Xã hội

Các địa phương "ép" người nghiện vào trại để làm trong sạch địa bàn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng một số địa phương đưa người sử dụng ma túy vào các trung tâm cai nghiện mà không phân loại dẫn đến quá tải, học viên bỏ trốn, phá tài sản.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng một số địa phương đưa người sử dụng ma túy vào các trung tâm cai nghiện mà không phân loại dẫn đến quá tải, học viên bỏ trốn, phá tài sản.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) về nguyên nhân và giải pháp liên quan đến một số vụ học viên cai nghiện trốn trại ở các trung tâm vừa xảy ra, ông Đào Ngọc Dung cho hay công tác phòng chống cai nghiện ma túy là một nhiệm vụ hết sức quan trọng được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm.

Theo ông Dung, hiện, thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy mới có tính chất rất phức tạp, nhất là ma túy đá, dẫn đến người nghiện bị rối loạn tâm thần, ảo giác và có các hành vi nghiêm trọng.

Vừa qua, một số cơ sở có xảy ra tình trạng học viên trốn trại, thậm chí đập phá trại để trốn ra ngoài ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng…

Cac dia phuong 'ep' nguoi nghien vao trai de lam trong sach dia ban hinh anh 1

Học viên trốn khỏi Trung tâm cai nghiện Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đầu tháng 11/2016 được đưa trở lại. Ảnh: Ngọc An. 

"Việc chúng ta đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải làm. Hầu hết, số học viên này bản thân họ không tự nguyện đi cai mà chủ yếu chỉ gia đình đưa đi", Bộ trưởng LĐ-TB&XH lý giải.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều nơi thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. "Một số địa phương vì mục tiêu làm trong sạch địa bàn nên cứ thấy người có sử dụng ma túy là đưa vào cơ sở cai nghiện. Trong khi đó, quy định ra phải phân loại, không phải ai sử dụng ma túy cũng nghiện. Việc này dẫn đến quá tải tại các trung tâm cai nghiện", ông nói.

Bộ trưởng Đoàn Ngọc Dung lấy ví dụ vụ việc ở tỉnh Đồng Nai, cơ sở chỉ giáo dục cai nghiện được khoảng 500 người nhưng lại nhận đến 1.400 người, dẫn đến bức bối, bức xúc cho các học viên.

Cac dia phuong 'ep' nguoi nghien vao trai de lam trong sach dia ban hinh anh 2

Bộ trưởng LĐ-TB&XH trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 18/4. Ảnh: Thắng Quang.

Ngoài ra, quá trình cai nghiện giáo dục, các cơ sở phải phân loại người giai đoạn cai nghiện ban đầu với giai đoạn sau. Thế nhưng, nhiều nơi lại để người giai đoạn đầu ở chung với người giai đoạn sau, dẫn đến học viên bức xúc hoặc lôi kéo nhau.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết hầu như ở các cơ sở cai nghiện có tối thiểu 35-40% là người từng có tiền án tiền sự. Số học viên này thường hay quá khích, lôi kéo, thậm chí xúi giục trốn trại, phá trại.

Một khó khăn nữa được ông Dung đưa ra là các học viên trốn trại ra ngoài nhưng chưa có chế tài xử lý. Chẳng hạn, vụ việc ở Vũng Tàu, học viên trốn trại nói thẳng nếu bị bắt thì cũng chỉ phải quay trở lại trại thôi nên không có gì phải sợ.

Về giải pháp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho rằng cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tội phạm ma túy, tập trung thực hiện 3 giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.

"Chúng ta phải sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khắc phục một số vướng mắc. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện, tăng cường công tác cán bộ, làm rõ trách nhiệm từng cấp từng ngành", ông Dung đề nghị.

Sáng 18/4, Bộ trưởng Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề: Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc.

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.

Các bộ trưởng Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ tham gia giải trình những vấn đề liên quan.

Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)