Xã hội

Cám ơn 87,45% đại biểu Quốc hội!

Cảm ơn 87,45% đại biểu Quốc hội đã "lắng nghe và thấu hiểu" nỗi khổ của công nhân.

Cảm ơn 87,45% đại biểu Quốc hội đã "lắng nghe và thấu hiểu" nỗi khổ của công nhân.

Chưa bao giờ già, trẻ, lớn, bé trong công ty tôi lại sướng vui rộn ràng như vậy. Từ anh bảo vệ đến chị nhân viên tạp vụ; từ cô nhân viên văn phòng đến anh công nhân trực tiếp sản xuất, tất cả đều hân hoan chờ đón một nghị quyết hợp lòng dân sắp được Quốc hội ban hành.

Xin cám ơn các đại biểu Quốc hội đã "lắng nghe và thấu hiểu" nỗi khổ của công nhân khi phải chọn lựa một điều mà họ biết rõ là "năm ăn, năm thua" giữa quyền lợi trước mắt và lâu dài. Nhưng nói gì đi nữa thì trước mắt phải sống cái đã, còn sống tức là còn nghĩ ra phương kế để tồn tại. Nếu trước mắt không sống được thì nói chi đến chuyện về già được vui thú điền viên, tháng tháng lãnh lương hưu, tụ tập ca hát, nhảy múa như các cụ hưu trí ở xóm tôi.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cùng cán bộ CĐ TP HCM gặp gỡ, lắng nghe công nhân Công ty Pouyuen đề đạt nguyện vọng


Thiết nghĩ chẳng cần nhắc lại làm gì nguyên nhân những cuộc ngừng việc để phản ứng điều 60 Luật BHXH năm 2014 nhưng mong rằng các đại biểu Quốc hội không bao giờ quên sự kiện đó. Rằng, có một điều luật mà các đại biểu bấm nút thông qua vì nghĩ rằng nó rất tốt đẹp, rất nhân văn, rất tiến bộ nhưng rốt cục đó cũng chỉ là suy nghĩ của gần 500 đại biểu Quốc hội chứ không đại diện cho ý chí của 11 triệu lao động đang tham gia BHXH bắt buộc.
 
Một bài học khác là khi xây dựng pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là đội ngũ công nhân, thì phải có cách tiếp cận phù hợp, thực chất; không làm qua loa, chiếu lệ, hình thức và quan trọng nhất là phải lắng nghe ý kiến của tổ chức đại diện cho công nhân, đó là tổ chức Công đoàn. Dù số lượng đại biểu Quốc hội là cán bộ Công đoàn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong Quốc hội, nhưng xin hãy lắng nghe họ bởi đó chính là những người gần công nhân nhất, hiểu công nhân nhất.
 

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tranh luận về sửa điều 60 Luật BHXH năm 2014 tại diễn đàn Quốc hội


Công bằng mà nói, thực tế xã hội đã và đang tác động vô cùng sâu sắc đến nhận thức của đại đa số người lao động, bắt buộc họ phải "tư duy ngắn hạn" chứ không hoạch định được "chiến lược sống ổn định, bền vững" cho tương lai. Ngay tại công ty của tôi, tuyệt đại đa số người lao động chỉ lo nghĩ đến việc ngày mai, ngày kia ăn cái gì, tiêu bao nhiêu chứ chẳng ai lo lắng mười, mười lăm năm sau mình sẽ sống như thế nào. Người lao động không có lỗi với "tư duy ngắn hạn" ấy bởi "con dại, cái mang", lỗi thuộc về những nhà quản lý, lãnh đạo đã không làm cho người lao động no ấm, an vui.
 
Hi vọng mười lăm, hai mươi năm sau, nước mình sẽ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Lúc ấy chắc chắn phúc lợi xã hội sẽ dồi dào hơn, những người "lỡ nhận trợ cấp BHXH một lần" cũng sẽ có cơ may được chăm lo tốt hơn. Một lần nữa, xin cảm ơn các đại biểu đã làm được thêm một việc thể hiện Quốc hội đúng là của dân, do dân, vì dân!

Theo Trường Giang (Nld.com.vn)