Xã hội

Cán bộ cấp chiến lược sẽ được cơ cấu theo 3 độ tuổi

Ông Phạm Quang Hưng nói về công tác quy hoạch cán bộ

Đại diện Ban tổ chức cho hay, cùng với năng lực, phẩm chất, 600 cán bộ cấp chiến lược sẽ được cơ cấu theo tuổi để đảm bảo sự chuyển tiếp thế hệ.

Hội nghị Trung ương 7, khoá XII khai mạc hôm nay (7/5) sẽ xem xét Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương, xung quanh nội dung đề án trên.

- Đề án này có ý nghĩa như thế nào với việc chuẩn bị nhân sự cấp cao những năm tới, thưa ông?

- Đề án đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, từ khâu nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, kiểm soát quyền lực, cơ chế nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thông qua việc cụ thể hoá các quy định, quy chế về công tác cán bộ... Đề án sẽ có tác dụng tích cực đến việc lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, có năng lực nổi trội chuẩn bị nguồn nhân sự đại hội Đảng các cấp, tiếp tới đại hội toàn quốc.

Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ chủ chốt trên cả nước, khảo sát nhân sự để chọn những người ưu tú nhất; trong đó nhấn mạnh loại trừ người không xứng đáng, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền vào Ban chấp hành Trung ương.

Hội nghị Trung ương 8 vào cuối năm sẽ quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khoá tới, lập các tiểu ban công tác chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Do vậy, đây là giai đoạn bản lề của công tác tổ chức xây dựng Đảng. 

Cán bộ cấp chiến lược sẽ được cơ cấu theo 3 độ tuổi
Vụ trưởng Vụ 4 Ban Tổ chức Trung ương Phạm Quang Hưng. Ảnh: Giang Huy

- Nhân sự được quy hoạch vào cấp chiến lược cần tiêu chuẩn, điều kiện gì?

- Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 90, trong đó đã đề ra các tiêu chuẩn chức danh cụ thể cho uỷ viên Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư; Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành quy định 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Như vậy có thể nói các tiêu chuẩn, điều kiện với nhân sự cấp chiến lược đã cụ thể, rõ ràng. 

Đề án cũng làm rõ thêm, với cán bộ cấp chiến lược thì ngoài các yêu cầu về năng lực lãnh đạo, quản lý nói chung, còn phải có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại; có khả năng dùng người, biết xây dựng và bảo vệ uy tín của Đảng cũng như hình ảnh của cá nhân; không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối công tác...

Ông Phạm Quang Hưng giới thiệu về Đề án

- Theo Đề án, có khoảng 600 cán bộ cấp chiến lược. Những người này được tuyển chọn ra sao?

- Đây là một quá trình xây dựng, bổ nhiệm, thử thách, quy hoạch, lựa chọn. Thời gian qua, chúng tôi đã mở 6 lớp bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Hàng năm, trong hệ thống chính trị đều bổ sung quy hoạch và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Một nhân sự được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng là nguồn cho quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp đó, lãnh đạo chủ chốt các cấp lại là nguồn quy hoạch cho cấp chiến lược. Như vậy đội ngũ trưởng thành qua nhiều lớp sẽ được sàng lọc, thử thách để có cơ sở lựa chọn từ thấp đến cao. 

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được xây dựng với cơ cấu 3 độ tuổi. Vừa qua một số thứ trưởng được bổ nhiệm khi ở độ tuổi 40. Đây là nguồn tốt cho quy hoạch cán bộ cấp cao hơn trong tương lai.

- Cơ cấu độ tuổi với cán bộ cấp chiến lược được quy định như thế nào?

- Chúng ta không đặt ra khung tuổi cứng nhưng phải có độ tuổi trong cơ cấu để đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, vì tuổi cao mà giữ mãi thì không mở đường cho giới trẻ.

Tất nhiên, chúng ta có những trường hợp đặc biệt, như Tổng bí thư - người được Ban chấp hành Trung ương suy tôn và giới thiệu tái cử đặc biệt. Khoá trước, một số trường hợp sinh năm 1955 (quá tuổi) vẫn được giới thiệu; rồi một số người lần đầu tham gia Trung ương cũng tương tự như vậy.

Bên cạnh đó, cũng có cán bộ trẻ sinh năm 1970 vào Bộ Chính trị, nhiều người mới 45 tuổi được tham gia Trung ương lần đầu, qua đó tạo được dòng chảy cán bộ liên tục. 

- Còn về yêu cầu sức khoẻ đối với cán bộ lãnh đạo thì sao, thưa ông?

- Đây là yêu cầu bắt buộc. Ngoài lý lịch, kê khai tài sản, văn bằng thì hồ sơ ứng cử viên tham gia Trung ương đều qua quy trình kiểm tra sức khoẻ. Cấp có thẩm quyền giao hội đồng y khoa thông qua Ban bảo vệ kiểm tra sức khoẻ làm rất chặt chẽ, có giấy chứng nhận sức khỏe rõ ràng. Tuy nhiên, mỗi người do cơ địa riêng không thể nói trước được.

- Trước mỗi kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, vấn đề "đốt đuốc đi tìm nhân sự" thường được đề cập. Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược lần này khắc phục tình trạng lúng túng trên như thế nào?

- Từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 42 về công tác quy hoạch cán bộ. Tại khoá XI (2011-2015) vừa qua, lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tức là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có tới 3 người được quy hoạch vào vị trí Tổng bí thư; hơn 30 người được quy hoạch vào Bộ Chính trị và trên 300 người được quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương.

Như vậy việc quy hoạch cán bộ, nhất là cấp chiến lược tại khoá XI đã đạt yêu cầu chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận của Đảng.

Sau hội nghị Trung ương 7 lần này, nhân sự cho khoá sau tiếp tục được quy hoạch. Theo đó, cấp có thẩm quyền đặt ra yêu cầu với tất cả chức danh từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Các chức danh đều có hệ số quy hoạch 1-2 người. Như vậy là phong phú và chúng ta chủ động có tầm nhìn xa trong công tác quy hoạch.

- Việc nhất thể hoá chức danh lãnh đạo - ví dụ mô hình Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, được đề cập đến như thế nào trong quá trình làm quy hoạch?

- Nội dung này trong Trung ương nhiều khoá trước đã có ý kiến nêu lên, tuy nhiên chỉ mang tính thảo luận.  

Thực tế thời gian qua, chúng ta thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch ở cấp huyện, xã. Sắp tới ở 3 đặc khu kinh tế cũng hướng tới nhất thể hoá lãnh đạo, bí thư đồng thời là chủ tịch đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt nhằm phát huy và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Với việc nhất thể hoá chức danh cán bộ ở cấp chiến lược thì Trung ương sẽ nghiên cứu. Việc này đòi hỏi quá trình xem xét thấu đáo, phải đạt yêu cầu cả trong nước và quốc tế, đảm bảo cán bộ đủ năng lực, phẩm chất.

Cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư với khoảng 600 người.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)