Xã hội

Cá voi dạt vào bờ biển Nghệ An khả năng do bệnh lý

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang Nguyễn Tác An cho rằng cá voi già yếu trôi dạt từ xứ lạnh về vùng biển Việt Nam xứ nóng thiếu thức ăn dẫn đến chết.

 

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang Nguyễn Tác An cho rằng cá voi già yếu trôi dạt từ xứ lạnh về vùng biển Việt Nam xứ nóng thiếu thức ăn dẫn đến chết.

Ca voi dat vao bo bien Nghe An kha nang do benh ly hinh anh 1
Cá voi dạt vào vùng biển Nghệ An ngày 27/5. Ảnh: Phạm Hòa.

Ông An phân tích, loài cá voi sống các vùng biển xứ lạnh Bắc Băng Dương, bắc Thái Bình Dương... có thức ăn dồi dào. Khi sức khỏe "có vấn đề", cá voi già yếu bị sóng biển cuốn trôi dạt từ vùng biển lạnh đến vùng biển nóng, lại thiếu thức ăn nên chết nhanh hơn.

"Nhiệt độ thay đổi, thức ăn thiếu thốn khiến cho sức khỏe cá voi suy kiệt dẫn đến mắc cạn chết ở vùng biển xứ nóng. Từ xưa đến nay, hàng nghìn con cá voi hầu hết đã già trôi dạt từ xứ lạnh về chết ở vùng biển Việt Nam chủ yếu do bệnh lý. Khó thể xác định cụ thể độ tuổi về từng cá thể cá voi ", vị chuyên gia nhận định. 

Ca voi dat vao bo bien Nghe An kha nang do benh ly hinh anh 2
Bộ xương cá voi dài hơn 20m đang được ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thờ tự ở Lăng Tân. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo các nhà nghiên cứu, loài cá voi phong phú gồm cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám trắng, cá voi hổ kình... Trong đó, cá voi xanh(còn gọi là cá voi nhà táng) thuộc bộ mysticeti (cá voi tấm sừng hàm) con lớn nhất có thể dài 30m, nặng đến 180 tấn. Cơ thể cá voi xanh dài và thon, có thể có màu hơi xanh-xám ở mặt lưng và sáng màu hơn ở mặt bụng sống ở vùng biển bắc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Nam Băng Dương...

Trước thế kỉ XX, cá voi xanh tồn tại với số lượng cá thể lớn ở hầu hết các đại dương trên thế giới nhưng hơn 100 năm qua, chúng bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng. Năm 1946, Ủy ban Cá voi quốc tế được thành lập để kiểm soát số lượng cá voi và bảo vệ chúng. Sau đó, Tổ chức này ban hành lệnh cấm giết cá voi cho mục đích thương mại trên toàn thế giới.

Trước đó, sáng 27/5, trong lúc đánh bắt thủy sản, ông Hoàng Công Khai (ngụ huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) phát hiện con cá voi dài hơn 10m, nặng khoảng 7 tấn chết nổi trên mặt nước cách bờ chừng 2 hải lý, sau đó trôi dạt về phía bờ. Trưa ngày 28/5, xác con cá voi này đã được chính quyền địa phương đưa vào bờ để người dân mai táng theo phong tục tín ngưỡng tâm linh miền biển. 

Trước đó, ngày 25/5, một con cá voi khác dài 13m, nặng 15 tấn cũng đã trôi vào mắc cạn ở bờ biển Diễn Thịnh (cùng huyện Diễn Châu) đã được người dân giải cứu đưa trở lại biển. 
 

Theo Minh Hoàng (Zing.vn)