, ông Tuyển nêu quan điêm.

Mất hơn 1.000 tỷ sửa “khuyết điểm” dự án

Về phương án khắc phục khi ô tô vẫn đi chung với xe máy trên cao tốc, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, hiện nhà đầu tư đã có phương án và đang chờ Bộ GTVT cho ý kiến để thực hiện. 

Còn theo thông tin từ Bộ GTVT, bộ này sẽ cho chủ trương để thời gian tới nhà đầu tư thực hiện thêm một số hạng mục để hoàn thiện tuyến đường. Các hạng mục này có đường gom, cầu vượt các nút giao cắt với QL để giảm xung đột cho phương tiện. Tổng số tiền thực hiện các hạng mục trên lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Như vậy cùng với việc làm tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 819 tỷ đồng so với phương án được phê duyệt như kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ KH&ĐT đã được Tiền Phong nêu trong loạt bài “Nghịch lý các dự án BOT”, dự án cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang hiện còn phát sinh thêm hơn 1.000 tỷ đồng do thiếu đường gom. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cùng với nhà đầu tư, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, lỗi này thuộc về chủ đầu tư là Bộ GTVT và những người liên quan đã không phát hiện những khiếm khuyết khi thẩm định, phê duyệt dự án.

​ Trong thông báo thanh tra, Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh: Việc lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này sai lệch tới 20% cho thấy, Bộ GTVT và các đơn vị chức năng, tư vấn đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)