Xã hội

Cấm xe máy: TP.HCM hiện đại, người nghèo hưởng lợi

PGS.TS Phạm Xuân Mai, trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người nghèo đi xe buýt nhiều hơn. Cái khó là TP.HCM phải làm sao để người nghèo tiếp cận được xe buýt. 

PGS.TS Phạm Xuân Mai, trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người nghèo đi xe buýt nhiều hơn. Cái khó là TP.HCM phải làm sao để người nghèo tiếp cận được xe buýt. 

PGS.TS Phạm Xuân Mai - Ảnh: Tự Trung

Phát biểu “phải cấm xe máy, không đem cái nghèo ra dọa nhau mãi” của PGS.TS Phạm Xuân Mai được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 20-4 đã làm nảy sinh cuộc tranh luận với hàng trăm bình luận khác nhau của bạn đọc. 

Chúng tôi đã gặp ông Mai để hỏi thêm, ông cho biết:

- Tôi cho rằng hiện nay VN đang là nước có thu nhập trung bình, riêng TP.HCM có mức thu nhập 6.500 USD về GDP tính trên đầu người, đây là mức thu nhập không còn thấp nữa.

Vì vậy chúng ta phải suy nghĩ TP.HCM đang phát triển, phải phát triển và không phải chúng ta đang nghèo mà không phát triển được. Do đó, không nên suy nghĩ đến chuyện vì những người nghèo mà không phát triển được.

Trường hợp có những người nghèo bị ảnh hưởng bởi giải pháp hạn chế xe cá nhân thì Nhà nước phải tìm cách giúp họ chuyển đổi công việc, chuyển đổi cách làm việc, cách đi lại để họ thoát nghèo, để họ đi phương tiện khác hiện đại hơn.

Có như vậy TP.HCM mới phát triển hiện đại được và cả người nghèo cũng được hưởng lợi.

* Thưa ông, biện pháp hạn chế xe cá nhân đưa ra nhiều phí mới sẽ tác động gây bất lợi cho người nghèo đi lại bằng xe máy. Ông nghĩ sao?

- Tại các nước, phần lớn người đi xe buýt là người có thu nhập thấp, trung bình, trong đó phần lớn là công chức, học sinh, sinh viên đi xe buýt vì giá vé rẻ, tiện lợi và tiết kiệm tiền bạc của mình. Bởi vì họ không phải đầu tư mua xe mới và không phải đóng phí này phí nọ. 

Như vậy, tại sao không chọn đi xe buýt mà cứ chăm chăm đi xe máy? Trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người nghèo đi xe buýt nhiều hơn. Cái khó là TP.HCM phải làm sao để người nghèo tiếp cận được xe buýt. 

Tôi đã làm nghiên cứu khoa học cho thấy có 65% người dân có thể tiếp cận đi xe buýt và họ chỉ cần đi bộ 300-500m là đến trạm xe buýt. Không có nước nào cứ ra ngõ là có xe buýt cả.

Trong đề xuất cần thu phí lưu hành xe tùy theo dung tích xilanh là phù hợp. Bởi vì người nghèo mua xe có dung tích ít sẽ nộp phí ít, người giàu mua xe có dung tích xilanh cao thì nộp phí cao.

Trường hợp người nghèo sử dụng xe buýt, Nhà nước sẽ có biện pháp trợ giá, trợ cấp cho họ đi xe. Như vậy, đây là biện pháp để dần dần người ta từ bỏ xe cá nhân để đi xe buýt.

* Liệu cấm xe máy đi trên các tuyến đường có xe buýt sẽ gây hậu quả là nhiều đường khác bị ùn tắc nặng nề?

- Đúng là biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến giao thông ở khu vực khác, đây là điều mà chúng ta phải chấp nhận trong thời gian quá độ sẽ có lộn xộn xảy ra. 

Thế nhưng đây là biện pháp “gây khó” cho người đi xe cá nhân. Như vậy người ta sẽ từ bỏ xe cá nhân để đi xe buýt trên những tuyến đường thông thoáng và đi lại tiện lợi hơn.

Theo N.Ẩn - Mai Hương (Tuổi Trẻ)